Người dân khám bệnh tại một bệnh viện trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sau câu chuyện bác sĩ ở một bệnh viện công từ TP.HCM đi tỉnh tham gia khám bệnh trong giờ hành chính, điều đọng lại là những trăn trở trước thực trạng cán bộ phải làm thêm để bù đắp cho đồng lương khiêm tốn. Không chỉ ngành y mới có chuyện này.
Từ những lời chào mời
Sau dịch COVID-19, nhiều nhân viên y tế chủ động nghỉ việc, hoặc chuyển từ cơ sở y tế công lập sang tư nhân.
Không ít người từng cống hiến hàng chục năm, ngọn lửa yêu nghề chưa bao giờ tắt, song nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến họ phải đi đến quyết định khó khăn và ngoài mong muốn. Trước khi chia tay công việc đã gắn bó suốt thời gian dài, hẳn ai cũng đắn đo, cân nhắc và thật đau đớn khi buộc lựa chọn điều không vui vẻ gì.
Y bác sĩ trực tại bệnh viện đã đủ mệt, nhưng hết giờ làm việc vẫn tranh thủ về khám bệnh ngoài giờ, vừa cải thiện thu nhập vừa giúp người dân được khám bệnh gần nhà và không phải chờ đợi lâu. Sinh viên tốt nghiệp đại học y khoa hằng năm không ít, song các bệnh viện công lẫn tư đều muốn bác sĩ có thâm niên, kinh nghiệm đảm nhận khâu khám và điều trị cho bệnh nhân.
Vì vậy, không hề ngạc nhiên khi nhiều bác sĩ giỏi dù nghỉ hưu nhưng vẫn được bệnh viện ký hợp đồng tham gia khám tổng quát. Hầu hết các bệnh viện và phòng khám tư chào mời sự cộng tác của y bác sĩ từ bệnh viện công.
Cũng đã thành chuyện bình thường khi rất nhiều giảng viên đại học được phép thỉnh giảng tại nhiều trường khác miễn sao cơ quan chủ quản chấp thuận, đồng thời sắp xếp được thời gian.
Coi như họ đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ở trường (nơi làm việc chính thức) nhưng thỉnh giảng nhiều nơi dù ít dù nhiều cũng ảnh hưởng đến các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy cũng như thời gian nghỉ ngơi cần thiết của họ.
Không phải bệnh viện công, trường công dư người hay bác sĩ, thầy cô ở đó còn rảnh rỗi, nhàn hạ! Bởi vì "bên ngoài" cần họ, thực tế rõ vậy rồi. Và đó là cơ hội làm thêm đúng chuyên môn cho người được mời.
Làm thêm sao cho đúng?
Chẳng biết nên buồn hay vui khi mỗi ngày mở Zalo, Facebook lên thấy ngày càng nhiều cán bộ, viên chức, giáo viên đăng quảng cáo bán hàng "online" với đủ loại sản phẩm.
Để tồn tại với nghề mình yêu thích họ đã phải nghĩ ra đủ mọi nghề để sống tốt hơn từ thu nhập của "nghề tay trái". Không hiếm khi công việc phụ nhưng nguồn thu lại có vai trò chính, trang trải cho cuộc sống gia đình.
Nhìn lại đồng lương "cứng" của những người hưởng lương từ ngân sách, hệ số vẫn được tăng dần đều theo niên hạn, vậy nhưng mức tăng thật "ung dung" nếu so với đà tăng "phi mã" của giá cả thị trường và nhu cầu đời sống. Bác sĩ hoặc giáo viên phục vụ hơn 20 năm, con cái sắp vào đại học mà lương tháng 8 triệu đồng, sao tránh khỏi tâm tư! Nhất là những người sống ở đô thị.
Những hoạt động "chạy sô" chưa kịp xin phép hẳn sẽ được chấn chỉnh. Nhưng giải pháp căn cơ hơn vẫn là cải thiện đồng lương, thu nhập và có đủ nhân sự cho hệ thống bệnh viện, trường học công và tư. Ổn định đời sống để không bị chảy máu chất xám, mỗi cá nhân toàn tâm toàn ý cho công việc cơ quan.
Việc xin phép và được phép nghĩ cho cùng là thủ tục. Khi nhu cầu bên ngoài quá lớn, các cơ sở tư có rất ít nhân sự cơ hữu, họ sẽ có lắm cách lách quy định hoặc lãnh đạo cơ sở công lập đành "mắt nhắm mắt mở" trước thực tế anh em đi làm bên ngoài (nếu không muốn mất người khi khó có nhân sự thay thế).
Siết chuyện ra ngoài làm thêm chưa dễ làm nhanh trước thực tế hiện nay.
Áp lực tăng tốc, đãi ngộ theo không kịp
Chỉ trong hai năm rưỡi đã có gần 40.000 công chức viên chức trên cả nước xin nghỉ việc, trong đó khá đông nhân viên y tế, giáo viên.
Người có khả năng tự giải bài toán cái ăn cái mặc bằng việc dạy kèm, dạy thêm lắm khi nằm ngoài quy định nhưng họ phải chọn để "bám trụ" được với nghề, còn không thì đành nói lời chia tay.
Áp lực công việc, trách nhiệm nơi công tác tăng với cấp số cộng trong khi chính sách, chế độ đãi ngộ chưa theo kịp. Hóa giải được phép tính chênh lệch này sẽ tất yếu giúp công nhân viên "an tâm lạc nghiệp". Không còn cảnh tất tả chạy ngược chạy xuôi, đi về hàng chục, hàng trăm cây số mong có thêm đồng ra đồng vào.
Cả chính sách về đào tạo và tuyển dụng cũng vậy. Phải có đủ nguồn nhân lực cho cả công và tư mới có thể giải quyết được tình trạng làm thêm bên ngoài quá nhiều.
TTO - Ngoài giờ làm việc chính tại một cơ sở y tế công lập, bác sĩ có thể mở phòng mạch, làm ở phòng khám đa khoa, hoặc làm thêm ngay tại nơi mình đang công tác. Thủ tục xin ra bên ngoài làm thêm rất đơn giản, dễ dàng.
Xem thêm: mth.89370438040012202-gnort-nahc-noh-iad-iaogn-nahc-noum-ia-oc/nv.ertiout