Khu vực ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) được giải tỏa làm tuyến metro số 2 và... chờ - Ảnh: TỰ TRUNG
Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu TP.HCM làm rõ chi phí phát sinh nếu có trong trường hợp phải gia hạn các khoản vay thực hiện dự án, phần vốn bố trí cho các chi phí phát sinh, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến việc chậm tiến độ dự án này.
Đầu xuôi, đuôi không lọt
12 năm trước (2010), metro số 2 được phê duyệt với kỳ vọng đưa vào khai thác thương mại năm 2016.
Đây là tuyến đường sắt đô thị số 2, sau tuyến số 1 để giải bài toán kẹt xe ở cửa ngõ tây bắc TP. Dự án đi qua sáu quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với diện tích thu hồi 251.136m2, với 603 trường hợp bị ảnh hưởng.
Rút kinh nghiệm từ dự án metro số 1, việc giải phóng mặt bằng được thực hiện rất khẩn trương. Tuy nhiên "đầu xuôi nhưng đuôi chưa lọt", tiến độ giải phóng mặt bằng liên tục lùi từ năm 2020 đến 2021 và theo yêu cầu của TP là phải hoàn tất trong quý 3- 2022.
Tuy nhiên, theo báo cáo cách đây ít hôm, Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho biết hiện các quận đã ban hành quyết định thu hồi đất, đạt 99,6% (các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%). Tỉ lệ bàn giao mặt bằng đạt 85,2%.
Riêng quận 3 mới có khoảng 41% hộ dân tại quận này bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân do hệ giá đất cụ thể chưa được phê duyệt, một số hộ chưa chấp nhận giá bồi thường.
Không chỉ tắc vì mặt bằng, mà quá trình điều chỉnh dự án trước đây kéo dài nên từ tháng 10-2018 hợp đồng tư vấn dự án tạm ngưng. Chủ đầu tư và tư vấn IC (liên danh Metro Team Line 2) suốt một thời gian dài đã tiến hành các cuộc đàm phán nhưng không đạt được kết quả như mong đợi.
Đến cuối tháng 3-2022, tư vấn IC thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng. Chủ đầu tư phải tuyển chọn tư vấn mới để làm các công việc dang dở của tư vấn cũ và làm thêm phần giám sát thi công.
Hiện tư vấn CS2B đang cập nhật lại hồ sơ thiết kế FEED (thiết kế kỹ thuật tổng thể được triển khai theo thông lệ quốc tế) và triển khai công tác đấu thầu hai gói thầu chính CP2, CP7 của dự án.
Theo kế hoạch, đến quý 3-2024 mới hoàn thành công tác đấu thầu hai gói thầu này và đến đầu năm 2025 sẽ khởi công xây dựng. Metro Bến Thành - Tham Lương dự kiến được xây dựng, lắp đặt thiết bị trong 5 năm (2025 - 2030), đưa vào khai thác cuối năm 2030 và cần thêm hai năm để sửa chữa khiếm khuyết, bảo hành.
Tuyến đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3, TP.HCM) vẫn chưa được giải tỏa bàn giao mặt bằng thi công tuyến metro số 2- Ảnh: HỮU HẠNH
Phải đàm phán lại hợp đồng vay
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chậm tiến độ dự án metro Bến Thành - Tham Lương thời gian qua đã dẫn tới năm hiệp định vay vốn của các nhà tài trợ hết hạn giải ngân, làm phát sinh chi phí. Trong đó có hai hiệp định vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hai hiệp định vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và một hiệp định vay Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án, TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục trình thẩm định cho vay lại và đề xuất khoản vay cụ thể sau khi tư vấn CS2B hoàn thành cập nhật thiết kế FEED.
Dự kiến các khoản vay này sẽ được ký kết hiệp định vay lại vào năm 2024 để phục vụ việc thi công gói thầu chính CP2, CP7 của metro Bến Thành - Tham Lương. UBND TP.HCM cho biết đã làm việc với nhà tài trợ KfW vào tháng 4-2022, KfW đồng ý sử dụng một khoản vay riêng để thực hiện gói thầu tư vấn với tư vấn CS2B. Chủ đầu tư dự án đang làm việc với KfW để đề xuất khoản vay bổ sung cho gói thầu tư vấn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng với những dự án vay vốn ODA khi hết hạn đầu tư, việc ký kết lại hợp đồng sẽ được hai bên liên quan đàm phán dựa trên những điều khoản trong hợp đồng vay vốn cũ đã được ký kết.
