Nhật Bản là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Nguồn dự trữ khổng lồ này mang lại chỉ số tín dụng cao và môi trường thuận lợi cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, sau quyết định can thiệp vào thị trường ngoại hối để chặn đà giảm giá của đồng Yen, dự trữ ngoại hối của nền kinh tế số 3 thế giới đã giảm mạnh. Nguồn dự trữ này có thể còn giảm thêm khi nhiều khả năng chính sách can thiệp thị trường ngoại hối vẫn sẽ được Nhật Bản tiếp tục thực hiện.
Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 7/10 cho biết, dự trữ ngoại hối của nước này tính đến cuối tháng 9 là 1.240 tỷ USD, giảm 54 tỷ USD so với một tháng trước đó. Đây là mức dự trữ ngoại hối thấp nhất của Nhật Bản kể từ tháng 3/2017.
Nguyên nhân chính khiến dự trữ ngoại hối của của Nhật Bản giảm mạnh trong tháng vừa qua là do Nhật Bản đã chi đến 20 tỷ USD để can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm chặn đứng đà giảm giá của đồng Yen.
Ngay sau khi can thiệp, đồng Yen đã tăng giá mạnh nhưng sau đó lại trở lại xu hướng mất giá như trước đó. Trong phiên giao dịch ngày 7/10, tại thị trường Tokyo, tỷ giá giữa đồng Yen của Nhật Bản và đồng bạc xanh của Mỹ vẫn ở trên mức 145 Yen /USD, mức trước khi Nhật Bản thực hiện các biện pháp can thiệp.
Trong bối cảnh đồng Yen tiếp tục xu hướng mất giá khi khoảng cách lãi suất của Mỹ và Nhật Bản sẽ được nới rộng, Tokyo có thể sẽ tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối một lần nữa.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, lượng dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường của Nhật Bản là có giới hạn, hơn nữa các biện pháp này chỉ mang lại hiệu quả trong ngắn hạn.
Nhìn chung nếu Mỹ và Nhật Bản không có sự phối hợp trong chính sách tiền tệ, khoảng cách lãi suất tiếp tục được nới rộng thì thị trường sẽ không có sự biến đổi.
VTV.vn - Ngày 3/10, tỷ giá Yen Nhật so với USD một lần nữa vượt ngưỡng 145 Yen đổi 1 USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.82770209170012202-hnam-maig-nab-tahn-ioh-iaogn-urt-ud/et-hnik/nv.vtv