Bà Trương Thị Mỹ Hiệp ở khu vực núi Cấm, Phù Cát, Bình Định (phải) cho biết mỗi khi mưa là nhà bà thức trắng vì sợ sạt lở núi - Ảnh: LÂM THIÊN
Những cơn mưa đầu mùa đông kéo đến mang theo nỗi âu lo cho cả trăm hộ dân của ngôi làng thôn Chánh Thắng dưới chân núi Cấm. "Cơn bão số 4 vừa rồi, mấy trăm người không dám ở nhà. Không cần đợi chính quyền đến kêu gọi đi sơ tán, dân ở đây tự giác khóa cửa rời nhà đến điểm trường tiểu học để tránh trú chứ sợ cái cảnh núi lở đổ đá tảng, bùn đất ngập nhà như năm rồi quá" - bà Đinh Thị Đẹp, 58 tuổi, cho biết.
Nghe mưa lớn là thức trắng đêm
Nhà ông Đinh Hồng cách điểm sạt lở chừng 70m. Gần đây có mưa lớn nhưng mương thoát nước lại bị đất đá lấp, cả xóm vô cùng lo lắng. "Mương thoát nước bị lấp thì nước từ trên núi xuống con đường trước nhà tôi, đất đá cũng theo nước mà đổ xuống. Tôi rất sợ lỡ khi có sạt lở như năm ngoái" - ông Hồng lo lắng.
Ở gần đó, bà Trương Thị Mỹ Hiệp cho biết nước đã tràn xuống vườn nhà bà rất nhiều. "Mấy ngày nay tôi phải đi mua bao về đổ đất đá xếp thành tường rào ngăn nước. Dù vậy nhưng tối đến chúng tôi không thể nào ngủ yên được. Cứ thấp thỏm, nhiều đêm nghe báo có mưa lớn là thức trắng vì sợ đá lăn, đất cát đổ ập xuống, chạy không kịp chỉ có chết".
Bà con sống dưới chân núi Cấm bày tỏ mong muốn được sớm di dời đến nơi tái định cư khác cho an toàn. "Sau trận sạt lở năm ngoái, tỉnh Bình Định ban bố tình huống khẩn cấp, cho biết là nhanh chóng xây dựng khu tái định cư để đưa dân đến ở. Nhưng khu tái định cư chưa thấy làm gì. Giờ mưa bão tới lo chạy trú ẩn giữ mạng sống và lo tài sản bị đất chôn vùi, nước cuốn trôi" - bà Võ Thị Ngon bày tỏ.
Vốn đã bố trí, nhưng...
Ngày 27-12-2021, UBND tỉnh Bình Định ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sự cố sạt lở núi Cấm. Trong đó giao UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư dự án khẩn cấp xây dựng khu tái định cư 4,5ha để di dời 117 hộ dân trong vùng nguy hiểm do sạt lở núi.
Đến ngày 21-4-2022, UBND tỉnh Bình Định có văn bản giao UBND huyện Phù Cát lập hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án. Dự án sẽ chỉnh trị dòng chảy thoát nước lưu vực núi Cấm với chiều dài khoảng 300m, san nền mặt bằng 27.603m2 và hệ thống hạ tầng liên quan khác có tổng mức đầu tư 32 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh, huyện và các nguồn vốn khác. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022 - 2023.
Trao đổi với chúng tôi vào ngày 4-10, ông Nguyễn Văn Hưng, chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết hiện đang thực hiện thiết kế khu tái định cư cho dân vùng sạt lở núi Cấm, sau đó mới thực hiện các bước đầu tư tiếp theo.
"Năm nay chắc là không xây dựng kịp rồi, chắc phải sang năm tới mới có khu tái định cư. Đất có rồi, vốn có rồi, nhưng vì tỉnh chuyển từ đầu tư theo tình huống khẩn cấp sang vốn đầu tư công nên việc triển khai có chậm. Chúng tôi biết bà con rất lo, huyện cũng lo, nên đang đôn đốc các công tác triển khai" - ông Hưng nói.
Ưu tiên làm sớm
Còn ông Nguyễn Tuấn Thanh - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định - giải thích rằng chỉ những vụ việc nguy cấp ảnh hưởng trực tiếp đến dân thì mới thực hiện dự án theo hình thức chỉ định thầu. Dự án xây dựng khu tái định cư cho dân vùng sạt lở núi Cấm do số vốn lớn, lại là nơi cư trú và sinh sống của bà con nên phải làm bài bản, sử dụng vốn đầu tư công nên phải thực hiện đúng quy định một cách chặt chẽ.
"Tuy không phải là dự án khẩn cấp nhưng tỉnh xác định đây là dự án ưu tiên làm sớm, nên cũng đã bố trí vào nguồn vốn đầu tư trung hạn và có chỉ đạo thường xuyên. Riêng chỗ bị sạt lở thì chúng tôi không cho làm rừng sản xuất nữa, mà sẽ thay đổi quy hoạch thành rừng phòng hộ để tái sinh, chống sạt lở" - ông Thanh cho hay.
TTO - Lực lượng tìm kiếm các nạn nhân bị núi lở vùi lấp tại thôn Tà Rùng (xã Húc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã tìm được 5 thi thể trong gia đình 6 người của anh Phơi.
Xem thêm: mth.59210920250012202-ol-iun-neb-iah-os-gnos/nv.ertiout