Chủ động, thích ứng sản xuất
Tiền Giang được xem là địa phương có diện tích trồng vườn cây ăn trái lớn tại ĐBSCL, trong đó nhiều nhất là diện tích trồng sầu riêng, tập trung ở các huyện Cai Lậy và Cái Bè. Đây được xem là loại trái cây chủ lực, một thời vườn cây giúp nông dân vươn lên khá giả.
Ông Lê Thanh Truyền - Phó Trưởng phòng NN&PT-NT huyện Cai Lậy cho biết, diện tích trồng cây ăn trái toàn huyện là hơn 26.000 ha, trong đó diện tích trồng sầu riêng chiếm nhiều nhất là trên 10.500 ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Tam Bình và Ngũ Hiệp.
Theo ông Truyền, khoảng năm 2020, hạn mặn bất ngờ, nông dân trồng sầu riêng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giai đoạn này, nông dân đã trữ nước ngọt, đồng thời mua nước ngọt, cùng với việc được ngành chức năng hỗ trợ nước ngọt phục vụ tưới tiêu nên bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Hiện, nông dân đã thích ứng sản xuất, khôi phục lại vườn sầu riêng bằng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác như: Tỉa cành sầu riêng vô hiệu, sử dụng rơm rạ ủ gốc giữ ẩm, tưới nước tiết kiệm phun sương nhỏ giọt,…
Là xã có diện tích trồng sầu riêng lớn của huyện Cai Lậy, ông Nguyễn Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho Người Đưa Tin biết, tổng diện tích vườn toàn xã là 1.642 ha, trong đó vườn trồng sầu riêng là 1.450 ha, còn lại 192 ha cây sapo, mít và cây khác với sản lượng hơn 25.000 tấn. Nhằm thích ứng sản xuất, địa phương đã tập trung triển khai và nhân rộng các mô hình trồng cây ăn trái chuyên canh, chất lượng, áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo nguồn sản phẩm chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo đó, xã Tam Bình đã xây dựng được 1 mã vùng trồng tại địa bàn ấp Bình Thạnh với diện tích 12,27 ha sầu riêng, đang thực hiện mã sản phẩm cho doanh nghiệp và các vựa. Trong thời gian tới tiếp tục xây dựng mã vùng trồng rộng khắp trên địa bàn 11 ấp (250 ha), cấp mã vùng cho HTX và doanh nghiệp khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, UBND xã Tam Bình kết hợp với Phòng NN&PT-NT huyện và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Cai Lậy xây dựng và hướng dẫn người dân về mô hình VietGap tại ấp Bình Đức gồm 60 hộ dân với diện tích 30 ha; đang lập hồ sơ và tuyên truyền nông dân thực hiện mô hình VietGap tại ấp Bình Chánh Tây gồm 57 hộ dân với diện tích 25,3 ha.
Về hệ thống thủy lợi, Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết vận động nhân dân dọn cỏ, nạo vét khai thông dòng chảy được 23 tuyến kênh, đảm bảo nước tưới tiêu cho vườn cây ăn trái của nông dân trên địa bàn. Đồng thời, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn mặn năm 2022 và phối hợp tổ chức quan trắc, thông báo tình hình khí tượng thủy văn cho nhân dân biết chủ động sản xuất; triển khai cho cán bộ công chức và nhân dân biết thiệt hại do hạn mặn gây ra; cử cán bộ đo độ mặn hằng ngày để kịp thời giảm thiểu tác hại của xâm nhập mặn và vận động nhân dân nạo vét các tuyến kênh nội đồng khi có hạn mặn xảy ra.
Nhờ chủ động thích ứng sản xuất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác nên năng suất sầu riêng đạt hiệu quả, điển hình là nông dân Đỗ Thái Hùng ở ấp Bình Thuận, xã Tam Bình. Ông Hùng phấn khởi chia sẻ, gia đình ông có 5 công (mỗi công là 1.000 m2) trồng 130 cây sầu riêng, trong đó 100 cây đang cho trái, dự kiến vào cuối tháng này bắt đầu thu hoạch khoảng 8-10 tấn trái. Hiện, giá mỗi kg sầu riêng dao động từ 65.000 -70.000 đồng, với giá bán này chắc chắn có lãi hàng trăm triệu đồng/vụ.
“Tuy nhiên, để thích ứng và giữ vững năng suất sầu riêng, nông dân cũng cần phải lưu ý khi cây sầu riêng bị ảnh hưởng hạn mặn dẫn đến suy kiệt, nông dân cần phải giữ nước ngọt tại vườn, đừng tưới, phải phun xịt dưỡng đọt. Do thời điểm cây suy kiệt, sâu bệnh xâm nhập, do vậy cần phải tủ gốc giữ ẩm bằng cỏ tươi như rau trai. Hoặc cây bị nhiễm mặn khi đang mang trái, việc cần làm ngay là bỏ trái cứu cây”, ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm.
