Báo cáo thị trường quý III/2022 của Batdongsan.com.vn phản ánh một thực trạng là mức độ quan tâm đến BĐS trên cả nước ghi nhận đã giảm đáng kể từ thời điểm tháng 3/2022. Nhiều tỉnh thành lớn của đất nước chứng kiến nhu cầu tìm mua BĐS trong quý III/2022 giảm so với quý trước, đơn cử như Hải Phòng ước tính giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%.
BĐS cho thuê tăng trưởng lực cầu và lợi suất
Trong khi thị trường BĐS bán khá trầm lắng thì thị trường BĐS cho thuê lại ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn. Quý III/2022, ước tính, mức độ quan tâm đến BĐS bán tại Hà Nội giảm 3% so với quý I/2022, nhưng nhu cầu tìm thuê BĐS Hà Nội lại tăng 58%.
Tại Tp.HCM, lượng quan tâm BĐS bán và cho thuê trong quý III/2022 đều tăng so với quý I/2022, trong khi mức tăng của phân khúc bán là 19% thì phân khúc cho thuê tăng đến 70%.
Loại hình BĐS cho thuê dẫn đầu cả 2 thị trường Hà Nội và Tp.HCM về mức độ quan tâm là chung cư. Nhu cầu tìm thuê chung cư Hà Nội trong quý III tăng khoảng 13% so với quý trước, còn mức tăng ở Tp.HCM là 24%. Giá cho thuê chung cư cũng tăng đều ở nhiều quận.
Đơn cử, giá cho thuê chung cư quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm (Hà Nội) tăng từ 14 đến 16% so với quý trước. Tp.HCM chứng kiến xu hướng tương tự, giá cho thuê chung cư Quận 4, Quận 1 và Bình Thạnh tăng lần lượt là 14%, 12% và 13%.
Đáng chú ý, lợi suất cho thuê nhà phố ở 2 thành phố lớn vốn sụt giảm trong năm 2021, hiện nay đã hồi phục tốt, gần bằng mức lợi suất năm 2019 - thời kỳ trước khi xảy ra Covid-19.
Cụ thể, năm 2019, lợi suất cho thuê nhà phố Hà Nội là 3,2%/năm và đã giảm xuống còn 2,5% trong năm 2021, nhưng trong 9 tháng đầu năm nay, bình quân lợi suất cho thuê nhà phố Hà Nội đã tăng trở lại, đạt 3%/năm.
Ở Tp.HCM, lợi suất cho thuê nhà phố trong năm 2021 giảm xuống mức 2,7%/năm từ mốc 3,1% của 2019, tuy nhiên đã phục hồi về mức 2,9% trong 9 tháng đầu năm nay.
Khách mua hờ hững
Trong quý III/2022, giá rao bán nhà riêng tại một số địa phương miền Bắc tăng so với quý liền trước. Cụ thể, giá rao bán nhà riêng Bắc Giang ước tính tăng 61%, tại Quảng Ninh tăng 21%, ở Hải Phòng tăng 3%. Trong khi đó, nhu cầu tìm mua nhà riêng ở các tỉnh này ghi nhận không có nhiều biến động.
Nhiều địa phương miền Nam như Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chứng kiến mặt bằng giá rao BĐS thấp tầng (tính gộp đất, đất nền dự án và nhà riêng) tăng nhẹ so với quý II/2022, với mức tăng từ 1 đến 11%. Tuy nhiên, nhu cầu tìm mua BĐS thấp tầng ở các tỉnh này sụt giảm mạnh từ 19% đến 33%.
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, khu vực miền Nam, mặc dù thanh khoản và mức độ quan tâm đối với BĐS thấp tầng giảm xuống, nhưng chỉ một số nhà đầu tư bị áp lực tài chính cần bán ra, còn lại phần lớn nhà đầu tư vẫn kỳ vọng cao ở phân khúc này, đặc biệt là những nhà đầu tư không bị áp lực dòng tiền, do đó, giá rao bán không giảm mà thậm chí tăng nhẹ so với quý liền trước.
Tổ chức khảo sát thực tế với các nhà môi giới, dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy giao dịch BĐS hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, 36% số người được hỏi cho biết rào cản lớn nhất là khách hàng lo sợ thị trường tiêu cực nên không dám đầu tư vào BĐS, 23% chia sẻ giao dịch không thể chốt thành công do khách hàng bị hạn chế trong vay vốn để mua BĐS, 19% nhận thấy trở ngại chính là mặc bằng giá BĐS đang quá cao so với khả năng tài chính của người mua.
Trong bối cảnh này, nhiều bên tham gia thị trường BĐS đặt kỳ vọng vào việc tăng trưởng room tín dụng. Khảo sát gần đây của Batdongsan.com.vn với hơn 500 thành viên thị trường BĐS tiết lộ hơn 34% đáp viên cho rằng hạn mức tín dụng sẽ được nới lỏng vào cuối năm 2022, 40% tin điều này sẽ diễn ra vào đầu năm 2023.
Kỳ vọng này không phải không có cơ sở bởi nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn đang ở mức cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn dự đoán trong thời gian tới, Nhà nước sẽ chưa có động thái nới hạn mức tín dụng quá mạnh mẽ vì sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát.
“Kinh tế nước ta trong năm nay vẫn tăng trưởng tốt, Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,2%. Vì vậy sức ép cấp thêm hạn mức tín dụng để kích thích tăng trưởng là không quá lớn. Nhà nước sẽ thiên về việc kiểm soát lạm phát thay vì đẩy mạnh tín dụng vào thị trường”, ông Quốc Anh chia sẻ quan điểm.