Năm tiểu thuyết Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ 20 do giới chuyên gia văn học bình chọn, xếp theo thứ tự từ tác phẩm được chọn nhiều nhất từ trái qua
1. Theo thông tin từ những người tổ chức, đã có 488 người đồng ý tham gia bình chọn, trong đó có 149 người là nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình nghiên cứu văn học (thông tin được công khai khi thực hiện bình chọn) và 399 độc giả, từ đó đã hình thành hai danh sách: danh sách của chuyên gia và danh sách của độc giả, với số tác phẩm được thống nhất của hai danh sách là 75% (38 trên tổng số 50 tác phẩm).
Dẫu chỉ là một hoạt động "phi chính thống" và không gắn với bất cứ dịp "lễ lạt" gì nhưng cuộc bình chọn này rất đáng để những người có chuyên môn suy nghĩ.
Trước hết là do uy tín của nhóm tổ chức. Không thuộc một thiết chế chính thống nào nhưng họ đã làm được rất nhiều cụm chủ đề trao đổi trên không gian mạng có chất lượng không kém bất cứ tạp chí chuyên nghiệp nào.
Không phải vô lý mà cuộc bình chọn đã thu hút được 149 người tham gia thuộc giới tạm gọi là chuyên môn. Tất nhiên, điều này cũng có một hệ quả là ý kiến, nhãn quan của những người này có thể tác động vào sự lựa chọn của công chúng.
Hơn nữa, tập hợp gần 500 người bình chọn cũng không phải là một tập hợp quá lớn nếu chỉ cần lấy số lượng xuất bản của một đầu sách hiện nay ở quy mô nhỏ cũng phải đến 1.000 bản.
Cũng không thể không tính tới tác động của xuất bản khi không ít tác phẩm "cũ" (trước 1945, trước 1975) được bình chọn cũng là những tác phẩm mới được xuất bản trong khoảng 5 năm gần đây (và điều đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng về thị trường sách).
Năm tiểu thuyết Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ 20 do độc giả bình chọn, xếp theo thứ tự từ tác phẩm được chọn nhiều nhất từ trái qua
2. Số lượng tiểu thuyết được bình chọn chủ yếu tập trung vào tiểu thuyết trước 1945 (thống nhất bình chọn 14 tiểu thuyết) và tiểu thuyết sau năm 1975 (thống nhất bình chọn 16 tiểu thuyết). Điều đó là không khó hiểu khi một bên là những giá trị đã tương đối ổn định và một bên là những giá trị còn rất mới, gần gũi với độc giả và người viết.
Ngay cả như vậy, từ rất nhiều phía, chắc chắn sẽ có những chất vấn với những kỳ vọng không được thỏa mãn. Chẳng hạn, nếu là trước 1945, tại sao lại thiếu vắng Hồ Biểu Chánh. Hay những tác giả như Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng với các tiểu thuyết sử thi.
Ngay cả sự lựa chọn giữa Dấu chân người lính và Mẫn và tôi cũng là một sự "ngập ngừng" giữa giới chuyên gia và người đọc.
Nhưng những điều này hết sức bình thường khi đây là một cuộc bình chọn với một tập tham gia không rộng và hoàn toàn không phải là một tổng kết văn học sử mà người viết làm chủ câu chuyện của mình về quá khứ.
3. Dẫu vậy, từ cuộc bình chọn này, vẫn có thể cảm nhận được những tín hiệu rất đáng lạc quan về đời sống văn chương. Đó là một niềm tin về người đọc và sự công bằng của lịch sử.
Có thể tiếc về những tác phẩm không được lựa chọn nhưng lại có thể yên tâm về những tác phẩm được chọn khi mà, chẳng hạn, tiểu thuyết trước 1945 được trình hiện với những tác giả quan trọng là Nhất Linh và Khái Hưng bên cạnh những tác giả đã được điển phạm hóa từ lâu như Nam Cao, Nguyên Hồng hay Ngô Tất Tố.
Diện mạo của tiểu thuyết đổi mới cũng được trình hiện khá toàn diện từ những hiện tượng mang tính "khai mạc" như Thời xa vắng đến những tiểu thuyết làm nên văn học Đổi mới như Những thiên đường mù, Nỗi buồn chiến tranh, Thiên sứ, Mảnh đất lắm người nhiều ma hay những tiểu thuyết có số phận khá đặc biệt như Miền hoang tưởng, Trư cuồng (Chuyện ngõ nghèo) cũng như những tiểu thuyết báo hiệu một giai đoạn "hậu Đổi mới" như Cơ hội của Chúa hay Người đi vắng.
Mặc dù nếu nhìn vào những bình chọn cá nhân, có không ít bình chọn cực đoan nhưng có thể nói, trong bản danh sách cuối cùng được đồng thuận, những giá trị nghệ thuật đã được đề cao. Không ít tiểu thuyết dẫu không hề được tái bản vẫn không hề bị "bỏ quên" như Đi về nơi hoang dã hay Hành trình ngày thơ ấu.
Sự lựa chọn Hồ Quý Ly như đại diện duy nhất (được đồng thuận của cả "chuyên gia" và "người đọc") của một trong ba tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh để đặt cạnh Miền hoang tưởng hay lựa chọn Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải cũng là những lựa chọn đáng để chúng ta lạc quan về sự đọc của độc giả.
Từ đầu những năm 2000, rất nhiều chương trình tổng kết văn học Việt Nam thế kỷ 20 đã được thực hiện ở các thiết chế hàn lâm nhưng điều đáng tiếc là cho đến nay, ngoại trừ chương trình do Đại học quốc gia thực hiện đã được công bố thì kết quả của những chương trình đó hầu như vẫn còn xa lạ với công chúng.
Có thể nói cuộc bình chọn này là lần đầu tiên những quan điểm của giới chuyên môn được đối thoại với những quan điểm của độc giả tạo thành một không khí dân chủ trong văn chương, và điều quan trọng nhất là từ cuộc bình chọn này, chúng ta có thể lạc quan về một tập độc giả công tâm với các giá trị văn chương quá khứ và đương đại.
TTO - Giải thưởng sách quốc gia lần thứ 5 chỉ trao một giải A duy nhất cho tác phẩm Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của tác giả Lê Quang Định, do nhà nghiên cứu Phan Đăng dịch và chú giải, NXB Thế Giới và Công ty CP sách Thái Hà xuất bản.