Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - HoSE: DPM) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với doanh thu ước đạt gần 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 5.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 92% và 95,6% so với thực hiện năm trước.
Nửa đầu năm nay, đơn vị phân bón này đã ghi nhận doanh thu 10.935 tỷ đồng, lãi trước thuế 4.156 tỷ đồng. Như vậy ước tính quý III, doanh thu công ty là 4.065 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.144 tỷ đồng.
Năm 2022, Đạm Phú Mỹ đặt kế hoạch doanh thu ở mức 17.239 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.130 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả sau 9 tháng, doanh nghiệp đạt 87% mục tiêu doanh thu và vượt 28% chỉ tiêu lợi nhuận.
Kết thúc quý III/2022, Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc Đạm Phú Mỹ đã sản xuất gần 900.000 tấn phân bón và hóa chất các loại, vượt kế hoạch và cùng kỳ năm 2021. Sản lượng các sản phẩm chính như phân urê đạt hơn 680.000 tấn, phân NPK đạt gần 140.000 tấn, NH3 thương mại đạt hơn 50.000 tấn.
Theo Đạm Phú Mỹ, nhờ có nguồn cung dồi dào nên tổng sản lượng kinh doanh phân bón và hóa chất các loại đạt gần 940.000 tấn.
Doanh nghiệp nhận định, năm 2022 do tình hình chính trị, kinh tế bất ổn trên thế giới nên giá phân bón biến động khó lường. Trong nước, giá vật tư cho nông nghiệp tăng cao, giá nông sản bấp bênh, tiêu thụ khó khăn tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp, khiến việc kinh doanh phân bón gặp không ít trở ngại do sức mua rất yếu.
Tuy nhiên, công ty đã kịp thời nắm bắt cơ hội giá phân bón trên thế giới tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu sau khi đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước. Lượng phân bón của Đạm Phú Mỹ xuất khẩu 9 tháng đạt khoảng 155.000 tấn, gấp 3 lần so với kế hoạch cả năm, góp phần quan trọng trong gia tăng doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm.
Trong báo cáo về ngành phân bón mới đây, SSI Research nhận định nhu cầu urê có thể tiếp tục suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và quý III thường là quý tiêu thụ thấp điểm.
Mùa cao điểm quý IV sẽ hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ urê nhưng có thể sẽ không phục hồi nhiều trước lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá các mặt hàng nông nghiệp.
Giá urê trên thị trường Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ với giá urê tại thị trường Trung Quốc hoặc Indonesia, hơn là giá urê tại Biển Đen hoặc Ai Cập. Do đó, SSI Research cho rằng giá urê của DPM có thể tiếp tục giảm, đi cùng với sự điều chỉnh của giá than và giá dầu.
Theo dự phóng của SSI Research, thu nhập ròng năm 2022 của DPM có thể đạt 5.100 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ.
SSI Research cũng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của DPM xuống 4.000 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 22% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do giả định giá urê đầu vào sẽ giảm so với mức cơ sở cao được thiết lập trong năm nay trong khi cả Nga và Trung Quốc đều sẽ tăng sản lượng xuất khẩu dẫn đến giảm giá bán bình quân của urê.