Cố gắng kìm giữ giá
Bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - cho biết, công ty tăng 20% sản lượng hàng so với cùng kỳ năm ngoái để phục vụ thị trường dịp tết Quý Mão 2023 nhưng chưa dự kiến được giá bán lẻ. “Do công ty chúng tôi tham gia chương trình bình ổn thị trường nên phải chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và cố gắng kìm giữ giá bán, góp phần ổn định nguồn cung ứng hàng hóa với giá cả ổn định dù biết thị trường năm nay không mấy khả quan” - bà Phạm Thị Huân nói.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cho biết, nguồn cung hàng thiết yếu cho thị trường dịp tết Quý Mão 2023 sẽ không thiếu (ảnh chụp tại LOTTE Mart đường Nguyễn Văn Lượng, Q.Gò Vấp, TPHCM) - Ảnh: N.Cẩm |
Theo ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt - giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường sẽ không thay đổi trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Lý do là gần đây, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng chững lại, không tăng, giá một số nguyên liệu như bắp có xu hướng giảm. “Cao điểm tiêu dùng trứng gia cầm dịp tết từ ngày 24-30 tháng Chạp. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ thường gấp đôi so với bình thường, đặc biệt là trứng vịt. Công ty đã chuẩn bị sản lượng 1,5 triệu quả trứng/ngày cho dịp này”, ông Trương Chí Thiện nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) - thông tin, dịp tết Quý Mão sắp tới, Vissan chuẩn bị lượng hàng tết tương đương dịp tết Tân Sửu (đầu năm 2021), cao hơn dịp tết Nhâm Dần (đầu năm 2022). Từ đầu năm 2022 đến nay, sức mua khá yếu. Sức mua hàng tết năm nay mà bằng với tết Tân Sửu đã là điều đáng mừng. Vissan cũng có phương án tăng sản lượng nếu nhu cầu thị trường tăng. Lượng hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán thường tăng hơn 30% so với bình thường.
Nhận định về diễn biến giá các nhóm hàng thực phẩm, ông Nguyễn Đăng Phú cho rằng, hai năm nay, tổng chi phí đầu vào đã tăng 40 - 50%, tạo áp lực tăng giá bán đối với thực phẩm chế biến. Hiện công ty không thể tăng giá bán ngay mà đang tìm cách tiết giảm chi phí. Trong trường hợp phải tăng giá bán sản phẩm, công ty sẽ tính mức tăng thấp nhất có thể. Giá thực phẩm tươi sống năm nay tương đối ổn định, giá heo hơi đang có xu hướng tăng nhưng mức tăng này nằm trong tầm kiểm soát.
Đại diện các công ty San Hà, Thực phẩm Bình Tây cũng cho biết, sức mua hiện nay rất yếu nên họ đang đánh giá lại chi phí đầu vào, nguồn nguyên liệu, dự đoán sức mua rồi mới lên kế hoạch cụ thể về sản lượng, giá cả hàng tết, tránh bị tồn kho, chôn vốn. Còn theo đại diện các hệ thống phân phối lớn, họ có kế hoạch tăng sản lượng hàng tết từ 20 - 30% so với ngày thường.
Giá bán cần được điều chỉnh linh hoạt
Lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) cho biết, khi tham gia chương trình bình ổn thị trường, họ được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, giấy tờ và quá trình vận chuyển hàng hóa nhưng không còn được ưu đãi về lãi suất vay như trước đây. Ngoài ra, với sự biến động thị trường liên tục trong những tháng qua, DN cần chính sách điều chỉnh giá bán hàng linh hoạt hơn.
Theo ông Trương Chí Thiện, cần thay đổi một số tiêu chí điều chỉnh giá để giá các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường không chênh lệch nhiều so với giá hàng cùng loại trên thị trường. Giá hàng hóa trong chương trình thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường 5%, nhưng có lúc thấp hơn đến 10% mà DN vẫn không được duyệt phương án điều chỉnh giá. Điều này khiến DN khó khăn, có thời điểm người tiêu dùng đổ xô mua hàng trong chương trình, gây nên sự thiếu hàng cục bộ.
Ông Nguyễn Đăng Phú cũng đề xuất, cơ quan quản lý cần kịp thời điều chỉnh giá hàng trong chương trình bình ổn theo diễn biến thị trường. Nếu để DN lỗ nhiều, kéo dài sẽ khiến DN yếu dần và khó trụ lâu dài. Bên cạnh đó, thay vì chỉ tập trung phân phối hàng bình ổn thị trường ở kênh bán hàng hiện đại như hiện nay, Sở Công Thương, UBND TPHCM nên có kế hoạch mở rộng việc phân phối hàng này ra các kênh truyền thống.
“DN trong chương trình cũng cố gắng phân phối hàng ra kênh truyền thống, nhưng sự tuân thủ giá bán ở kênh truyền thống chưa nghiêm túc. Có thời điểm, tiểu thương bán giá hàng bình ổn thị trường cao hơn mức giá do DN niêm yết. Để hàng bình ổn thị trường “phủ sóng” ngày càng rộng hơn, cần có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan hữu trách” - ông Trương Chí Thiện kiến nghị.
Doanh nghiệp mong dễ dàng tiếp cận vốn vay Giá cả đầu vào đồng loạt tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng 20 - 30%. Điều này tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của DN trong ngành lương thực, thực phẩm và ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị hàng tết của DN khi nguồn vốn cần sử dụng tăng cao hơn so với các năm trước. Chúng tôi kiến nghị UBND TPHCM tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh và hạ tầng hậu cần, kho vận (logistics)… nhằm giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí, dễ dàng tiếp cận vốn vay với mức lãi suất phù hợp, giữ vững hoạt động sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao. Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (VFA) |
Xây dựng chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất Theo đại diện Sở Công thương TPHCM, UBND thành phố sẽ tập trung sửa chữa, nâng cấp mạng lưới chợ; khuyến khích phát triển các loại hình phân phối hiện đại ở các khu vực đầu mối các tuyến giao thông, nhà ga tàu điện ngầm; phát triển các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh để đưa hàng bình ổn giá tới tay người dân ở vùng sâu, vùng xa nhiều hơn. UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo xây dựng chính sách hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất ưu đãi để DN đầu tư chuyển đổi số, mở rộng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, kho bãi, phát triển hệ thống phân phối. |
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.5764741a-tet-gnah-iov-tad-ed-peihgn-hnaod-uey-aum-cus/nv.moc.enilnounuhp.www