Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thăm khám và điều trị bệnh về tiêu hóa cho trẻ - Ảnh: THU HIẾN
Hợp lực để nhà vệ sinh không còn là nỗi ám ảnh trong trường học
Hiện nay, tình trạng táo bón của trẻ em và người lớn đang gia tăng rất đáng báo động, đặc biệt là ở các khu vực thành thị do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần người bệnh.
Trong đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc sợ nhà vệ sinh dơ, không kín đáo, không có nước rửa tay… khiến nhiều học sinh ngại đi vệ sinh dẫn đến bị táo bón!
"Nhà vệ sinh của trường cấp 1, 2, 3 là nỗi ám ảnh lớn nhất trong cuộc đời đi học của tôi. Những năm đó, tôi thường vệ sinh cá nhân trước khi đến trường hoặc sau khi rời trường về nhà" - bạn đọc H.T. nhớ lại.
Còn theo bạn đọc Phương thì điều đáng buồn là xã hội thay đổi phát triển nhiều thứ, nhưng không hiểu sao chỉ có nhà vệ sinh trong trường học là không chịu thay đổi.
Bạn đọc này viết: "Quá đúng luôn, mấy chục năm rồi vẫn vậy, nhà vệ sinh trường học vẫn là nỗi ám ảnh của phần lớn học sinh!".
Muốn làm được điều gì trước tiên phải có sức khỏe. Không đi vệ sinh được thì tâm trí đâu mà học!
Theo bạn đọc Mỹ Toàn: "Thế hệ người lớn chúng ta hiện nay đều biết rất rõ và đều ám ảnh cái nhà vệ sinh trường học. Bây giờ chúng ta đã thoát khỏi cái nhà vệ sinh đó nhưng chúng ta cũng không làm gì, lại để thế hệ con cháu chúng ta tiếp tục trải nghiệm chúng trong suốt cuộc đời học sinh của chúng như chúng ta đã từng!".
"Không lẽ thế hệ chúng ta cũng bất lực với cái nhà vệ sinh trường học cho các thế hệ con cháu tiếp theo?" - bạn đọc này đặt vấn đề.
Đồng ý với cách đặt vấn đề này, bạn đọc Huy Tuệ viết: "Chỉ có người lớn chúng ta làm được. Do đó, hãy dạy con mình là phải đi. Hãy tập cho con mình đi được. Hãy hợp lực giữ gìn vệ sinh chúng trước và sau khi dùng để mọi người luôn thấy sạch sẽ".
Về giải pháp, bạn đọc Nhật Quang viết: "Trường học nào để xảy ra tình trạng nhà vệ sinh bẩn, không an toàn, hãy cứ để thầy cô giáo, đặc biệt là ban giám hiệu sử dụng cùng nhà vệ sinh với các em. Có như vậy, người lớn mới chia sẻ và quan tâm đến những chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ này. Cuộc đời học sinh nhiều hoài bão, đừng để việc tiểu tiện là nỗi ám ảnh của các em".
Sụp 'ổ gà' làm hư xe: Có thu thì phải có bồi thường!
Nhiều người đi đường bị thiệt hại do sụp "ổ gà, ổ voi" phần lớn bị xem như tai nạn mà không nghĩ đến việc đòi bồi thường.
Tuy nhiên, Luật giao thông đường bộ 2008, nghị định số 32/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc quy định trách nhiệm quản lý hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải; hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm... Vẫn có địa chỉ để khiếu nại, bồi thường.
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), đơn vị được giao tổ chức khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc được xác định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi thông qua hợp đồng với cơ quan quản lý đường cao tốc hoặc với nhà đầu tư đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư.
Các cơ quan, tổ chức này có trách nhiệm đảm bảo vận hành, quản lý, bảo dưỡng, duy tu thanh tra, giám sát thường xuyên; kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố khi công trình bị hư hỏng, sụt lún, xuất hiện "ổ voi, ổ gà", gây khó khăn, cản trở cho các phương tiện tham gia giao thông.
Luật sư Mạch cho rằng trường hợp không sửa chữa, không khắc phục kịp thời, không thực hiện các biện pháp cảnh báo an toàn nếu để xảy ra hậu quả như hư hỏng tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tham gia giao thông... thì các cơ quan, tổ chức này có trách nhiệm chính và phải liên đới với nhau để bồi thường các thiệt hại phát sinh.
Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả gây ra, các chủ thể này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ủng hộ ý kiến này, bạn đọc tên Ban viết: "Tôi đang chờ bài viết này. Hằng tháng các xe đều đóng phí bảo trì đường bộ. Vậy các tuyến đường xuất hiện các "ổ voi, ổ gà" làm hư xe, gây tai nạn. Vậy ai bồi thường? Do đó, tôi rất hoan nghênh cách đặt vấn đề này của báo Tuổi Trẻ".
