Một bệ phóng tên lửa HIMARS của Mỹ - Ảnh: GETTY IMAGES
Phát biểu tại Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 4-10 giờ Mỹ, ông Yermakov cho biết Nga tin rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là duy trì sự tuân thủ tuyên bố chung được đưa ra hồi tháng 1-2022 của lãnh đạo các cường quốc hạt nhân.
"Nga hoàn toàn tuân thủ cam kết đó", ông Yermakov nói.
"Chúng tôi tin rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của 5 cường quốc hạt nhân là phải tuân thủ quy định không cho phép xảy ra bất kỳ cuộc chiến tranh nào giữa các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, điều đã được phản ánh trong tuyên bố chung vào tháng 1 của lãnh đạo các cường quốc này. Nga hoàn toàn tuân thủ cam kết đó", ông Yermakov nêu rõ.
Ủy ban thứ nhất, phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, đã nghe tuyên bố nói trên của ông Yermakov thông qua ông Konstantin Vorontsov, phó trưởng phái đoàn Nga tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, theo Đài Russia Today.
Tháng 1-2022, năm cường quốc hạt nhân (Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp) đã ra tuyên bố chung nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Nhận xét của ông Yermakov được đưa ra sau khi Điện Kremlin làm rõ rằng Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân dựa trên các tiêu chí trong học thuyết hạt nhân của nước này, và rằng Nga sẽ chọn cách tiếp cận cân bằng về vấn đề vũ khí hạt nhân, không dựa vào cảm tính.
Tuyên bố của Điện Kremlin có nghĩa là Matxcơva chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ trước các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc khi sự sống còn của đất nước bị đe dọa bởi các loại vũ khí thông thường.
Cũng phát biểu tại Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Vorontsov nói việc Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine đang làm tăng khả năng xảy ra một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Mỹ đang tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, cung cấp thông tin tình báo cho quân đội nước này, tạo điều kiện cho sự tham gia trực tiếp của các tay súng và cố vấn của họ vào cuộc xung đột", ông Vorontsov cho biết.
Điều này "không chỉ kéo dài cuộc giao tranh với nhiều thương vong mới, mà còn đưa tình hình đến gần lằn ranh nguy hiểm của một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO", theo ông Vorontsov.
Matxcơva đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh về việc gửi vũ khí, đạn dược và trang thiết bị quân sự cho Ukraine, song Washington và NATO tuyên bố sẽ tiếp tục làm như vậy "chừng nào còn cần thiết" và khẳng định việc này không khiến họ trở thành một bên trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã chi hơn 19,6 tỉ USD để viện trợ an ninh cho Ukraine kể từ năm 2014, và thêm 16,8 tỉ USD khác kể từ ngày 24-2 vừa qua - ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Mới nhất, ngày 4-10, Mỹ đã công bố viện trợ thêm nhiều vũ khí cho Ukraine, trong đó có 4 bệ phóng tên lửa HIMARS, 16 khẩu lựu pháo cỡ nòng 155mm, 75.000 quả đạn pháo 155mm...
TTO - Ông Biden điện đàm với ông Zelensky và công bố viện trợ thêm nhiều vũ khí; Lãnh đạo IAEA sắp đến Ukraine và Nga; Mỹ và Hàn Quốc phóng tên lửa để đáp trả Triều Tiên... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 5-10.
Xem thêm: mth.381010150012202-nahn-tah-couq-gnouc-cac-iov-tod-gnux-ar-yax-ed-gnohk-tek-mac-agn/nv.ertiout