Hình minh họa về dinh tổng thống trong tương lai ở thủ đô mới Nusantara của Indonesia - Ảnh: AFP
Ông Bambang Susantono, người đứng đầu Cơ quan quản lý thành phố thủ đô mới (IKN), cho biết nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang quan tâm đến việc tham gia vào kế hoạch dời đô của Indonesia. Trước đó, Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã rút khỏi dự án vào tháng 3 năm nay.
Nhiều thách thức
"Hy vọng vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ biết có bao nhiêu nhà đầu tư thực sự muốn tham gia dự án" - ông Susantono trả lời phỏng vấn báo Financial Times hồi tuần trước.
Indonesia đang trong quá trình di dời thủ đô từ Jakarta trên đảo Java tới Nusantara trên đảo Borneo. Jakarta vốn nằm trên vùng đất đầm lầy và đang chìm dần xuống biển với tốc độ thuộc hàng nhanh nhất thế giới.
Với dự án này, 20% vốn đến từ ngân sách nhà nước và phần còn lại trông cậy vào khối tư nhân. Dự kiến dự án sẽ được hoàn tất vào năm 2045 và thủ đô mới sẽ là nơi sinh sống của khoảng 1,9 triệu người.
Đây là dự án mang dấu ấn của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Tuy nhiên, ông Widodo cũng bị chỉ trích là vội vàng thông qua luật di dời thủ đô, nhất là khi việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho dự án gặp khó khăn. Khi tập đoàn SoftBank rút khỏi dự án, Indonesia vẫn chưa công bố có nhà đầu tư lớn nào khác tham gia hay không.
Các chuyên gia bày tỏ nghi ngờ việc Chính phủ Indonesia có thể thu hút đủ nguồn tài trợ từ khối tư nhân. Ông Deden Rukmana, giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học Alabama A&M (Mỹ), nhận định ngay cả giai đoạn đầu trong số năm giai đoạn của dự án cũng có vẻ "quá tham vọng". "Bạn không thể đưa mọi thứ vào đời sống chỉ trong vòng chưa đầy hai năm" - ông nói.
Ngoài ra, cũng có những lo ngại về sự tham gia của Trung Quốc và điều này có thể cản trở các nhà đầu tư phương Tây.
"Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ là nhà đầu tư cuối cùng mà Indonesia tiếp cận. Indonesia muốn các nhà đầu tư từ các quốc gia khác tham gia dự án, nhưng rốt cuộc có lẽ họ sẽ phải tìm đến Bắc Kinh" - nhà nghiên cứu Sulfikar Amir từ Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore nhận định.
Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Vì sao cần dời đô nhanh?
Từ thời tổng thống đầu tiên của Indonesia là ông Sukarno, nhà lãnh đạo này đã muốn dời thủ đô về Kalimantan vì Jakarta không thuộc vùng trung tâm của Indonesia và có dân số quá đông. Tuy nhiên, ông Sukarno không ban hành luật cho việc di dời này. Đến thời Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cũng muốn dời đô nhưng sau đó đổi ý.
Ý tưởng này đã được hồi sinh khi ông Joko Widodo lên nắm quyền. Ông chính thức công bố ý định dời đô trong bài phát biểu ngày 16-8-2019, trước thềm quốc khánh.
Sau đó, ông Widodo đã nhanh chóng triển khai kế hoạch, tìm địa điểm thích hợp và kêu gọi các đề xuất thiết kế cho thủ đô mới. Tháng 1-2022, Quốc hội Indonesia thông qua Luật thành phố thủ đô mới.
Có nhiều lý do để Indonesia dời thủ đô, nhưng quan trọng nhất là để phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Chính phủ của quốc gia vạn đảo tin rằng sự phát triển kinh tế của đảo Java (nơi Jakarta tọa lạc) vượt xa các đảo khác của Indonesia, vì vậy họ hy vọng việc dời đô sẽ giúp tăng trưởng kinh tế cân bằng hơn. Java là đảo đông dân với khoảng 55% dân số Indonesia.
Bên cạnh đó, môi trường cùng hệ sinh thái của Jakarta đang xấu đi và đất Jakarta đang bị sụp lún nghiêm trọng. Thủ đô Jakarta có 10 triệu dân, nhưng nếu tính cả vùng đại đô thị Jakarta thì có tới hơn 30 triệu dân sinh sống.
Nhà nghiên cứu Leo Suryadinata (Viện ISEAS-Yusof Ishak) đề cập một lý do nữa: "Ông Widodo muốn ghi tên mình vào lịch sử Indonesia, muốn người Indonesia nhớ đến ông với vai trò là tổng thống đã di dời thủ đô Indonesia, do đó ông đang gấp rút thực hiện điều này".
Không biết Indonesia có kịp xây dựng thủ đô mới hay không giữa rất nhiều thách thức. Liệu trước khi nhiều nơi của Jakarta có thể bị chìm hoàn toàn vào năm 2050, sẽ có một Nusantara hoàn chỉnh thay thế Jakarta?
Hệ sinh thái hoàn chỉnh
Indonesia lên kế hoạch hoàn tất giai đoạn đầu tiên của dự án vào năm 2024. Giai đoạn này - được thực hiện bằng ngân sách nhà nước 3,3 tỉ USD - trải rộng 921ha với dinh tổng thống, phó tổng thống và trụ sở của một số bộ, lực lượng vũ trang, cảnh sát… sẽ được xây xong.
"Chúng tôi muốn có một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Vào năm 2024, các bạn có thể đến và thấy các quảng trường. Sẽ có Starbucks và các nhà hàng, có thể không chỉ nhà hàng Indonesia mà còn cả nhà hàng quốc tế" - ông Bambang Susantono kỳ vọng.
TTO - Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang xem xét tham gia cùng Trung Quốc và Ấn Độ mua dầu Nga trước áp lực chi phí năng lượng tăng cao, theo báo Financial Times ngày 12-9.
Xem thêm: mth.59051408050012202-ohk-pag-aisenodni-auc-od-iod-hcaoh-ek/nv.ertiout