Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết dự thảo cẩm nang sẽ được lấy ý kiến, hoàn thiện và dự kiến ban hành vào cuối năm 2022 - Ảnh: LÊ KIÊN
Chiều 7-10, tại TP Hải Phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo "Xây dựng cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng".
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng vấn nạn tin giả là vấn đề chung mang tính toàn cầu, chứ không chỉ riêng Việt Nam. "Tin giả nhưng hậu quả thật", ông Lâm nhấn mạnh và cho rằng có thể dễ dàng dẫn các ví dụ về tác hại của tin giả trong giai đoạn cả nước ta tập trung phòng chống COVID-19 vừa qua.
Tin giả gây hậu quả lên tất cả các mặt đời sống chính trị, an ninh, trật tự xã hội, văn hóa, giải trí… Ví dụ, về mặt kinh tế, tin giả có thể tác động rất lớn, làm mất niềm tin vào các định chế lớn, làm tổn hại uy tín, mất hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế trong những giai đoạn nhạy cảm.
Trình bày tại hội thảo, Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển dẫn tình huống cá nhân ông vô tình làm lan truyền tin giả. Đó là câu chuyện "bác sĩ Khoa" trên mạng xã hội trong thời điểm dịch COVID-19 đang bùng nổ. Câu chuyện xuất phát từ một số nguồn khác, ông Hiển chia sẻ (share) lại và vô tình làm phát tán thông tin không đúng sự thật. Sau đó, ông và một số người cùng share thông tin này bị phạt hành chính.
Vụ việc thứ hai chính ông Hiển là nạn nhân sau khi lên tiếng trả lời phỏng vấn một cơ quan báo chí về việc bà Nguyễn Phương Hằng livestream trên mạng xã hội để nhục mạ một số người khác. Sau khi trả lời phỏng vấn nêu quan điểm, chính ông Hiển bị bà Hằng "trả đũa" bằng nhiều cuộc livestream để xúc phạm, tung tin nhằm "tấn công" cá nhân. Ông Hiển cho rằng trong các cuộc livestream này, bà Hằng đã tạo ra hàng loạt tin giả để bôi nhọ ông và gia đình.
Theo dự thảo cẩm nang, tin giả trên không gian mạng được coi là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội.
Tin giả có thể được tạo ra bằng nhiều phương thức tinh vi như làm giả tiếng, giả hình, giả video và xuất hiện dưới dạng video, clip ngắn trên các mạng xã hội được trình bày giống như một tin trên báo chí.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phân tích có ba yếu tố gây rối loạn thông tin gồm thông tin sai lệch, thông tin xuyên tạc và thông tin nguy hại. Vai trò của cẩm nang là giúp người tiếp cận thông tin nhận diện được nguồn của tin giả, chủ thể tạo tin giả và chủ thể lan truyền, phát tán tin giả.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, trong cuộc phòng, chống tin giả, báo chí có vai trò, nhiệm vụ kịp thời tăng cường thông tin chính thống, chính xác, thông tin "sạch" đến với xã hội. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cần chủ động, kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho báo chí, công chúng.
Kỳ vọng cẩm nang sẽ giúp người tiếp nhận thông tin cách nhận diện các loại tin giả, cách phòng chống tin giả và khi phát hiện, bị tác động bởi tin giả thì xử lý thế nào. Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết dự thảo cẩm nang sẽ tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện và dự kiến được ban hành cuối năm nay.
TTO - Ngày 6-10, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết vừa xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng ông H.N.S. (trú quận Cẩm Lệ) vì đưa thông tin sai sự thật việc học sinh vùng cao Quảng Nam ăn thịt chuột.
Xem thêm: mth.711457170012202-ioh-ax-gnam-nert-aig-nit-gnohc-gnohp-ed-gnan-mac-oc-pas/nv.ertiout