Bộ Công Thương đính chính về thông tin sai trong công văn lấy ý kiến về sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện - Ảnh: T.LÂM
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay văn bản này nhằm đính chính cho văn bản được Bộ Công Thương gửi ngày 3-10 về việc xin ý kiến góp ý các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do bộ đề xuất.
Trong văn bản, bộ thừa nhận có "lỗi kỹ thuật" nên dẫn tới sai sót ở cột 2, bảng 13 thuộc trang phụ lục của đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và lựa chọn phương án.
Với việc "đính chính sai sót", Bộ Công Thương gửi lại phụ lục mới đính kèm, thay thế cho phụ lục của công văn ngày 3-10.
Cụ thể, trong bảng biểu số 13 được cho là có "lỗi kỹ thuật", Bộ Công Thương đưa ra thông tin so sánh giá điện hiện hành với giá điện tính theo phương án cơ cấu giá điện sinh hoạt theo 5 bậc có hiệu chỉnh tỉ lệ giá điện để minh chứng về sự thay đổi của các bậc khi áp dụng cơ cấu mới.
Nhưng trong bảng biểu số 13 (thuộc văn bản ngày 3-10), Bộ Công Thương chỉ đưa ra 4 bậc (bao gồm từ 0-100 kWh, từ 101-300 kWh, từ 301-700 kWh và từ 701 kWh trở lên).
Trong văn bản đính chính, Bộ Công Thương sửa lại đầy đủ các bậc để so sánh giá điện của 5 bậc thang theo đề xuất, gồm bậc 1 từ 0-100 kWh, 2 từ 101-200 kWh, 3 từ 201-400 kWh, 4 từ 401-700 kWh và 5 từ 701 kWh trở lên.
Tuy nhiên, không chỉ có lỗi kể trên, qua rà soát của Tuổi Trẻ Online, nội dung của công văn ngày 3-10 còn có lỗi sai khác. Đơn cử như với phương án 2 được Bộ Công Thương đề xuất theo hướng rút ngắn từ 6 bậc xuống còn 4 bậc, văn bản "bỏ sót" bậc 3 và được viết thành "bậc 4", trong khi bậc 4 lại thành bậc 5. Nội dung này cũng đã được Bộ Công Thương sửa trong văn bản đính chính.
Việc sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được Bộ Công Thương đưa ra từ năm 2020, nhưng đã phải tạm dừng trong suốt 2 năm qua vì nhiều lý do. Đến nay bộ này tiếp tục đưa ra lấy ý kiến với các phương án được xây dựng trên cơ sở chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn độc lập là Công ty TNHH MTV Tư vấn và chuyển giao công nghệ Bách khoa (Trường đại học Bách khoa) thực hiện.
Cùng với phương án đề xuất của EVN với 5 bậc thang, hai phương án đề xuất của Bộ Công Thương (4 bậc và 5 bậc) được đánh giá là đã tiếp thu được nhiều ý kiến góp ý trước đó, mang lại lợi ích cho đại đa số người tiêu dùng do số tiền điện sinh hoạt không có nhiều thay đổi.
Bù lại, các hộ sử dụng từ 701 kWh trở lên sẽ bị tăng giá điện do sử dụng nhiều điện.
TTO - Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến các đơn vị liên quan về đề xuất sửa đổi biểu giá bán lẻ điện bình quân, trong đó với giá điện sinh hoạt đề xuất rút ngắn các bậc với phương án 4 bậc và 5 bậc.