Mua bán bảo hiểm xe máy, ô tô trên lòng đường TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Không chỉ phản ánh những bất hợp lý trong việc xác minh tai nạn cũng như các thủ tục nhiêu khê khi nhận bồi thường, nhiều bạn đọc còn đề xuất giải pháp cải tiến cách thức đền bù để kích thích người dân tham gia bảo hiểm...
"Bỏ yêu cầu bắt buộc mua bảo hiểm mới là việc làm có lợi cho người dân, vì khi đó số lượng người mua giảm mạnh, các công ty bảo hiểm sẽ phải có những cải tổ lớn trong chính sách, thủ tục cũng như tăng cường quyền lợi cho người mua từ đó nâng cao chất lượng phục vụ" - bạn đọc Hiệp đề xuất.
Nhắc lại những chuyện từng xảy ra, bạn đọc Tuyến Huỳnh cho rằng đã từ lâu mỗi khi báo đài đề cập vấn đề này đều nhận rất nhiều bình luận mà trong đó gần như tuyệt đối là lựa chọn phương án "tự nguyện". Thế nhưng, không hiểu vì sao vẫn không thay đổi hoặc bỏ hẳn từ "bắt buộc".
Theo bạn đọc này, đã hai năm rồi bản thân không mua bảo hiểm xe máy và nếu bị phạt sẽ sẵn sàng đóng phạt, chí ít thì vô ngân sách, còn hơn mua bảo hiểm vừa tốn tiền vừa thêm phiền phức và chưa thấy được quyền lợi gì!
Không chỉ có bảo hiểm xe máy, một số bạn đọc cũng chỉ ra rằng cả việc mua bảo hiểm ô tô cũng vậy, chủ yếu là "hành" khách hàng để thoái thác trách nhiệm bồi thường.
Về ý này, bạn đọc Trần Dũng viết: "Nhân viên công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm đi điều tra, thu thập hồ sơ để bồi thường cho khách hàng, sao lại phải có xác nhận của công an?
Bảo hiểm không có năng lực xác định đúng - sai trong một vụ tai nạn à? Cần xem lại quy định để người mua bảo hiểm thực sự có quyền lợi".
Tuy nhiên, không phải mua bảo hiểm không có lợi khi công tác chi trả được thực hiện khoa học, tiện lợi, bảo vệ được quyền lợi cho khách hàng. Nếu làm tốt việc này, người mua sẽ được bồi thường nếu chẳng may tai nạn xảy ra.
Từ thực tế của mình, bạn đọc Mai Mai viết: "Tôi từng có thời gian sinh sống bên Mỹ và bị tai nạn ô tô. Nếu có sổ bảo hiểm thì luật bảo hiểm của Mỹ sẽ tiến hành bồi thường ngay. Thủ tục nhanh gọn, khoảng 2-3 ngày người bên bảo hiểm sẽ liên lạc để xuống xem hiện trạng xe hoặc bàn bạc phương án bồi thường, sửa chữa...".
Trở lại tình hình bảo hiểm xe máy và ô tô ở Việt Nam, hầu hết các ý kiến đều cho rằng chỉ đến lúc Nhà nước bỏ bảo hiểm bắt buộc thì lúc đó các công ty bảo hiểm sẽ cải tiến thủ tục đền bù để kích thích người dân tham gia bảo hiểm.
Góp thêm một giải pháp, bạn đọc Trần Văn Ngọc bổ sung: "Hiện nay xe máy rất nhiều, theo tôi thì việc bảo hiểm xe máy giao cho một công ty nào đó có thẩm quyền và quyết định. Khi có tai nạn giao thông xảy ra, họ xác minh và đền bù luôn. Làm được điều này cũng góp phần không nhỏ đến ý thức của người tham gia giao thông".
Bạn đọc Bút Chì bày tỏ: "Bảo hiểm y tế vô cùng có lợi vì người dân còn đi khám bệnh được. Bảo hiểm xe máy thì khác, nếu chấp hành đúng luật lệ, giảm thiểu rủi ro tai nạn thì hầu như không dùng đến loại bảo hiểm này.
Ngược lại, khi xảy ra tai nạn, người ta lại dùng bảo hiểm y tế nhiều hơn để khám chữa bệnh, còn bảo hiểm xe máy lúc này vô vàn khó khăn để đi đòi quyền lợi. Tôi kiến nghị nên bỏ loại bảo hiểm xe máy hoặc thay từ bắt buộc sang tự nguyện cho dân được nhờ".
Một bạn đọc nêu ý kiến về bảo hiểm xe máy: "Thu tiền thì nhanh chóng tích cực nhưng chi ra thì đủ loại yêu cầu rườm rà gây khó cho khách hàng... Nếu Nhà nước không bắt buộc thì chẳng ai mua bảo hiểm xe máy cả".
Xem thêm: mth.61940642240012202-coub-tab-iv-yaht-yam-ex-meih-oab-aum-neyugn-ut-ed-nen/nv.ertiout