Những quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất với người tham gia giao thông được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như tỉ lệ tử vong, tỉ lệ thắt dây an toàn, giới hạn nồng độ cồn… - Ảnh chụp màn hình
Xếp hạng của Zutobi dựa trên 5 yếu tố: số liệu tử vong do giao thông đường bộ của WHO, giới hạn tốc độ tối đa trên đường cao tốc, tỉ lệ thắt dây an toàn, tỉ lệ tử vong do ảnh hưởng của rượu và giới hạn nồng độ cồn trong máu (BAC) với người lái xe. Tổng cộng, có 53 quốc gia được nghiên cứu.
Các quốc gia an toàn nhất thế giới năm nay không có nhiều thay đổi so với năm trước. Năm thứ hai liên tiếp, Na Uy là quốc gia lái xe an toàn nhất trên thế giới, trong khi xếp thứ hai và ba là Iceland và Estonia.
Các quốc gia nguy hiểm nhất vẫn không thay đổi so với năm ngoái, khi ba quốc gia xếp cuối bảng tiếp tục là Nam Phi, Thái Lan và Mỹ.
Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ ở Ấn Độ tăng hơn 50%, từ 15,6 lên 22,6 trên 100.000 người. Trong khi đó, một số quốc gia đã cải thiện tỉ lệ này, đặc biệt là Bolivia (từ 21,1 xuống còn 15,5 trên 100.000 người).
Chỉ có hai quốc gia Đông Nam Á nằm trong diện nghiên cứu và cả hai đều thuộc tốp những quốc gia nguy hiểm nhất với người tham gia giao thông, đó là Thái Lan và Malaysia.
Top 10 quốc gia an toàn nhất với người tham gia giao thông
Top 10 quốc gia nguy hiểm nhất với người tham gia giao thông
Không chỉ xếp hạng dựa trên số liệu tổng hợp, điểm đánh giá của Zutobi cũng cho thấy những quốc gia đứng đầu xét theo từng tiêu chí. Cụ thể:
Tỉ lệ tử vong giao thông đường bộ
Cao nhất: Thái Lan
Thái Lan có tỉ lệ tử vong liên quan đến giao thông đường bộ cao nhất trong các nước được nghiên cứu: 32,2 ca/100.000 người dân - Ảnh: Bangkok Post
Thấp nhất: Iceland
Iceland có số người chết vì giao thông đường bộ thấp nhất với tỉ lệ 2/100.000 người. Con số này đã giảm dần kể từ năm 2019 - Iceland Review
Giới hạn tốc độ trên đường cao tốc
Lỏng lẻo nhất: Đức
Đức là quốc gia duy nhất trong nghiên cứu không áp dụng giới hạn tốc độ trên đường cao tốc đối với ô tô. Giới hạn tốc độ được khuyến nghị trên đường cao tốc nổi tiếng Autobahn là 130 km/h, nhưng điều này thường bị các tài xế bỏ qua - Ảnh: Twitter
Nghiêm khắc nhất: Bolivia
Bolivia là quốc gia có giới hạn tốc độ tối đa trên đường cao tốc thấp nhất đối với ô tô, chỉ cần trên 80 km/h là đủ bị phạt - Ảnh: Merco Press
Tỉ lệ thắt dây an toàn
Cao nhất: Nhật Bản, Pháp, Cộng hòa Czech, Đức
Nhật Bản, Pháp, Cộng hòa Czech, Đức là những quốc gia có tỉ lệ sử dụng dây an toàn cao nhất trên thế giới, ở mức 98% - Ảnh: Metro Residences
Thấp nhất: Bolivia
Không rõ có phải do tỉ lệ thắt dây an toàn thấp đã ảnh hưởng đến quy định về giới hạn tốc độ trên đường cao tốc hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là không có quy định cụ thể buộc tài xế phải thắt dây, do chỉ 3,5% tài xế nước này có ý thức giữ an toàn cho bản thân - Ảnh minh họa: KITV
Tỉ lệ tử vong do rượu bia khi tham gia giao thông
Cao nhất: Nam Phi
Nguy cơ tử vong liên quan đến rượu bia khi lái xe cao nhất là ở Nam Phi: 57,5% - Ảnh: Daily Maverick
Thấp nhất: Malaysia
Malaysia có tỉ lệ tử vong do rượu bia khi tham gia giao thông đường bộ thấp nhất thế giới, chỉ 0,1%. Điều này có thể là do quy định hạn chế bán rượu ở quốc gia phần lớn dân số theo đạo Hồi này - Ảnh: Malay Mail
Giới hạn nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe
Lỏng lẻo nhất: Malaysia, Vương quốc Anh, Guyana, Mỹ
Malaysia, Vương quốc Anh, Guyana, Mỹ là những quốc gia cho phép người lái xe được uống rượu “thoải mái nhất” với nồng độ cồn trong máu là 0,08%. Nhưng với việc hạn chế bán rượu bia ở Malaysia thì quy định nồng độ cồn "hào phóng" cũng không ảnh hưởng gì nhiều - Ảnh: The Star
Khắt khe nhất: Cuba, Hungary
Cuba và Hungary đều giới hạn nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe ở mức 0%. Xét theo tiêu chí này thì Việt Nam cũng có thể xếp chung nhóm với quy định tương tự dù không nằm trong diện nghiên cứu. Trong bảng xếp hạng tổng, Hungary đứng thứ 6, trong khi Cuba đứng thứ 30 - Ảnh minh họa: Verywell Mind
Không ít tài xế tại Bedfordshire, Anh đã có một phen hú hồn khi bất ngờ phải đối mặt với ‘cảnh sát giao thông’ dùng súng bắn tốc độ trong khu vực.