Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ tăng cường thời lượng thực hành, giúp sinh viên nhanh chóng thành thục kỹ năng nghề - Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN
Chiều 8-10, tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp cùng Hệ sinh thái giáo dục và nghề nghiệp VitanEdu tổ chức hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0".
Hội thảo nhằm cung cấp cái nhìn toàn cảnh về thị trường lao động, nâng cao nhận thức của cộng đồng về hướng nghiệp; đồng thời, giáo dục kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên, phụ huynh cũng như giúp học sinh, sinh viên kết nối việc làm với các đơn vị, doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Văn Linh - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết: Theo thống kê, năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, số còn lại chỉ liên quan đến ngành đào tạo là 25%, thậm chí không liên quan đến ngành đào tạo là 19%.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý 2 năm 2022, xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%, cao đẳng và trung cấp là 30,5%; trong khi đó, nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%, cao đẳng và trung cấp là 33%...
Các con số thống kê cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu lao động cả về cơ cấu trình độ và chuyên môn đào tạo. Điều này phần nào phản ánh những bất cập trong công tác hướng nghiệp, phân luồng trong các cơ sở giáo dục cũng như quá trình tự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của người học.
Ông Bùi Văn Linh cho rằng: Việc học sai ngành, chọn sai trường, thiếu việc làm, thiếu kỹ năng làm việc... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ ra trường sẽ thất nghiệp hay khó tìm việc làm tốt. Nếu học sinh, sinh viên không được hỗ trợ hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp đúng đắn, vấn đề này có thể trở thành "quả bom hẹn giờ" tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cũng như sự ổn định và phát triển ở mỗi quốc gia.
Chính vì vậy, việc hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên đang là mối quan tâm hàng đầu của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường, và xã hội.
Tại hội thảo, trên cơ sở thực tiễn và hiện trạng, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về hoạt động đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh tại Việt Nam; mô hình hướng nghiệp trong nhà trường nhìn từ Việt Nam và bước ra thế giới; giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động trong nhà trường; gợi mở bộ công cụ hỗ trợ phụ huynh đồng hành cùng con và phát triển hoạt động hướng nghiệp trong gia đình; giải pháp để gắn kết gia đình - nhà trường - người học - người lao động và doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng chỉ ra những lỗ hổng kiến thức, sai lầm thường gặp khi mỗi cá nhân chưa hiểu đúng và đủ về hướng nghiệp. Từ đó, sinh viên được gợi mở các công cụ hỗ trợ cá nhân nhằm thiết lập hành trình nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm sở thích, sở trường, tính cách, khả năng, năng lực... của bản thân và bắt nhịp với nhu cầu của thị trường lao động.
Hệ sinh thái giáo dục và nghề nghiệp VitanEdu đã tặng các gói tài trợ học tập, bộ công cụ hỗ trợ hướng nghiệp cho một số trường phổ thông. Bộ công cụ hỗ trợ hướng nghiệp cung cấp các bài trắc nghiệm giúp người học khám phá sở thích nghề nghiệp; cung cấp thông tin về yêu cầu kiến thức chuyên môn, kỹ năng cơ bản của hơn 5.000 vị trí nghề nghiệp thuộc hơn 300 nhóm ngành nghề; tổng hợp gần 200 câu hỏi và lời giải của các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp.
Một cuộc khảo sát cho thấy, tổng cộng 83,3% sinh viên năm cuối đại học ở Nhật Bản dự kiến tốt nghiệp vào tháng 3 năm tới đã nhận được lời mời làm việc kể từ ngày 1-7.
Xem thêm: mth.13493300280012202-oat-oad-ehgn-hnagn-gnud-mal-peihgn-tot-neiv-hnis-05-noh-ihc/nv.ertiout