Nuôi cá bè trên sông ở Long Sơn, Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Sau chuyến đi biển ngắn ngày, tàu giã cào BĐ 94514 của nhóm ngư dân huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) cập bến Thọ Quang (TP Đà Nẵng) ngày 6-10 với vỏn vẹn 700kg cá.
Ra khơi như chơi may rủi
Sau khi phân loại, thấy lượng cá vụn để làm thức ăn gia súc quá nhiều nên người mua trả tổng cộng 150 triệu đồng. "Tưởng lời nhưng ai dè trừ phí tổn xong lỗ hơn 10 triệu", ngư dân Hồ Văn Đá, chủ tàu, than thở. Từ đầu năm, giá dầu trong nước tăng phi mã, tàu của ông Đá phải nằm bờ vì ra khơi là cầm chắc lỗ trong tay. Do vậy khi giá dầu vừa giảm về mức chấp nhận được, ông Đá cùng anh em bạn thuyền vội vã ra khơi tràn trề hy vọng nhưng không ngờ vẫn lỗ.
Dù giá dầu đã hạ nhiệt nhưng tại cảng cá Thọ Quang vẫn có khá nhiều tàu nằm bờ. Nhiều ngư dân không đi biển, nợ nần chồng chất. Có chủ tàu bán tàu lấy tiền trả nợ, có người chấp nhận vay mượn thêm để ra biển hy vọng có ngày được "trời đãi".
Ngư dân Nguyễn Minh Huy (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) nói so với chục năm về trước, hiện nay ngư dân gặp quá nhiều khó khăn. Chưa nói đến thiên tai, chỉ riêng ngư trường cạn kiệt cộng với dịch COVID-19 và bão giá dầu thời gian qua đã khiến ba chủ tàu trong nhóm năm tàu trong đội đánh bắt của anh chấp nhận bỏ biển lên bờ.
"Từ 5 năm trước tôi đã dự báo là đóng tàu quá nhiều. Khai thác quá nhiều trong khi ngư trường ngày càng được kiểm soát chặt chẽ hơn, nguồn cá không kịp hồi phục thì kiểu gì sản lượng cũng đi xuống", anh Huy nói.
Ông Nguyễn Lại - phó trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang - nhận định giá dầu về lại mức cũ nhưng nhiều tàu vẫn đối mặt nguy cơ lỗ. "Giá cá không tăng nhiều, cộng thêm sản lượng đánh bắt thấp khiến thu nhập của ngư dân rất bấp bênh. Nhiều người không muốn ra khơi", ông Lại nói.
Theo ghi nhận, đa số các tàu chọn ra khơi trong năm nay hầu hết là tàu đi để đủ bốn chuyến trong năm với hy vọng chính sách hỗ trợ xăng dầu sẽ vớt vát phần nào việc thiếu hụt sản lượng đánh bắt.
Tàu cá nằm bờ, sang không ai mua
Xã Phước Tỉnh thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng được coi là xã giàu nhất nhì của cả nước nhờ nghề biển. Nhưng ngày nay, ngư dân đang phải đối mặt nhiều khó khăn. Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (xã Phước Tỉnh) trước đây từng có bốn cặp ghe nhưng nay chỉ còn hai cặp. Ông Mạnh ngao ngán: "Trước đây đi biển chừng 15 ngày, cùng lắm là một tháng thì ghe đầy cá. Nay đi hoài, đi hoài mà ghe không đầy cá".
Những ngư dân ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết trước đây chỉ cần nổ máy dong ghe ra biển vài hải lý là có cá. Nhưng giờ đây phải đi cả chục hải lý mới có. Với hai cặp ghe còn lại để bám víu lấy nghề nhưng ông Mạnh cho biết tàu cũng thường xuyên nằm bờ. Mấy tháng qua khi giá dầu "hò hò" giảm, ông cho một cặp ra biển, cặp còn lại vẫn đang nằm bờ.
Ông Phan Thạch - chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh - cho biết lượng ghe cá đánh bắt xa bờ của xã này giảm hằng năm. Tình trạng ngư dân của xã này lâm vào cảnh như ông Mạnh kể trên đã là "phổ biến". Theo tìm hiểu, vì nghề biển không còn khấm khá nên nhiều ngư dân Phước Tỉnh bấm bụng rao bán tàu cá.
"Một cặp ghe đóng ra cả chục tỉ đồng nhưng bây giờ bán 1,5 - 2 tỉ không có ai mua. Vì mua không biết để làm gì khi ngư trường đã trở nên khan hiếm", một ngư dân xót xa nói.
Tình trạng ngư trường cạn kiệt vì khai thác quá mức cũng xảy ra ở khu vực biển miền Tây, nơi nhiều ngư dân đã phải cho ghe nằm bờ cả năm qua.
