Trong bối cảnh lãi suất đang tăng mạnh còn giá tài sản thì sụt giảm, các nhà đầu tư đang ráo riết truy tìm những mắt xích yếu nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu. Lịch sử cho thấy mọi giai đoạn thị trường giá xuống đều xuất hiện những "nạn nhân" sẽ sụp đổ. Đó có thể là cả 1 nền kinh tế, 1 định chế tài chính hay 1 doanh nghiệp lớn. Ví dụ như kinh tế Thái Lan và quỹ đầu cơ LTCM trong khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 98 hay kinh tế Iceland và ngân hàng Lehman Brothers trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 09.
Những ngày gần đây, có 2 cái tên đang gây xôn xao. Đó là nước Anh, nơi đồng bảng lao dốc mạnh và NHTW nước này phải can thiệp vào thị trường trái phiếu để cứu lấy hệ thống hưu trí. Cái tên còn lại là Credit Suisse, ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ vừa bị nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, thậm chí đồn đại sắp phá sản.
Tổng cộng từ đầu năm đến nay cổ phiếu Credit Suisse đã giảm 55%. Giá hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) tăng vọt. Đây là 2 tín hiệu báo động đỏ rất quen thuộc với bất kỳ ai từng theo dõi sát sao các doanh nghiệp có vấn đề ở phố Wall trong khủng hoảng 2008. Kể cả những lời trấn an của các lãnh đạo Credit Suisse rằng ngân hàng vẫn có thanh khoản và nguồn vốn dồi dào cũng gợi nhớ đến những gì đã xảy ra 14 năm trước.
Tồi tệ hơn, trong thời đại mạng xã hội như ngày nay, Credit Suisse còn phải đối mặt với những tin đồn lây lan chóng mặt trên Twitter và các nền tảng khác.
Ý tưởng 1 ngân hàng lớn đang gặp rắc rối không phải là không có cơ sở. Suốt 15 năm qua, hệ thống tài chính toàn cầu đã lệ thuộc vào mức lãi suất siêu thấp. Trong công cuộc săn tìm mức lợi suất cao, các công ty bảo hiểm và nhiều quỹ hướng danh mục đầu tư đến những tài sản dài hạn vốn siêu nhạy cảm với lãi suất.
Tại Mỹ, các ngân hàng giảm cho vay vì các quy định ngày càng chặt chẽ. Thay vào đó, một hệ thống tín dụng mới đã nổi lên, giúp giàn xếp những khoản nợ chất lượng thấp với quy mô lên đến hàng nghìn tỷ USD. Chúng ta đã chứng kiến một số vụ phá sản ở tầm trung như quỹ đầu cơ Archegos và ngân hàng Greensill.
Ngoài rủi ro hệ thống, Credit Suisse có những rắc rối của riêng mình. Ngân hàng này đã có một thời gian dài yếu kém, vướng nhiều bê bối về quản trị rủi ro và tuân thủ luật lệ, trong đó có những khoản lỗ hàng tỷ USD vì có liên quan đến Archegos và Greensill. Các vị trí quản lý cấp cao liên tục đổi người.
Tuy nhiên, theo nhận định của tạp chí The Economist, có lẽ Credit Suisse vẫn chưa phải là "tâm chấn" như Lehman hay công ty bảo hiểm AIG nếu như khủng hoảng tài chính toàn cầu lặp lại. Thay vì phình to bằng mọi giá, bảng cân đối kế toán của Credit Suisse đã liên tục thu hẹp trong thập kỷ vừa qua. Ngày nay Credit Suisse chỉ xếp thứ 54 trong bảng xếp hạng các định chế tài chính lớn nhất thế giới xét theo tổng tài sản.
Những rắc rối mà ngân hàng đang gặp phải xuất phát từ sự thận trọng thay vì cẩu thả. Credit Suisse đã vạch kế hoạch thu hẹp đáng kể hoặc thậm chí đóng cửa mảng ngân hàng đầu tư. Dựa trên kết quả kinh doanh quý II, bộ phận này chiếm 30% tổng tài sản (đã điều chỉnh theo rủi ro) và chi phí lên tới 8 tỷ USD. Đây cũng được coi là "tội đồ" khiến ngân hàng lỗ trước thuế hơn 1 tỷ USD trong quý vừa qua.
Những kinh nghiệm từ Deutsche Bank và Royal Bank of Scotland cho thấy cắt bỏ mảng ngân hàng đầu tư là công việc cũng nguy hiểm và đắt đỏ giống như loại bỏ 1 lò phản ứng hạt nhân. Các nhân tài sẽ ồ ạt ra đi và các thương vụ sẽ cạn kiệt nhanh hơn so với tốc độ cắt giảm chi phí, dẫn đến khoản lỗ không hề nhỏ. Nỗi lo lớn nhất của các nhà đầu tư là những khoản lỗ này sẽ quá lớn đến nỗi Credit Suisse phải huy động thêm vốn để hỗ trợ các mảng kinh doanh còn lại vốn đang khỏe mạnh.
Những nỗi lo là điều tối kỵ đối với các định chế tài chính, bởi đối tác sẽ yêu cầu phần bù rủi ro lớn hơn khi cho vay hoặc thực hiện các phi vụ làm ăn, từ đó làm giảm đáng kể tính cạnh tranh. Để có thể giảm chi phí đi vay, Credit Suisse sẽ phải thuyết phục các nhà đầu tư rằng kế hoạch cải tổ chắc chắn không dẫn đến thua lỗ quá lớn. Ngày 27/10 kế hoạch này sẽ được công bố.
Credit Suisse nhất định không phải là ví dụ về 1 mô hình kinh doanh phát triển quá nóng sẽ khiến thị trường hỗn loạn khi bong bóng vỡ. Thay vào đó, đây là ví dụ về 1 doanh nghiệp tương đối yếu có thể gục ngã trước những áp lực từ bối cảnh kinh tế vĩ mô và các điều kiện tài chính không thuận lợi. Sẽ có nhiều công ty rơi vào tình trạng tương tự Credit Suisse, không chỉ trong ngành tài chính mà ở tất cả các ngành.
Trong khi đó, cuộc truy lùng "Lehman Brothers tiếp theo" vẫn sẽ tiếp diễn.
Tham khảo The Economist