Dù đang ở tốp các thị trường có mức giảm điểm mạnh nhất thế giới kể từ đầu năm nhưng chứng khoán phiên đầu quý IV-2022 tiếp tục lao dốc. Giá của nhiều nhóm cổ phiếu ở thời điểm hiện tại còn thấp hơn cả đáy tháng 5 và tháng 7-2022, thậm chí một số cổ phiếu đã về mức đáy hồi COVID-19 vào tháng 3-2020. Tâm lý của các nhà đầu tư rất tiêu cực, dòng tiền yếu ớt…
Báo Người Lao Động đã trao đổi với chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh để thêm một góc nhìn cho bạn đọc.
. Phóng viên: Trái ngược với các kỳ vọng về đáy của thị trường ở vùng quanh 1.140 điểm (đáy đợt tháng 7-2022), chỉ số VN-Index đã "thủng" cả vùng 1.100 điểm khi rơi xuống 1.086,44 điểm. Đâu là yếu tố khiến cổ phiếu hôm nay liên tục giảm sốc?
- Ông Phan Dũng Khánh: Xu hướng đi xuống của thị trường sau khi đạt đỉnh từ vùng 1.530 điểm hồi đầu năm đã diễn ra từ nhiều tháng qua chứ không phải mới đây. Có điều, diễn biến bất ngờ hơn kỳ vọng là chỉ số VN-Index tiếp tục nhúng sâu xuống dưới vùng 1.100 điểm.
Ông Phan Dũng Khánh
Những yếu tố tác động tới thị trường vẫn không thay đổi, có điều là phản ứng của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại tiêu cực hơn, các nhà đầu tư thất vọng về chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khi cơ quan này thể hiện quan điểm sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cho tới giai đoạn 2024-2025. FED bắt đầu lộ trình nâng lãi suất cơ bản từ đầu năm đến nay, cho thấy quá trình này sẽ còn dài… Từ đó, các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế phản ứng tiêu cực với thị trường, bằng chứng là chỉ số chứng khoán tại Mỹ cũng liên tục giảm mạnh.
Trong nước, dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tốt và ít bị ảnh hưởng bởi biến động quốc tế, nhưng thị trường vẫn xấu khi tâm lý nhà đầu tư lo ngại, dòng tiền đứng ngoài. Nhiều nhà đầu tư sợ độ trễ ảnh hưởng từ quốc tế nên càng chưa muốn tham gia "bắt đáy".
. Vậy nghĩa là tâm lý nhà đầu tư trong nước đang bị tác động quá lớn bởi quốc tế, nhìn chỉ số thị trường Dow Jones của Mỹ để "hành động" với cổ phiếu hôm nay?
- Đúng là có thực tế này. Cụ thể, kinh tế Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi biến động trên thị trường quốc tế nhưng ít hơn nhiều, như Mỹ đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản từ đầu năm 2022 đến nay nhưng Ngân hàng Nhà nước chỉ mới tăng 1 lần lãi suất điều hành vào tháng 9 vừa qua.
Và mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức trước dịch COVID-19, trong khi nhiều nước lãi suất tăng cao hơn trước dịch và lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu đã khoảng 10%, là mức cực kỳ cao. Kinh tế Việt Nam vẫn có điểm sáng nhưng nhà đầu tư lại phản ánh tiêu cực lên thị trường chứng khoán.
Tâm lý nhà đầu tư trong nước thường nhìn chỉ số chứng khoán quốc tế để giao dịch là khá phổ biến.Ảnh: Lam Giang
. Với diễn biến tâm lý thị trường kém lạc quan như hiện tại, mốc tiếp theo của VN-Index sẽ là bao nhiêu, theo ông?
- Xác suất VN-Index về dưới 1.000 điểm là có, nhưng tôi kỳ vọng trong tháng 10 này sẽ có đợt hồi ngắn hạn. Trong tháng 8-2022 vừa qua, thị trường đã có đợt hồi từ vùng 1.140 điểm lên sát vùng 1.300 điểm, nhưng lần này nếu có hồi cũng sẽ rất khó lên cao vì thực tế hiện nhiều cổ phiếu hôm nay được định giá rất rẻ, rất hấp dẫn nhưng ngày mai có thể giảm nhiều hơn, sâu hơn. Do đó, việc khuyến nghị bắt đáy hoặc mua để đầu tư trung hạn là rất khó…
. Điểm yếu nhất trên thị trường hiện tại là dòng tiền, khi nhà đầu tư tâm lý tiêu cực nên không mặn mà tham gia, vậy theo ông khi nào thì thị trường đủ điều kiện tham gia?
- Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị tác động tâm lý rất lớn từ thế giới, nên thời điểm này phải nhìn bối cảnh quốc tế để quyết định. Theo tôi, khi nào tham gia mua được cổ phiếu hôm nay phải nhìn lãi suất trên thị trường quốc tế có dấu hiệu đạt đỉnh, quay đầu đi xuống và chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương các nước bớt chặt hơn. Bởi hiện nay tình hình lạm phát ở Mỹ, châu Âu và các nước dù đã được kiểm soát nhưng vẫn còn rất cao.
. Có chỉ báo nào từ thị trường cho thấy chứng khoán ở vùng đáy, theo kinh nghiệm nhiều năm quan sát thị trường của ông?
- Tôi còn nhớ khoảng 4 tháng trước khi thị trường đạt đỉnh vùng 1.500 điểm, tôi có đọc thông tin một xe ôm công nghệ cũng phân tích thị trường chứng khoán như những chuyên gia. Trong quá khứ, thời điểm 2008 đã từng có rất nhiều chuyên gia trên thị trường chuyển nghề khi thị trường tuột dốc không phanh. Nói nôm na, theo tôi khi nào cả những người xe ôm cũng thành chuyên gia là sắp đỉnh và khi nào cả chuyên gia cũng làm thêm nghề khác thì là vùng đáy…
. Vậy nhà đầu tư chứng khoán đến thời điểm này nên ứng xử thế nào với thị trường và cổ phiếu trong danh mục?
- Thẳng thắn, theo tôi lúc này nhà đầu tư nên "nghỉ Tết sớm". Trong các kênh đầu tư từ đầu năm đến nay, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn, bảo đảm đủ mức sinh lời so với chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…
. Xin cám ơn ông!
Xem thêm: mth.20710609040012202-mos-tet-ihgn-ut-uad-ahn-cul-ned-01-4-yan-moh-ueihp-oc/et-hnik/nv.moc.dln