Sáng 8-6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết thành phố ghi nhận thêm 15 ca nhiễm COVID-19 mới. Trong đó, 10 ca liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng, một ca là trường hợp lây nhiễm đến vòng thứ 5 (F5).
Khi nghe thông tin này, không ít người hoang mang vì từ trước đến giờ chỉ quen với F1, F2, F3, F4... mức độ lây lan đến F5 quả là đáng sợ.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Chuyên gia dịch tễ học Bệnh viện Nhi đồng 1, khi nói đến F5 tức là cơ quan y tế đã điều tra được quá trình tiếp xúc của người này khi truy ngược lại lịch sử tiếp xúc của họ. Cụ thể, F5 dương tính khi có F4, F3, F2, F1 dương tính do tiếp xúc với một ca mắc COVID-19 (F0) trước đó.
BS Khanh lý giải, sở dĩ bệnh nhân COVID-19 lây nhiễm đến vòng thứ 5 là do ổ dịch phát hiện muộn, đi xa tầm truy vết, chậm hơn so với sự lây lan của virus. Các biến chủng virus mới được biết có khả năng lây lan nhanh, người ủ bệnh 2 ngày đã có thể lây bệnh nên F0 ở ngoài càng lâu thì khả năng lây cho F1 và tiếp tục chuỗi lây nhiễm đến F5 cũng là dễ hiểu.
Khai báo y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: Hoàng Lan
Tuy nhiên, cần phân biệt nếu F5 nằm trong khu phong tỏa thì không đáng lo. Những người trong khu phong tỏa nên thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế vì có thể sẽ mở rộng lấy thêm mẫu xét nghiệm.
“Người nào đã đến khu phong tỏa nên tự đánh giá thời gian mình đến đó có nguy cơ bị virus tấn công không, vì lây nhiễm đến F5 thì virus đã ở đó đủ lâu rồi, nên khai báo y tế trung thực” - BS Khanh lưu ý.
Còn trường hợp F5 không nằm trong khu phong tỏa nhưng sau khi phát hiện một F0 bên ngoài và truy ngược lại thì thấy người nhiễm nằm trong chuỗi F4, 3, 2, 1, 0 thì khá đáng lo ngại nhưng vẫn còn may mắn. Lý do là điều này cho biết những F4, 3, 2, 1 đã là cầu nối đưa virus tỏa đi nhiều hướng chứ không phải là ca nhiễm không rõ nguồn gốc.
Vì thế, BS Khanh khuyến cáo mỗi người dân nên kiểm lại mình đã đi đâu, đến đâu, có lúc nào đến nơi nguy cơ mà không thực hiện nguyên tắc 5K không. “Nếu có nên theo dõi sức khỏe và tiếp tục 5K, theo dõi thông tin từ ngành y tế và hợp tác nếu bản thân nằm trong chuỗi cần cách ly. Nếu một người khỏe mạnh lâu nay ít bệnh mà mắc bệnh về đường hô hấp thì nên tìm đến nơi có khả năng chẩn đoán COVID-19 gần nhất càng sớm càng tốt. Nếu trong nhà có từ 2 người bệnh hô hấp trở lên cũng nên làm như vậy. Người nào mắc bệnh hô hấp cấp mà lo lắng về dịch tễ thì cũng làm tương tự” - BS Khanh lưu ý.
"Khi nghe chuỗi lây nhiễm đã đến F5 thì cộng đồng càng phải cảnh giác, nâng cao biện pháp phòng ngừa dịch bệnh" - BS Khanh nói thêm.