vĐồng tin tức tài chính 365

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Dùng súng giả xông vào ngân hàng để...cướp tiền của chính mình

2022-10-10 08:11

Án Nước ngoài:

Cướp tiền để đóng… viện phí?!

Hãng Reuters đưa tin 1 phụ nữ cầm súng xông vào ngân hàng BLOM ở Lebanon vào ngày 14/9 để rút 13.000 USD trong chính tài khoản của mình.  Sự việc xảy ra vào 11h (giờ địa phương) khi nghi phạm Sali Hafiz xông vào ngân hàng tại khu vực Sodeco ở Beirut và yêu cầu được rút tiền.

Sau sự việc, cô Hafiz cho biết khẩu súng là đồ chơi và cô muốn rút tiền để chữa trị cho người nhà bị ung thư. Cô đã rút được 13.000 USD trong số 20.000 USD trong tài khoản, nhưng đang cần đến 50.000 USD để chữa bệnh cho người thân.

Các ngân hàng ở Lebanon đã phong tỏa phần lớn các tài khoản tiết kiệm kể từ khi khủng hoảng tài chính xảy ra cách đây 3 năm, khiến nhiều người không thể chi trả cho những nhu cầu cơ bản.

“Tôi không còn gì để mất, tôi đã lâm vào ngõ cụt. Tôi đến nói với quản lý ngân hàng 2 ngày trước đó về việc người nhà tôi đang chết dần và không còn thời gian nữa”, cô Hafiz kể. “Tôi đã rơi vào tình cảnh sẽ phải bán thận nếu người thân tôi có thể được chữa khỏi”, cô cho biết.

Mẹ của Hafiz là bà Hiam cho biết gia đình đang cần tiền để cứu mạng 1 đứa con gái khác của bà. “Tất cả những gì chúng tôi có là số tiền này trong ngân hàng. Con gái tôi buộc phải lấy số tiền này, đó là quyền của nó, nằm trong tài khoản nó, để chữa bệnh cho người nhà”, bà cho biết.

Cơ quan an ninh chưa phản hồi về bình luận liên quan khả năng cô Hafiz đối diện hậu quả pháp lý.

Trước đó, trưa 11/8, 1 người đàn ông Lebanon đã khống chế 6 người tại phòng giao dịch của ngân hàng Liên bang Lebanon ở khu phố Hamra phía tây Beirut khi yêu cầu rút tiền của ông này bị từ chối vì vượt quá hạn mức quy định.

"Ông ta yêu cầu rút khoảng 200.000 USD trong tài khoản ngân hàng của mình. Khi nhân viên từ chối, ông ta bắt đầu la hét rằng người thân của mình đang trong bệnh viện, sau đó rút súng ra", nguồn tin của Reuters thông tin thêm.

Ông Mughnieh, người có mặt trong đám đông tập trung bên ngoài ngân hàng, cho biết người đàn ông này chỉ muốn sống, muốn trả tiền điện, cho con ăn và điều trị cho cha trong bệnh viện.

Theo quy định, vẫn có các trường hợp ngoại lệ được rút tiền mặt vượt quá hạn mức cho phép là vì lý do nhân đạo, chẳng hạn cần tiền đóng viện phí. Tuy nhiên, theo những người gửi tiền và đại diện của họ, trên thực tế rất hiếm khi ngoại lệ như vậy diễn ra.

Vụ bắt giữ con tin kết thúc sau 6 tiếng khi nghi phạm Bassam al-Sheikh Hussein đồng ý nhận 30.000 USD. Hiện vẫn chưa rõ người đàn ông này có bị bắt và đối mặt với cáo buộc hình 

Luật Việt Nam:

Dùng súng giả cướp ngân hàng bị xử lý như thế nào?

Để làm rõ trách nhiệm của cô Sali Hafiz và một số người đã có hành vi dùng vũ lực cướp tiền gửi tại ngân hàng, trước hết chúng ta phải hiểu quyền sở hữu tiền gửi ngân hàng tại Việt Nam được quy định như thế nào.

Trước hết, hợp đồng tiền gửi có thể được coi là “hợp đồng vay tài sản” liên quan tới tiền gửi. Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa hợp đồng vay tài sản là “sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Theo hợp đồng tiền gửi, ngân hàng sẽ nhận tiền gửi từ người gửi và hoàn trả tiền gốc. Điều 464 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu của tiền gửi kể từ thời điểm nhận tiền gửi từ người gửi. Và giống như trong một hợp đồng vay, người gửi sẽ sở hữu một quyền theo hợp đồng để yêu cầu một khoản tiền từ ngân hàng, ví dụ như rút toàn bộ hoặc một phần tiền gốc, tiền lãi khi đến hạn…

Chiếu theo những quy định trên, ngay sau khi cá nhân (hoặc pháp nhân) gửi tiền vào ngân hàng, số tiền gửi đã thuộc quyền sở hữu ngân hàng đó. Nếu muốn rút tiền, cá nhân (pháp nhân) phải thực hiện các quy định của ngân hàng. Do đó, việc cá nhân dùng vũ lực để cướp tiền của ngân hàng sẽ bị coi như hành vi cướp tài sản, tội danh và hình phạt quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Việc dùng vũ lực trong tội Cướp tài sản được hiểu là hành vi dùng sức mạnh vật chất tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản; hoặc bất kỳ người khác ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng; làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.

Cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức, tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực; đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực; hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được; bất kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự, người cướp tài sản có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nếu phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn gây nguy hiểm khác; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tái phạm nguy hiểm, sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thường cơ thể từ 31% đến 60%;, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; làm chết người, người thực hiện hành vi phải đối diện với mức phạt từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân.

Theo mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015, Tội Cướp tài sản được phân loại vào tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; theo đó, thời hạn điều tra với tội này là không quá 4 tháng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn điều tra như sau: Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 3 lần, mỗi lần không quá 4 tháng.

Hành vi dùng súng giả để cướp ngân hàng là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Với hành vi này, nếu áp dụng pháp luật Việt Nam, cô Sali Hafiz có thể bị phạt tù từ 03 đến 20 năm. Ngoài ra, cô này còn có thể bị phạt bổ sung như quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ánh Dương (Thực hiện)

Xem thêm: lmth.475375a-ouced-gnah-nagn-oav-gnox-aig-gnus-gnud-man-teiv-taul-iaogn-coun-na/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Dùng súng giả xông vào ngân hàng để...cướp tiền của chính mình”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools