Khách thưởng lãm tranh Mai Trung Thứ tại triển lãm "Hồn xưa bến lạ" - sự kiện được xem là cú “đánh tiếng” để đo lường sơ bộ mức quan tâm của thị trường nghệ thuật tại Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN THANH HẢI
Trong khi thế giới đang đối mặt với các nguy cơ hiện hữu về một cuộc khủng hoảng tài chính đang dần thành hình, thị trường nghệ thuật vẫn nóng lên qua những phiên đấu giá mang về số tiền ngất ngưởng.
Mới trong tối 7-10, phiên đấu Modern Evening Auction của nhà Sotheby’s Hong Kong đã chào bán thành công với 3,9 triệu USD cho sáu tác phẩm của các họa sĩ thuộc thế hệ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Riêng bức Thé et Sympathie (Trà và sự đồng cảm) của họa sĩ Lê Phổ đạt 1,3 triệu USD sau chừng 10 phút tranh đua liên tục giữa nhiều khách hàng.
Trong hai năm qua, châu Á đã vượt qua Bắc Mỹ và châu Âu để trở thành thị trường nghệ thuật lớn nhất thế giới (theo doanh số bán đấu giá), chiếm khoảng 36% doanh thu của thế giới.
Nhà nghiên cứu Dong Rui (Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh)
Thị trường nghệ thuật châu Á khởi sắc
Khi dòng tiền đổ vào chứng khoán, trái phiếu, nhà đất đang chững lại như hiện nay, nghệ thuật được xem như kênh phòng thủ tốt. Trải qua dịch COVID-19, doanh số tác phẩm nghệ thuật ở châu Á vẫn bùng nổ dữ dội.
Trả lời trên trang Sotheby’s mới đây, nhà nghiên cứu Dong Rui, thuộc Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh, cho biết tuy quy mô và giá trị của thị trường nghệ thuật rất khó ước tính, nhưng ít nhất là trong các cuộc đấu giá, châu Á hiện đang chiếm ưu thế.
Hong Kong - nơi đặt chi nhánh của các nhà đấu giá danh tiếng - đã chứng kiến cú tăng trưởng ngoạn mục. Báo cáo thường niên của Artprice chỉ ra trong thời gian vỏn vẹn từ năm 2019 - 2021, doanh thu của nhà Philips Hong Kong vụt tăng 178%, còn hai nhà Christie’s Hong Kong và Sotheby’s Hong Kong lần lượt là 92% và 23%.
Cách đây 10 năm, London vẫn thống trị mảng đấu giá nghệ thuật, doanh thu cao hơn gấp năm lần so với mảnh đất Hong Kong nhỏ bé. Ngày nay, mọi chuyện đã khác, chúng chỉ còn chênh nhau một con số ít ỏi (chừng 200 triệu USD) và Hong Kong có khả năng sẽ sớm vượt qua trong thời gian ngắn, soán vị London.
Bên cạnh Hong Kong hay Nhật Bản đã từ lâu khẳng định vị thế của mình, Hàn Quốc là một cường quốc mới nổi trên thị trường nghệ thuật. Thậm chí trong năm 2021, Hàn Quốc đã lọt vào top 10 thị trường toàn cầu và xếp trên cả Nhật Bản.
Ở Đông Nam Á, Singapore được biết đến như một giềng mối kết nối nghệ thuật khu vực. Các hội chợ trưng bày hằng năm ở Singapore quy tụ nhiều tác giả đến từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia...
Việt Nam cần nắm bắt thời cơ
Ông Tom Tandio - đại diện hội chợ nghệ thuật Art Jakarta - nêu ra một thực tế: Cơ sở hạ tầng nghệ thuật nhỏ bé ở Việt Nam không phản ánh nhu cầu quốc tế đang nở rộ đối với hội họa của các bậc thầy hiện đại. "Chúng tôi hy vọng mối quan tâm đến nghệ thuật hiện đại Việt Nam sẽ làm gia tăng sự chú ý đến các nghệ sĩ Đông Nam Á khác" - ông nói.
Sức hút của nghệ thuật Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm ở tác phẩm của thế hệ họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tuy nhiên, sự chú ý của quốc tế dành cho tranh Đông Dương cũng đang dần biến thành gánh nặng cho thị trường.
Nếu chỉ dựa vào số lượng tác phẩm có hạn của thế hệ họa sĩ trước thì sớm muộn gì nghệ thuật Việt Nam sẽ mất đi sức nóng. Các nhà đấu giá lớn đã bắt đầu xây dựng chiến lược cho chuyện này khi thiết kế phiên đấu giá trộn lẫn tác phẩm của họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ ít tên tuổi hơn ở trong nước. Kế hoạch này nhằm mục đích trình ra những thế hệ kế cận cho mạch nguồn quá khứ.
Khó tìm thấy bằng chứng tranh Việt Nam đang bị "thổi giá". Thực tế các tác phẩm có giá vượt trội, nhất là những bức tranh trên "triệu đô", hoặc thể hiện kỹ thuật điêu luyện của các danh họa sĩ, hoặc đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong sự nghiệp cầm cọ. Và số tiền khi gõ búa cũng khá sát với mức nhà đấu giá ước tính.
Thế nhưng, không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng "bong bóng" tranh Đông Dương sẽ xuất hiện. Rủi ro này có thể được giải quyết nếu những họa sĩ kế cận có tranh thường xuyên bán trên sàn quốc tế để tạo nền tảng neo giá hợp lý cho thị trường.
Hồi tháng 7/2022, Sotheby’s đã tổ chức triển lãm đầu tiên tại Việt Nam mang tên "Hồn xưa bến lạ" với tác phẩm của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ. Các chuyên gia nhận định đây có thể là cú "đánh tiếng" để đo lường sơ bộ mức quan tâm của thị trường nghệ thuật để thiết lập một sự gắn bó chặt chẽ hơn. Lý tưởng nhất vẫn là các nhà đấu giá đặt chi nhánh ở Việt Nam và góp phần phát triển thị trường.
Cùng với sự tăng trưởng của nghệ thuật châu Á, Việt Nam cũng có thể tham gia ở tư thế chủ động bằng các hội chợ nghệ thuật định kỳ và quy mô. Thực tế, các nhà đầu tư thường quan tâm đến thanh khoản thị trường thông qua các phiên mua bán, trao đổi hơn là những triển lãm vốn chỉ khu biệt người trong giới nghệ thuật.
Con số ấn tượng
Trong bảng xếp hạng 30 nghệ sĩ có doanh số cao nhất tại Hong Kong trong năm 2021 do Artprice công bố, Việt Nam có hai đại diện. Mai Trung Thứ xếp thứ 20, đem về 14,2 triệu USD (34 tranh đã bán) và Lê Phổ xếp thứ 25 với 11,8 triệu USD (54 tranh). Cần phải lưu ý rằng đây là con số ấn tượng trong bối cảnh tranh của hai họa sĩ trên phải cạnh tranh quyết liệt với cả tác phẩm phương Tây lẫn phương Đông trên sàn đấu giá Hong Kong.
TTO - Việt Nam năm 1986 với quyết định lịch sử: Đổi mới. Mới đến mức người nước ngoài không dịch mà dùng luôn Doimoi. Và hội họa đã tiên phong đổi mới. Họa sĩ Lê Thiết Cương nói về thị trường hội họa Việt hiện tại mà anh gọi là Gam màu sáng.
Xem thêm: mth.90170051280012202-man-teiv-auc-ioh-oc-av-tauht-ehgn-gnourt-iht-on-gnub-a-uahc/nv.ertiout