Tình hình thế giới vẫn có nhiều biến động, lạm phát tăng cao và những lo ngại về suy thoái kinh tế… Đây chính là những rủi ro với kinh tế toàn cầu. Việt Nam là một quốc gia có độ mở kinh tế cao, nên cũng đang chịu những ảnh hưởng nhất định.
Trong bức tranh khó khăn chung của các quốc gia, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế cả năm nay. Nội dung được nhiều báo chí quốc tế nhấn mạnh từ các báo cáo cập nhật quý 3.
Một bài viết mới được đăng tải trên trang News Wire đã đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam, cũng như việc Việt Nam thúc đẩy tự do hóa thương mại với các quốc gia và khu vực trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đã đảm bảo phục hồi kinh tế nhanh chóng và kiểm soát lạm phát bất chấp những thách thức bên ngoài, giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng, từ 11,57 tỷ USD vào tháng 7 lên 12,8 tỷ USD vào tháng 8/2022, báo hiệu sự phục hồi của Việt Nam sau COVID-19. Sự tăng trưởng này một phần do nỗ lực nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra một môi trường đầu tư an toàn và thân thiện cho doanh nghiệp nước ngoài.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng, từ 11,57 tỷ USD vào tháng 7 lên 12,8 tỷ USD vào tháng 8/2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Đồng quan điểm với nhận định trên, tạp chí The Diplomat có trụ sở tại Mỹ nhận định: "Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc trong 40 năm qua, điều này khiến đất nước này trở thành một điểm đến hấp dẫn FDI".
Bài viết chỉ ra rằng, Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế cơ sở hạ tầng phát triển và những chính sách tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.
Khuyến nghị để kinh tế tăng trưởng bền vững
Các tập đoàn nước ngoài cũng thể hiện sự quan tâm đến Việt Nam khi Chính phủ đã có những nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh dễ dàng hơn cho các công ty nước ngoài. Các chuyên gia và nhà đầu tư vẫn có nhiều kỳ vọng, đồng thời đưa ra những khuyến nghị cho thời gian tới, để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
"Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra những chính sách đúng đắn cho phát triển, cần tiếp tục gia tăng độ mở của nền kinh tế và thu hút nhân tài đến với Việt Nam; tiếp thu những thành tựu trên thế giới và ứng dụng vào Việt Nam. Thu hút đầu tư vẫn quan trọng nhưng cần phải thu hút đầu tư chất lượng cao. Bên cạnh đó, khi nguồn vốn FDI cạn dần, thì những chính sách thúc đẩy công nghiệp 4.0, cải cách các quy định và tài chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ phát huy hiệu quả và góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Việt Nam cần có một lực lượng lao động không chỉ biết lắp ráp linh kiện, mà còn có thể sáng chế ra những sản phẩm công nghệ cao. Tổng thể mà nói, tôi cho rằng sự phát triển của Việt Nam trong tương lai là rất tương sáng", Giáo sư David Dapice, chuyên gia Kinh tế cấp cao, Chương trình Việt Nam và Myanmar, Trung tâm Ash, Đại học Harvard, đánh giá.
"Chúng tôi kỳ vọng sang năm, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt hơn 100 tỷ USD. Điều đó thể hiện sự quan tâm và thiện chí của các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với thị trường Việt Nam. COVID-19 gần hết rồi, bây giờ chúng ta phải tiếp tục tạo ra những điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sang Việt Nam, cải thiện một chút các chính sách thu hút đầu tư cũng như chế độ cấp giấy phép lao động, thẻ tạm trú. Điều đó là những mong muốn của các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam", ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), cho biết.
"Tôi cho rằng điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh việc giải ngân các khoản chi tiêu tài khóa theo kế hoạch, chẳng hạn như phát triển cơ sở hạ tầng để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhu cầu từ thị trường quốc tế đang chững lại. Đối với lạm phát, việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu là một cách hiệu quả và một bước đi đúng đắn giúp hạn chế lạm phát. Nếu tiền Đồng mất giá khoảng 4 - 4,5% so với USD trong năm nay, thì vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với nhiều nước châu Á khác, nhưng nếu áp lực mất giá tiền Đồng ngày càng gia tăng, thì Ngân hàng Nhà nước nên xem xét thắt chặt chính sách tiền tệ", ông Brian Lee Shun Rong, Nhà nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng đầu tư Maybank, Singapore, nhận định.
VTV.vn - Với triển vọng tích cực, tăng trưởng ở mức cao, tờ Asian Investor đánh giá Việt Nam đóng vai trò là "bệ phóng" cho châu Á.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!