Ngày 3-10, TAND tỉnh Đồng Nai thông tin về việc đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đào Ngọc Viễn (giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) cùng 73 bị cáo đưa ra xét xử về tội buôn lậu và nhận hối lộ.
Xét xử trong vòng 45-60 ngày
Dự kiến phiên tòa sẽ khai mạc vào sáng ngày 25-10, diễn ra liên tục từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Thời gian xét xử dự kiến từ 45 đến 60 ngày. Thành phần HĐXX xử thẩm gồm hai thẩm phán, ba hội thẩm nhân dân.
Ngoài 74 bị cáo, vụ án còn có 53 cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, 81 luật sư bào chữa và 43 người làm chứng.
Do quá đông người tham gia trong buổi xét xử sơ thẩm, vì vậy TAND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức mở phiên tòa xét xử tại Hội trường Trung tâm Hội nghị và Tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai.
Bị can Phan Thanh Hữu, "ông trùm" trong đường dây xăng lậu tại cơ quan điều tra. Ảnh: VH |
Như PLO đã đưa tin, VKSND tỉnh Đồng Nai đã ban hành cáo trạng truy tố Đào Ngọc Viễn (giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng), Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Nguyễn Hữu Tứ (quê Hải Phòng) và 70 đồng phạm về tội buôn lậu.
Bị can Ngô Văn Thụy (Đội trưởng Đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan) bị truy tố về tội nhận hối lộ.
Đây là vụ án buôn lậu xăng dầu nhất cả nước từ trước đến nay với 200 triệu lít xăng trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng.
Gần 200 triệu lít xăng lậu, trị giá khoảng gần 2.900 tỉ đồng
Theo cáo trạng, tháng 9-2019, Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn cùng Phạm Hùng Cường (ngụ Hải Phòng), Phùng Danh Thoại (hàm Đại tá, Trưởng phòng xăng dầu Cục hậu cần – Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Trọng “dầu” (chưa rõ nhân thân lai lịch) cùng góp vốn để mua xăng lậu từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ và ăn chia tổng vốn là 53,4 tỷ đồng.
Sau đó, Viễn đã giới thiệu chủ hàng ở Singapore cho Hữu trực tiếp thỏa thuận mua xăng lậu. Nhóm này thuê của Viễn hai tàu Tàu Pacific Ocean trọng tải 3.000 tấn và Tàu Western Sea có trọng tải 5.000 tấn chở xăng dầu từ Singapore về Việt Nam giao cho các tàu Nhật Minh của Hữu, đưa vào sông Hậu thuộc thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) và các tàu Khánh Hoà tiêu thụ.
Sau đó, xăng lậu từ các con tàu Nhật Minh sẽ bơm sang các kho chứa xăng dầu của các đầu nậu, đại lý rồi đi tiêu thụ cho các đầu mối ở Đồng Nai, TP.HCM, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa... Ngoài ra, Hữu còn sử dụng các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng lậu bán sang Campuchia. Mỗi chuyến buôn lậu thành công, Hữu được hưởng 40% lợi nhuận còn Viễn, Cường, Thoại được hưởng 60% lợi nhuận.
Cũng theo cáo trạng, bị can Ngô Văn Thụy – cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng Cục Hải quan được giao nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu trên địa bàn các tỉnh từ Bình Thuận trở vào phía Nam. Trong quá trình công tác, Thụy phát hiện thông tin có các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam nên tổ chức bắt giữ.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh, cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang bị Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên án chung thân . Ảnh: UYÊN TRANG |
Ngày 25-1-2021, một Cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng Cục Hải quan điện thoại cho Thụy giới thiệu cho Nguyễn Hữu Tứ xin gặp. Mấy ngày sau, Tứ bỏ vào một thẻ ATM trong tài khoản có 100 triệu đồng vào phong bì 10.000 USD tìm đến nhà Thụy ở TP.HCM đặt vấn đề bỏ qua Nhật Minh.
Tiếp đến Hữu cũng gặp Thụy tại nhà riêng và để lại 500 triệu đồng nói "gửi quà để chú ra bắc". Từ đó, Thụy đã làm ngơ cho đường dây buôn lậu của Hữu. Tuy nhiên, Thụy chỉ thừa nhận Hữu, Tứ đến nhà riêng đặt vấn đề biếu quà chứ không thỏa thuận đồng ý cho tiếp tục buôn xăng nhập lậu.
Đường dây xăng lậu khủng này bắt đầu được triệt phá tối 6-2-2021, công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an huy động hơn 500 cảnh sát bao vây ụ nổi giữa sông Hậu bắt quả tang nhiều người đang pha chế, sang chiết xăng giả. Cùng lúc, 13 địa điểm khác ở Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu bắt giữ những người liên quan.
Theo kết quả điều tra, từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ, Đào Ngọc Viễn cùng các đồng bọn đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng gần 200 triệu lít xăng lậu, trị giá khoảng gần 2.900 tỉ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỉ đồng.
Trong vụ án này công an đang truy nã bị can Phạm Hùng Cường về tội "buôn lậu” với vai trò cầm đầu. Do Phạm Hùng Cường hiện bỏ trốn, chưa truy bắt được nên công an ra Quyết định truy nã.
Ngày 15-7, liên quan đến đường dây xăng dầu lậu này, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên án đối với 14 bị cáo trong vụ buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Vụ án này, trong số 14 bị cáo bị tuyên phạm tội nhận hối lộ. Trong đó, bị cáo Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) bị tuyên 15 năm tù, Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) 12 năm tù, Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh) 10 năm tù.
Còn bị cáo khác, chủ yếu là các cựu quân nhân thuộc lực lượng biên phòng và cảnh sát biển, bị tuyên từ hai năm sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 16 năm tù, cùng về tội danh nêu trên.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) bị tuyên chung thân về tội nhận hối lộ và hai năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, cựu trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) là người duy nhất bị truy tố tội buôn lậu, nhận mức án bảy năm tù.