Nhóm 36 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu ở TP HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 6-10. Trong đơn, các DN cho rằng việc điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua có vấn đề, kéo theo những bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.
Hàng loạt cửa hàng xin ngừng kinh doanh
Tình trạng cửa hàng hết xăng tạm thời đang tái diễn ở nhiều địa phương. Tại An Giang có đến hơn 24 cửa hàng ngưng kinh doanh vì hết xăng dầu tạm thời. Nhiều chủ cửa hàng bán lẻ xăng dầu than vãn rằng dù không còn xăng để bán nhưng họ buộc phải mở cửa hoặc khi có xăng bán trở lại thì phải bán lỗ. Các trường hợp hết xăng dầu kéo dài thời gian qua trên địa bàn An Giang phần lớn ở các cửa hàng thuộc Công ty CP Dầu khí Đại Đông Dương (TP HCM).
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 7-10, tại huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, hầu hết các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn mở cửa hoạt động nhưng đang gặp khó khăn vì tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu từ các bên giao đại lý, bên nhượng quyền thương mại và thương nhân phân phối nên cửa hàng bán lẻ không có nguồn để bán. Thời điểm này tại TP Châu Đốc và huyện An Phú, khó khăn chung của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu là nguồn cung về chậm nên có lúc thiếu xăng dầu cục bộ.
Đặc biệt, mức hoa hồng rất thấp, thậm chí 0 đồng nên các cửa hàng kinh doanh xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn, càng bán càng lỗ, nên không nhập hàng. Tình trạng này dẫn đến hàng loạt cửa hàng xin tạm ngừng kinh doanh. Sở Công Thương tỉnh An Giang đã cho phép 10 cửa hàng tạm ngừng hoạt động và hiện đang tiếp tục nhận hàng chục đơn xin nghỉ kinh doanh của các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn.
Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Tháp đã có 24 cửa hàng bán lẻ xăng dầu gửi đơn xin tạm ngưng hoạt động do liên tục thua lỗ. Ông Nguyễn Minh Trung, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp, cho rằng với mức chiết khấu xăng dầu hiện nay tại các cửa hàng bán lẻ khó có thể duy trì hoạt động kinh doanh phục vụ sản xuất, tiêu dùng của DN và người dân.
"Theo thông tin phản ánh của các DN, do giá cả thường xuyên biến động nên tại một số thời điểm DN nhập hàng với giá bằng giá bán lẻ, có thời điểm chiết khấu bằng 0 đồng hoặc âm, trong khi phải trả các chi phí vận chuyển, lương nhân viên, điện… đã gây áp lực cho các cửa hàng khi duy trì hoạt động. Nhiều cửa hàng bị thâm hụt vốn, có DN buộc phải đóng cửa để cắt lỗ nên ảnh hưởng đến nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh" - ông Trung cho biết.
Ông Đặng Văn Tuấn, quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, cũng xác nhận trên địa bàn tỉnh có 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu xin tạm ngưng bán hàng từ 1 đến 3 tháng với lý do… sửa chữa cửa hàng.
Sở Công Thương đang xác minh và đề nghị cung cấp các giấy tờ chứng minh việc sửa chữa để làm cơ sở xem xét chấp thuận các trường hợp cửa hàng thật sự cần sửa chữa, còn lại sở có văn bản phúc đáp không chấp thuận cho tạm ngưng kinh doanh xăng dầu.
Nhiều cửa hàng xăng dầu ở An Giang đã ngưng bán hàngẢnh: VĨNH KỲ
Bảo đảm hài hòa lợi ích
Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, các DN phân tích: Theo Nghị định 95 của Chính phủ, DN đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố.
Tuy nhiên, thực tế trong quản lý, liên bộ đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, để các DN phân phối đã tìm cách lách quy định để bán ra cho DN bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác theo bảng kê của các hóa đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng 0 đồng/lít.
Với cách này, khi cộng phí vận chuyển, DN bán lẻ phải mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định. Các DN cho rằng nếu cơ quan quản lý tính đúng, tính đủ và để DN có lãi đủ để duy trì hoạt động thì không xảy ra tình trạng đứt nguồn cung như thời gian qua.
Các DN cũng chỉ ra bất cập là kinh doanh trong cơ chế thị trường nhưng nhà cung cấp cứ thường xuyên thông báo hạn chế bán ra, sợ hết hàng. Trong khi nhiều giai đoạn DN bán lẻ càng bán ra càng lỗ vẫn phải bấm bụng bán nhưng không ai bù lỗ. Điều này dẫn đến một số DN bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra mà DN không được ngưng bán.
Vấn đề chiết khấu 0 đồng đã được DN phản ánh suốt thời gian dài vừa qua nhưng theo đánh giá của DN, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đang phản ứng chậm trước những kiến nghị của DN.
Để khắc phục bất cập về vấn đề chiết khấu, các DN kiến nghị khi kinh doanh xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới, trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định đối với DN bán lẻ theo tỉ lệ không nhỏ hơn 6%-7% trên giá bán mỗi lít xăng dầu.
Nếu không quy định được chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định. Các DN kiến nghị cần có sự chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời, đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.
Điều chỉnh chi phí kinh doanh
Theo lý giải của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nguyên nhân chính của tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu ngưng kinh doanh là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của DN mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các DN, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu và thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu (đối với các thương nhân đầu mối) đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2022 để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đồng thời, ngày 6-10, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí theo bình quân gia quyền sản lượng xăng dầu DN đầu mối phải trả cho nhà máy lọc dầu hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm nhà máy lọc dầu) trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11-10 để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của DN, giúp các DN tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu.
Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, ngày 7-10, Bộ Công Thương đã có công văn số 6192/BCT-TTTN đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP phối hợp, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của DN.
Không để thiếu nguồn cung
Đối với nguồn cung xăng, Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định bảo đảm nguồn cung từ nay đến cuối năm.
Cơ sở để bộ này khẳng định như vậy là theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn trong quý IV này dự kiến sản xuất 4,4 triệu mét khối (chiếm 80% tổng nhu cầu). Hai nhà máy đang vận hành hết công suất, trong đó Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến vận hành ở mức 105% công suất.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu. Bộ Công Thương nhấn mạnh kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Xem thêm: mth.14323602270012202-uad-gnax-gnah-tud-gnart-hnit-oar-tor-teyuq-iaig/et-hnik/nv.moc.dln