Ông Trần Văn Phỉnh (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) nói gia đình có hai tàu cá, tuy nhiên hiện chỉ duy trì hoạt động một chiếc tàu nhỏ công suất 290CV, còn chiếc lớn công suất 830CV nằm bờ hơn một năm nay: "Tàu cá lúc này nằm bờ hàng loạt do giá nhiên liệu tăng quá cao, cũng có lúc tàu nằm bờ do đánh bắt không hiệu quả. Nhiều lúc tàu cá vào bờ, tiền bán cá không đủ chi phí tiền dầu, không có tiền chia cho bạn".
Tôi có ba tàu đánh bắt thủy hải sản. Làm nghề biển gần 60 năm nay, từ đánh bắt gần bờ đến xa bờ, nhưng chưa bao giờ nghề biển lại bấp bênh như gần đây.
Ông Nguyễn Tám (huyện Trần Đề, Sóc Trăng)
Cần hướng đi mới cho khai thác hải sản
Nhiều địa phương đã định hướng giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng. Tuy vậy, theo ông Đỗ Chí Sĩ - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, việc chuyển đổi cơ cấu nghề trong khai thác hải sản chưa có chuyển biến rõ rệt, các nghề xâm hại nguồn lợi thủy sản giảm chưa đáng kể, đặc biệt nghề lưới kéo, nghề te. Số lượng các đội tàu khai thác ven bờ vẫn không ngừng tăng lên, tự ý hoạt động trong khu vực cấm (ven bờ, vùng lộng) làm nguồn lợi hải sản càng suy giảm nghiêm trọng...
UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030. Tỉnh sẽ tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển theo hướng giảm dần số lượng tàu cá, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...
Ông Nguyễn Sỹ Minh - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang - cho hay địa phương này hiện sắp xếp lại đội tàu, giảm tàu khai thác; thành lập lại các khu tái tạo nguồn lợi thủy sản và tăng cường đi kiểm tra, xử lý ngư dân khai thác theo hướng tận diệt. Đặc biệt địa phương cần quản lý chặt, bảo tồn biển và phát triển thêm nuôi sinh vật biển như nuôi sò huyết, nghêu và nuôi cá bóp, cá mú, cá chim vây vàng... và nuôi tôm trên đất lúa, nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh.
Ở vùng lúa kém hiệu quả, địa phương sẽ khuyến khích bà con nuôi tôm kết hợp làm lúa. UBND tỉnh cũng có đề án phát triển nuôi cá lồng trên biển theo hướng bền vững hướng người dân nuôi ở khu vực biển xa.
"Thủ phạm" vẫn nhởn nhơ
Những lão ngư của vùng biển Phước Tỉnh, Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói rằng suy kiệt thủy sản tất cả đều do nghề đánh bắt giã cào đã cào bắt hết, hủy diệt cả trứng, ấu trùng, phù du của tôm cá. Theo tìm hiểu thì những tàu giã cào bay, cào gần bờ thường hoạt động vào ban đêm để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.
Trong khi đó lực lượng thanh tra kiểm tra mỏng, tàu lại nhỏ, công suất yếu nên không thể hoạt động vào những ngày sóng to, gió lớn. Số tàu của các nghề như lưới kéo, lồng xếp, đăng, đáy... nằm trong danh mục nghề cấm của Bộ NN&PTNT (theo thông tư số 19/2018) vẫn tồn tại với số lượng lớn.
Trên thực tế, mặc dù chính quyền và ngành nông nghiệp đã và đang triển khai nhiều biện pháp để chuyển đổi nghề giã cào sang nghề khác nhưng vẫn chưa có hiệu quả và còn nhiều vướng víu. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến tháng 8-2022, toàn tỉnh này có hơn 5.400 tàu cá, trong đó có đến 1.414 tàu hành nghề lưới kéo hay tàu giã cào (chiếm 26,1%), chỉ giảm 240 chiếc so với năm 2018.
Khai thác bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng
Gia đình ông Hà Khưu Đức Thành, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, cho cá tra ăn theo dạng tự nuôi - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Nguồn tài nguyên hải sản đánh bắt trên các vùng biển nước ta đang suy giảm, ngành nuôi trồng thủy sản tuy đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn còn không ít thách thức. Trong khi đó, chiếc "thẻ vàng" của Liên minh châu Âu vẫn chưa được gỡ bỏ khiến xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản mở diễn đàn "Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: Khai thác bền vững - Đẩy mạnh nuôi trồng" với sự đồng hành của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) và một số doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản.
Diễn đàn được khởi động từ hôm nay 10-10-2022, mục đích tạo cầu nối góp ý, phản biện của các cơ quan hữu quan, chuyên gia, doanh nghiệp, ngư dân đánh bắt và nuôi trồng.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Hội thảo "Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới" sẽ do báo Tuổi Trẻ phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức tại Trung tâm Văn hóa hội nghị tỉnh Sóc Trăng vào ngày 12-10-2022. (PHẠM KIM)
TTO - Sáng 10-9, 5 tấn cá giống với trên 20 loài đặc trưng, quý hiếm vùng Đồng bằng sông Cửu Long được thả trên sông Hậu đoạn tiếp giáp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, trong tổng số 60 triệu con giống được thả trên cả nước.