Đã đến lúc không thể đổ thừa hoàn cảnh, nhiều bạn đọc cho rằng chỉ khi việc bồi thường được thực thi một cách sòng phẳng, minh bạch thì mới khiến các nhà quản lý chú trọng chất lượng công trình.
Về ý này, bạn đọc Huy viết: "Tôi cũng đã từng bị sụp "ổ gà" và phải thay lốp xe (khi chỉ mới sử dụng được hơn 2.000km) trên đại lộ Nguyễn Tất Thành từ Nha Trang đi sân bay Cam Ranh nhưng không biết kêu ai, đành tự bỏ tiền túi ra thôi".
Và theo bạn đọc này: "Chỉ khi việc bồi thường được thực thi một cách sòng phẳng, minh bạch thì mới khiến các nhà quản lý chú trọng chất lượng công trình khi xây dựng và khi bảo dưỡng định kỳ".
Đoàn Thị Thu không muốn từ bỏ ước mơ trở thành bác sĩ - Ảnh: VŨ TUẤN
Khâm phục nghị lực, ý chí của nữ bác sĩ tương lai
"Cố gắng lên em nhé, không có thành công nào không đánh đổi bằng khó khăn và nỗ lực vươn lên. Chúc em sẽ đạt được tất cả những điều em mong ước. Mạnh mẽ lên cô gái".
Ý kiến bạn đọc Vy
Đoàn Thị Thu là học sinh giỏi 12 năm liên tiếp. Trong 3 năm học THPT, Thu là thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh học của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang.
Bạn liên tục đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh học và từng giành học bổng từ Quỹ học bổng Odon Vallet (Pháp) năm 2020; học bổng tiếng Anh Access do Đại sứ quán Hoa Kỳ trao năm 2022.
Trong kỳ thi THPT vừa qua, Thu đạt 28,1 điểm, trúng tuyển Trường đại học Y Dược Thái Bình.
Ngày nhập trường đã cận kề, cô tân sinh viên nhờ bạn bè, anh chị tìm việc làm ở thành phố Thái Bình trước để có thể vừa học, vừa làm. Thu biết chặng đường phía trước còn rất khó khăn nhưng em không chùn bước, không bỏ dở ước mơ.
Xúc động với nỗ lực vượt khó của bạn trẻ này, bạn đọc Phan Bằng Dao viết: "Trời ạ! Đọc câu "Chẳng may mà cháu đỗ thật..." muốn rớt nước mắt!".
Xem như người thân của mình, bạn đọc Thiên Minh đưa ra lời khuyên chí tình: "Em nên theo học bác sĩ răng hàm mặt, với sự chịu khó chăm chỉ của em thì có thể làm phòng khám ngay từ khi còn là sinh viên để có thể nhanh chóng kiếm được tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu theo học bác sĩ đa khoa thì con đường sẽ dài hơn, gian nan hơn, tốn kém hơn rất nhiều, em sẽ phải chịu mức lương bệnh viện công rất thấp, thậm chí không đủ sống".
Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường
Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.
Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.
Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.
Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, ba lô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên...
Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.
Tân sinh viên cần giúp đỡ, hoặc người giới thiệu vui lòng cung cấp thông tin KHUNG BÊN DƯỚI.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Hãy đăng ký ngay với Tuổi Trẻ
Các bạn tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu biết về hoàn cảnh tân sinh viên hãy truy cập https://tiepsuc.tuoitre.vn để đăng ký hồ sơ học bổng Tiếp sức đến trường .
Báo Tuổi Trẻ đang phối hợp với 63 tỉnh thành đoàn cả nước dự kiến trao 1.000 suất học bổng (trị giá hơn 15 tỉ đồng) hoặc có thể nhiều hơn cho tân sinh viên khó khăn, mỗi suất 15 triệu đồng.
Từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ, đến nay đã có 22.370 tân sinh viên được "tiếp sức" để không dang dở ước mơ giảng đường với số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ vấn đề gì? Bạn có suy nghĩ gì với ý kiến: chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại cho xe cộ khi mặt đường có "ổ gà, ổ voi"? Theo bạn, cần làm gì để nhà vệ sinh trong trường học không còn là nỗi ám ảnh của học sinh?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi ý kiến ở KHUNG BÊN DƯỚI.
TTO - Nhiều người đi đường bị thiệt hại do sụp "ổ gà, ổ voi" phần lớn bị xem như tai nạn mà không nghĩ đến việc đòi bồi thường.