Chuyển sang trồng các loại cây hiệu quả
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cộng với tình trạng giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng, nhiều hộ nông dân trồng cây ăn trái ở tỉnh Vĩnh Long thua lỗ. Họ đã phải tạm dừng sản xuất, chờ cơ hội hoặc phá bỏ vườn cây kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại giống khác cho hiệu quả kinh tế hơn để thích ứng.
Theo Phòng NN&PT-NN huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long), tính đến nay, diện tích chuyển đổi vườn kém hiệu quả toàn huyện là trên 33 ha, chủ yếu chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng, đến nay đã có hiệu quả nhất định ban đầu.
Là hộ chuyển đổi cây trồng từ năm 2016, nông dân Trần Hoàng Vui ở ấp Phú An 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết, khoảng năm 2014, dịch chổi rồng bùng phát khiến khu vườn trồng nhãn da bò bị ảnh hưởng. Liên tiếp thất mùa, gia đình ông Vui gặp phải những khó khăn nhất định nên đốn hạ toàn bộ giống cây này. Trong lúc đang loay hoay tìm hướng đi mới thì gia đình được địa phương hỗ trợ 36 cây sầu riêng Ri 6 (trồng trên diện tích 1.500 m2) và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt để vượt qua khó khăn. Hiện, cây khỏe đang cho trái với hy vọng được mùa, trúng giá.
Tương tự, nông dân Nguyễn Tấn Tốt, ngụ xã Bình Hòa Phước, sau khi đốn hạ 3 công trồng nhãn da bò, địa phương hỗ trợ giống cây trồng mới. “Có giai đoạn nhãn da bò được xem là loại trái cây cao sản, nông dân vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, từ khi dịch chổi rồng bùng phát nhiều hộ nông dân trong vùng phá bỏ vườn khiến cuộc sống gặp khó, nợ nần. Nông dân đã phải cân đối nguồn vốn và dần từng bước vượt qua khó khăn. Đến nay, ngoài hộ gia đình tôi được hỗ trợ 50 cây nhãn xuồng cơm vàng trồng xen với sầu riêng, nhiều hộ nông dân khác cũng được hỗ trợ tái cơ cấu cây trồng. Bước đầu, những hộ dân này đã có thu hoạch, phấn khởi”, ông Tốt vui vẻ nói.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước cho biết, năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, trái cây mất giá, năng suất giảm và tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến canh tác, sản xuất của nông dân. Tổng số diện tích vườn thiếu nước và vườn cây ăn trài bị thiệt hại trên toàn xã là 478,287 ha. Do tình trạng xâm nhập mặn xảy ra bất ngờ, nông dân không chủ động phòng ngừa nên dẫn đến mùa vụ không có thu hoạch. Đến năm 2021, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã phục hồi.
Theo ông Cường, hiện toàn xã có trên 909 ha vườn cây ăn trái, trong đó 216 ha nhãn, hơn 656 ha chôm chôm và trên 37 ha các loại cây khác. Địa phương đang tập trung xây dựng và tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Toàn xã không còn trồng nhãn da bò, người dân đã chuyển đổi giống cây trồng có hiệu quả. Trung tâm giống hỗ trợ 100% về cây giống và chuyên môn kỹ thuật. Cụ thể, dự án mô hình 25 cây/công, diện tích 18,1 ha với 72 hộ dân được hỗ trợ trên 4.500 cây giống (nhãn Ido, bưởi da xanh, nhãn xuồng cơm vàng), hiện đang cho trái và được giá.
“Thời điểm nhãn da bò bị chổi rồng, một số hộ nông dân vay vốn Ngân hàng Chính sách để sản xuất và mắc nợ, nhưng đến nay đã hoàn tất các khoản vay này. Để hỗ trợ nông dân cải tạo vườn, các ban ngành của xã cũng tạo điệu kiện giúp nông dân vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất”, ông Cường nói thêm.
Còn tại xã Đồng Phú (huyện Long Hồ), với 3 loại cây chủ lực là nhãn, chôm chôm sầu riêng đang mang lại hiệu quả kinh tế, dù trước đó nông dân của xã này cũng gặp khó do dịch chổi rồng trên cây nhãn da bò. Hàng loạt hộ nông dân đã phá bỏ vườn cây này chuyển sang trồng các giống cây khác. Ông Nguyễn Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phú cho biết, tổng diện tích vườn cây ăn trái toàn xã là 1.111 ha, trong đó phần lớn là diện tích trồng nhãn. Nhằm đẩy mạnh kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xã đã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những loại cây kém hiệu quả kinh tế, già cỗi chuyển sang trồng các loại cây có giá trị, kinh tế cao với 450 ha.
Thanh Lâm