Góp ý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án metro số 2 đến năm 2030, theo Bộ Tài chính, kể từ thời điểm triển khai (năm 2010) đến khi kết thúc giải ngân các hiệp định vay (năm 2020), dự án mới giải ngân 20,13 triệu USD phần vốn vay và 18,52 triệu EUR phần vốn viện trợ. Dự án triển khai rất chậm, không đúng kế hoạch, gây lãng phí rất lớn.
Bộ Tài chính đề nghị TP.HCM chịu trách nhiệm trong việc chậm triển khai dự án và làm rõ sự cần thiết cũng như khả năng tiếp tục thực hiện dự án, các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ, rút kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch giải ngân cho sát đúng với tiến độ triển khai.
Đối với khoản vay KfW, hiện Chính phủ đang trả phí cam kết cho nhà tài trợ nước ngoài (0,25%/năm/phần vốn chưa giải ngân).
Bộ Tài chính đề nghị TP.HCM làm rõ khả năng gia hạn thời hạn giải ngân của khoản vay và ý kiến của nhà tài trợ về nội dung này, cam kết chịu trách nhiệm chi trả trong thời gian kéo dài.
"Bệnh mãn tính"
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ các dự án đầu tư công lớn thời gian qua, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thực tế trong đầu tư công không chỉ có dự án metro Bến Thành - Tham Lương chậm tiến độ. Chậm tiến độ dường như đã trở thành "bệnh mãn tính", có rất ít dự án đầu tư công hoàn thành đúng tiến độ.
Ông Ánh cho rằng có nhiều nguyên nhân, như khâu chuẩn bị đầu tư không tốt, dự án áp dụng công nghệ mới nên chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên theo ông Ánh, nguyên nhân chủ yếu là do công tác triển khai thực hiện không tốt. Bằng chứng là ngành giao thông vận tải đã có những thời kỳ hoàn thành dự án đúng tiến độ khi người đứng đầu bộ này chỉ đạo sát sao.
Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn cho rằng mọi nguyên nhân khác đều có thể khắc phục được, căn "bệnh mãn tính" chậm tiến độ các dự án đầu tư công chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân không có người đôn đốc, không có người trừng phạt những cá nhân để dự án chậm tiến độ.
Theo ông, cần thực hiện phương châm ai không làm được thì thay nhưng phải làm quyết liệt, công khai thì mới mong các dự án về đích đúng tiến độ.
"Ở đây có sự bê trễ của những người có trách nhiệm, của cả một bộ máy quản lý dự án, không hẳn do khâu này hay khâu kia. Muốn dự án đúng tiến độ thì những người có trách nhiệm với dự án phải làm việc hết sức của mình một cách tận tâm", ông Ánh nhấn mạnh.
Dân bàn giao mặt bằng rồi... đợi
Ngày 1-10, trở lại tuyến đường dự án metro số 2 đi qua như đường Cách Mạng Tháng 8, đường Trường Chinh nhiều ngôi nhà nằm trong dự án đã được giải tỏa, lùi sâu 8 - 12m so với hiện trạng.
Nhiều hộ dân bị giải tỏa trắng đã về nơi tái định cư mới. Còn những ngôi nhà, công trình bị phá dỡ một phần tiếp tục được tu sửa để kinh doanh, sinh sống. Đa số người dân ở đây cũng chờ đợi ngày khởi công tuyến metro thứ 2 của TP.HCM.
Ông Võ Hữu Thắng (ngụ phường 11, quận Tân Bình) nói lúc bàn giao một phần mặt bằng cũng là lúc ông đếm ngược thời gian để chờ khởi công dự án metro số 2.
"Sự mong chờ dự án này không riêng gì cho sự tiện lợi của bản thân, của con em tôi sau này mà đó là sự mong chờ chung cho người dân TP. Ai cũng mong chờ vào một TP hiện đại mà tàu metro là loại hình không thể thiếu. Giải tỏa hoàn tất rồi, hy vọng sớm khởi công xây dựng metro để người dân thuận tiện đi lại", ông Thắng bày tỏ.
TTO - Chiều 30-9, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM ký văn bản thông qua phương án tổ chức giao thông phục vụ thi công di dời - tái lập các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Xem thêm: mth.78712637020012202-1-os-ortem-auc-ex-tev-oav-id-gnad-2-os-ortem/nv.ertiout