Hình ảnh đầu máy tàu hỏa dừng lại kịp thời nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ trên đường Phạm Văn Đồng chiều 8-10 - Ảnh: MXH
Theo đó, 13h36 ngày 8-10, trực ban chạy tàu đã điện cho tổ gác chắn thông báo giờ xin đường để đầu máy qua đường ngang lúc 13h44 cùng ngày. Sau khi nhận lệnh báo giờ tàu chạy, các nhân viên làm công tác chuẩn bị thực hiện trình tự đón tiễn tàu qua đường ngang.
Tổ gác chắn đã ra đường để chuẩn bị đóng chắn và phải canh giờ để đóng chắn. Toàn bộ nhân viên ra, bật chuông, đèn phía đường bộ và một nhân viên khác ra quan sát tàu tại vị trí biển đỏ.
Nhân viên đứng quan sát thấy tàu sắp tới nơi nhưng nhân viên gác chắn vẫn chưa đóng nên vội vàng thông báo đóng chắn, đồng thời làm tín hiệu bắt tàu dừng khẩn cấp.
Lý giải việc tàu sắp đến nơi mới phát hiện và không đóng chắn kịp, các nhân viên này cho rằng do tầm nhìn phía bắc đường ngang hạn chế (đường cong, cự ly khoảng 100m).
Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn cho rằng do tầm nhìn hạn chế nên nhân viên gác chắn canh đón tàu bằng kinh nghiệm, đầu máy từ khi báo chạy đến đường ngang khoảng 5 phút. Sau khi báo tàu đã chạy khoảng 2 phút, nhân viên bắt đầu bật tín hiệu chuông đèn và tiến hành đóng chắn để đảm bảo trước khi tàu tới 2 phút.
Nhưng ở sự cố trên, sau khi trực ban chạy tàu báo khoảng 3 phút tàu đã tới nên việc đóng chắn không kịp.
Mặc dù sự cố nêu trên chưa gây tai nạn, nhưng Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn đã yêu cầu đơn vị và các cá nhân liên quan báo cáo tường trình để xử lý theo quy định.
Vì sao đóng chắn bằng kinh nghiệm?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một nhân viên gác chắn đường ngang trên tuyến đường sắt Bắc - Nam nói để khắc phục tình trạng này, ở các đường ngang cần phải sớm nâng cấp bằng công nghệ để dự báo chính xác hơn giờ tàu qua chắn.
Ở một số địa bàn khác, thông thường khi trực ban báo tàu sắp qua chắn, trung bình 10-15 phút tàu mới tới đường ngang, nhưng cũng có lúc tới sớm hoặc tới chậm. Thời điểm đó, các nhân viên phải ra vị trí đón tàu và canh thời gian đóng chắn do đóng chậm thì mất an toàn, đóng lâu quá lại kẹt xe.
Hiện nay một số chắn đã được ngành đường sắt áp dụng các thiết bị cảm biến báo tàu đến gần và sắp tới cần phải áp dụng rộng rãi hơn. Khu vực đường sắt đoạn qua chắn trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) nơi xảy ra sự cố hôm qua là đường cong, khuất tầm nhìn nhưng lại chưa có thiết bị cảm biến báo tàu tới gần.
"Cảm biến này lắp ở đường ray cách chắn khoảng 1-2km. Tàu chạy qua điểm gắn thiết bị, bộ cảm biến sẽ truyền tín hiệu từ xa về làm nháy đèn, hú còi liên tục tại phòng trực và ngoài đường ngang để cảnh báo. Việc này cũng tránh được tình trạng nhân viên lơ là khi làm nhiệm vụ", nhân viên gác chắn nói.
Theo số liệu báo cáo hằng năm của ngành đường sắt, tính đến nay, trên địa bàn 34 tỉnh thành có đường sắt quốc gia đi qua có 619 đường ngang có người gác, bao gồm 3.200 nhân viên gác chắn.
TTO - Một tình huống thót tim vừa xảy ra trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, TP.HCM) khi một đầu máy tàu hỏa trên đường lao về ga Sài Gòn thì phát hiện gác chắn (giao nhau đường sắt và đường bộ) chưa được đóng.