Thị trường suy kiệt thanh khoản
Trong hơn nửa năm qua, diễn biến thị trường chứng khoán trở nên kém khả quan, trong tháng 9, VN-Index đã sụt đến hơn 10%, mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay, trong đó nhiều cổ phiếu đã giảm sâu khi chịu tác động của nhiều thông tin không mấy tích cực.
Hơn nữa, mức thanh khoản trên thị trường sụt giảm, 2 phiên gần nhất giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 11.000 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư đang có dấu hiệu rời bỏ thị trường.
Ngoài ra, động thái tăng trần lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước cùng việc thắt chặt, tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát về phát hành tăng vốn của cơ quan quản lý đối với công ty đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán, nhất là các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh đã đã khiến cho kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của doanh nghiệp không còn dễ dàng.
Trước tình hình đó, hàng loạt doanh nghiệp đã thông báo điều chỉnh hoặc hoãn kế hoạch tăng vốn, thậm chí hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu với lý do việc phát hành không phù hợp với tình hình hiện tại.
Các doanh nghiệp dừng hoặc huỷ kế hoạch tăng vốn phải kể đến CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), CTCP Louis Capital (TGG). Hay CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM), CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang (CKG) cũng thông qua việc tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu.
Về điều chỉnh phương án, giảm giá chào bán, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) mới đây dự kiến điều chỉnh kế hoạch phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu.
Một số doanh nghiệp còn chủ động gia hạn thời gian đăng ký/nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm, tạo điều kiện cho cổ đông thu xếp tài chính: Công ty Chứng khoán Trí Việt (TVB), Công ty Sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV) lùi thời hạn cuối cùng đăng ký mua cổ phiếu phát hành.
Từ phía nhà đầu tư, chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Hoàng Ngọc Mai - hiện đang nắm giữ nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản cho biết, thời điểm này cần ưu tiên giảm tỉ trọng danh mục về mức thấp nhất, do đó nếu doanh nghiệp phát hành sẽ không lựa chọn giải ngân thêm.
Anh Nguyễn Văn Mạnh - người “đua” cổ phiếu thép lại cho rằng, sẽ xem xét việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp, tuy nhiên cũng không mua vào khối lượng lớn trong giai đoạn này.
Lựa chọn kênh phát hành phù hợp
Thực trạng huy động vốn không chỉ khó khăn hơn trên thị trường chứng khoán mà còn diễn ra ở nhiều kênh huy động chủ lực khác như trái phiếu vẫn chưa có pháp lý mới, kênh ngân hàng thì lãi suất tăng lên.
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, nguyên nhân từ TTCK khiến các doanh nghiệp lo ngại việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Trong bối cảnh thị trường đang có đà rơi sâu, “room” tín dụng của ngân hàng thì hạn chế, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, ông Minh nhắc đến lượng cầu cũng là tác nhân khiến cho doanh nghiệp "chùn bước" trước việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp xuất khẩu, khi cầu trong nước hoặc nước ngoài trở nên yếu đi, xuất khẩu giảm dẫn đến kết quả kinh doanh quý III, IV không mấy tích cực.
"Việc phát hành pha loãng cổ phiếu, khi doanh nghiệp phát hành trong thời điểm này sẽ vô hình trung điều chỉnh giá cổ phiếu lên mức quá cao, tạo ra áp lực cung lên thị trường, từ đó, giá cổ tức sẽ bị giảm xuống", ông Minh nói với Người Đưa Tin.
Để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta đề xuất doanh nghiệp nên chuyển sang kênh huy động vốn khác như phát hành trái phiếu, đặc biệt là chuyển đổi. Doanh nghiệp có thể vừa huy động vốn bằng trái phiếu và hình thành phát hành cổ phiếu trong tương lai, nếu đến thời gian đáo hạn trái phiếu. Hơn nữa việc huy động vốn còn đảm bảo được độ trừ vốn của doanh nghiệp.
Sau khi có Nghị định 65, ông Minh cho rằng doanh nghiệp sẽ hướng đến phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài (trên 2 năm) và có thể hướng đến phát hành trái phiếu bằng trái phiếu chuyển đổi.
Theo quan điểm của ông Minh, khi vận hành sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có cấu trúc vốn 3 chân gồm: Vốn cổ phần, trái phiếu và vốn vay từ ngân hàng.
Tuy nhiên, “room “tín dụng của ngân hàng đang bị hạn chế, việc sử dụng vốn vay là không khả thi. Nghị định 65 hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhưng để thay đổi luôn là rất khó, bởi doanh nghiệp cần thời gian để làm hồ sơ đợt phát hành mới. Còn đối với vốn cổ phần, khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp phát hành thêm lại càng khó.
Do đó, ông Minh đưa ra hướng phát hành trái phiếu chuyển đổi, chuyển đổi thành cổ phiếu trong tương lai là thích hợp nhất.
Cùng quan điểm, ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc Phân tích Nghiên cứu Công ty Chứng khoán VCB (VCBS) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, lãi suất tăng, từ góc độ doanh nghiệp cũng đánh giá được đây không phải thời điểm mở rộng kinh doanh một cách ồ ạt, việc tăng vốn cũng cần hạn chế.
Ngoài ra, một doanh nghiệp muốn tăng vốn cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện. Do đó, việc tạm hoãn/huỷ phát hành cổ phiếu cũng là để doanh nghiệp “chỉnh trang” lại, đánh giá về đáp ứng các điều kiện mới, sau khi các quy định về việc tăng vốn mới thay đổi gần đây.
Đại diện của Chứng khoán VCB cho biết, đối với doanh nghiệp sản xuất, chứng khoán chỉ là một kênh huy động vốn, vì thế các biến động trên thị trường không phải là yếu tố tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ngược lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tác động lên giá cổ phiếu.
"Lịch sử đã chứng minh, mỗi thời kì khó khăn là một giai đoạn để doanh nghiệp vươn lên và phần thưởng sẽ luôn dành cho những doanh nghiệp có khả năng vượt qua”, ông Hoàng nhận định.
Về phương hướng, ông Hoàng gợi ý các doanh nghiệp nên tập trung vào hoạt động cốt lõi, quản trị rủi ro và quản trị chi phí và giữ vững nhịp độ này.
"Đây chính là ba yếu tố mà doanh nghiệp phải thực hiện được trong giai đoạn này. Chỉ khi vượt qua được và tồn tại, sống sót sau khó khăn, sẽ là giai đoạn doanh nghiệp phát triển, tăng trưởng vũ bão", Giám đốc Phân tích Nghiên cứu Công ty Chứng khoán VCB nhìn nhận.
Hồng Nhung