Trong hơn 2 năm dịch COVID-19, đặc biệt là giai đoạn đầu của dịch, đã có nhiều bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 không qua khỏi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong bối cảnh cả nước vẫn ghi nhận hàng ngàn ca COVID-19 mỗi ngày thì việc cần thêm ‘lá chắn’ để bảo vệ nhóm người này là rất cần thiết.
Bị suy giảm miễn dịch ‘kép’
Trong hơn 2 năm dịch COVID-19, đặc biệt là giai đoạn đầu của dịch, đã có nhiều bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 không qua khỏi. Đây cũng là một trong những nhóm người được Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên vì nguy cơ chuyển nặng và tử vong ở họ rất cao nếu mắc COVID-19.
Theo bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi - trưởng khoa ung bướu Bệnh viện Tâm Anh (TP.HCM), bệnh nhân ung thư là một trong những nhóm bệnh nhân chịu đựng nhiều tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần trong dịch COVID-19, khi các cơ quan trong cơ thể vốn đã bị "tàn phá" do bệnh ung thư, thì nay lại phải chịu thêm sự tấn công từ COVID-19.
Bản thân bệnh lý ung thư và các tác dụng phụ trong quá trình điều trị bệnh ung thư, theo từng cách tương ứng, có thể làm rối loạn hay suy giảm hoàn toàn hai loại phản ứng miễn dịch của cơ thể là miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thụ đắc.
"Tế bào ung thư có khả năng "khóa chốt" các tế bào miễn dịch, làm tế bào miễn dịch mất đi khả năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư. Hoặc thuốc, hóa trị có thể làm giảm bạch cầu, là loại tế bào máu tham gia vào quá trình miễn dịch bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây viêm nhiễm.
Vì vậy, các bệnh nhân mắc bệnh ung thư, đặc biệt với các bệnh nhân trong giai đoạn đang điều trị, có khả năng bị suy giảm miễn dịch ‘kép’ do rối loạn hay suy giảm 2 loại phản ứng miễn dịch của cơ thể", bác sĩ Thảo Nghi giải thích.
Phó giáo sư Lê Thượng Vũ - phó trưởng bộ môn nội tổng quát, Đại học Y Dược TP.HCM - cho hay khi bệnh nhân ung thư được tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19 sẽ làm giảm khả năng mắc COVID-19 nhưng vẫn cao hơn so với người bình thường.
"Nếu chẳng may họ nhiễm COVID-19 thì dễ chuyển nặng và tử vong hơn vì cơ thể tạo kháng thể kém, đặc biệt đối với những bệnh nhân ung thư phải điều trị hóa trị, xạ trị. Do đó, ngoài tiêm vắc xin thì ở những bệnh nhân ung thư có thể cân nhắc lựa chọn biện pháp "cộng thêm" để nâng cao kháng thể, bảo vệ tối đa người ung thư trước dịch COVID-19", phó giáo sư Lê Thượng Vũ nói.
Cần có biện pháp tăng cường bảo vệ
Biện pháp "cộng thêm" được phó giáo sư Lê Thượng Vũ nhắc đến là kháng thể đơn dòng. Cùng ý kiến, theo bác sĩ Thảo Nghi, tiêm vắc xin là biện pháp tạo miễn dịch chủ động, giúp cơ thể tự tạo ra kháng thể để phòng ngừa và làm giảm nhẹ mức độ nặng nếu bị nhiễm COVID-19. Tuy nhiên do tình trạng suy giảm miễn dịch "kép" ở bệnh nhân ung thư nên có thể họ không có khả năng tự tạo được kháng thể bảo vệ. Kháng thể đơn dòng được xem như "cứu cánh" trong đại dịch cho các bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bao gồm các bệnh nhân ung thư.
Vậy bệnh nhân ung thư tiêm kháng thể đơn dòng lúc nào, có tiêm được trong thời điểm đang hóa trị, xạ trị không? Trả lời câu hỏi này, phó giáo sư Lê Thượng Vũ khuyến cáo người suy giảm miễn dịch, trong đó có bệnh nhân ung thư cần chủ động tiêm kháng thể đơn dòng theo chỉ định của bác sĩ càng sớm càng tốt nhằm chủ động phòng lây nhiễm COVID-19. Nếu đang trong thời gian hóa trị, xạ trị thì người bệnh vẫn có thể tiêm kháng thể đơn dòng được vì cơ thể không cần phải tạo ra kháng thể.
Còn bác sĩ Thảo Nghi cho hay kháng thể đơn dòng dự phòng COVID-19 gần như rất ít tác dụng phụ và không có tương tác với các loại thuốc khác. Chính vì thế, về mặt lý thuyết, người bệnh ung thư có thể tiêm kháng thể đơn dòng trong quá trình điều trị và không cần trì hoãn điều trị sau tiêm.
Tuy nhiên trên thực tế, đối với những loại thuốc điều trị ung thư mà có thể trì hoãn được, bác sĩ Thảo Nghi khuyến khích bệnh nhân nên cân nhắc trì hoãn một tuần để được thoải mái về mặt tâm lý, giảm bớt sự lo lắng không cần thiết và để thấy rằng tiêm kháng thể đơn dòng gần như rất ít tác dụng phụ.
Như vậy, kháng thể đơn dòng có thể giúp bệnh nhân ung thư được khoác thêm một "lá chắn bảo vệ" chắc chắn, hạn chế các "lỗ hổng" còn sót sau khi tiêm vắc xin COVID-19 để họ an tâm tiếp tục quá trình điều trị bệnh ung thư.
Xem thêm: mth.25201949040012202-91-divoc-court-ev-oab-nahc-al-meht-nac-uht-gnu-nahn-hneb/nv.ertiout