Góp ý cho hai phương án cải tiến cơ cấu biểu giá điện mới do Bộ Công Thương vừa đề xuất, các chuyên gia cho rằng cả hai phương án đều đơn giản, dễ hiểu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần nêu sự cần thiết trong việc bắt buộc phải cải tiến biểu giá bán lẻ điện, các nguyên tắc xây dựng biểu giá này.
Phân tích cách tính giá điện theo đề xuất mới
Với phương án năm bậc: Bậc 1 từ 0 đến 100 kWh đầu tiên sẽ có giá mới là 1.678 đồng, trong khi hiện hành lại chia làm hai mức giá khác nhau với 50 kWh đầu giá 1.678 đồng, 50 kWh còn lại giá 1.734 đồng. Ở bậc 2, 101-200 kWh, giá không đổi, vẫn ở mức 2.014 đồng. Bậc 3 từ 201đến 400 kWh có giá mới 2.536 đồng. Bậc 4 từ 401 đến 700 kWh có giá mới 3.020 đồng, giá hiện hành là 2.927 đồng. Bậc 5 từ 701 kWh trở lên có giá mới là 3.356 đồng, giá hiện hành là 2.927 đồng/kWh.
Hai phương án Bộ Công Thương đưa ra lấy kiến là thay đổi theo hướng rút gọn từ sáu bậc xuống còn năm bậc và bốn bậc. Ảnh: A.HIỀN |
Với phương án bốn bậc, bậc 1 từ 0 đến 100 kWh có giá điện mới tương tự như phương án năm bậc là 1.678 đồng. Bậc 2 có thay đổi, tính từ 101 đến 300 kwh có mức giá mới 2.163 đồng. Bậc 3 từ 301 đến 700 kWh có mức giá mới 2.927 đồng. Bậc 4 từ 701 kWh trở lên có giá mới 3.076 đồng, trong khi giá hiện hành là 2.927 đồng/kWh.
Ví dụ, một gia đình nếu mỗi tháng dùng hết 100 kWh điện, thì số tiền điện hằng tháng phải trả hiện nay là 170.600 đồng (chưa VAT) nhưng với phương án năm bậc hay bốn bậc mà Bộ Công Thương đang đề xuất, số tiền điện phải trả giảm gần 3.000 đồng/tháng.
Nếu dùng quanh mức 200 kWh/tháng thì số tiền điện một hộ phải trả hiện nay là 372.000 đồng (chưa VAT) nhưng với đề xuất bốn bậc thì tiền điện phải trả tăng thêm khoảng 12.000 đồng, với phương án năm bậc lại giảm gần 3.000 đồng.
Nếu dùng khoảng 350 kWh điện thì một tháng người dân phải trả 767.300 đồng (chưa VAT), nếu tính toán theo phương án đề xuất năm bậc thì số tiền điện giảm 14.900 đồng; với phương án bốn bậc thì số tiền điện giảm khoảng 17.000 đồng.
Với những hộ gia đình dùng khoảng 750 kWh điện mỗi tháng phải trả hiện nay là 1.933.450 đồng (chưa VAT) nhưng tính toán theo đề xuất năm bậc thì số tiền điện phải trả tăng thêm hơn 580.000 đồng, còn theo phương án bốn bậc thì tăng thêm hơn 370.000 đồng.
Như vậy, với những mức sử dụng điện như tính toán ở trên cho thấy phương án biểu giá điện mới đang đưa ra lấy ý kiến đã giúp số hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình có mức sử dụng điện dưới 700 kWh (với 98% số hộ) giảm. Ngược lại, những hộ sử dụng trên 700 kWh (chiếm khoảng 2% số hộ) thì số tiền điện phải trả sẽ tăng.
Chuyên gia cho rằng Bộ Công Thương cần phải nêu được sự cần thiết trong việc bắt buộc phải cải tiến biểu giá bán lẻ điện, các nguyên tắc xây dựng biểu giá điện.
Mỗi phương án có tác động khác nhau
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia đều đánh giá hai phương án mà Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đều có điểm mới là sắp xếp lại các bậc thang trong biểu giá theo hướng rút gọn lại từ sáu bậc xuống còn năm bậc và bốn bậc. Các phương án đề xuất đều đơn giản, dễ hiểu hơn biểu giá điện hiện hành.
GS-VS-TSKH Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam, nêu ý kiến: “Theo thống kê, phần lớn hộ gia đình nằm trong dải tiêu thụ điện 300 kWh mỗi tháng. Nếu áp dụng phương án năm bậc thì đa số người dùng điện sẽ không có nhiều thay đổi. Chỉ những hộ dùng nhiều điện, từ 400 đến 700 kWh và 700 kWh điện trở lên thì mới chịu tăng giá. Phương án năm bậc có tác dụng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả tốt hơn phương án bốn bậc” - ông Long cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, đánh giá đối với hai phương án mà Bộ Công Thương đưa ra thì mỗi phương án có những tác động khác nhau đối với người tiêu dùng điện.
So sánh hai phương án thì phương án năm bậc không tác động (giữ nguyên hoặc giảm) đối với đại bộ phận người dùng điện trong xã hội. Chỉ có số ít người dùng điện nhiều là bị tác động. Còn phương án bốn bậc có số hộ dùng điện bị tác động nhiều hơn phương án năm bậc thang.
Tuy nhiên, góp ý cho việc điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, ông Thỏa cho rằng Bộ Công Thương cần phải nêu được sự cần thiết trong việc bắt buộc phải cải tiến biểu giá bán lẻ điện, các nguyên tắc xây dựng biểu giá (nguyên tắc rút ngắn bậc, nguyên tắc sắp xếp lại bậc thang, nguyên tắc thúc đẩy thực hiện tiết kiệm điện, nguyên tắc xử lý mối quan hệ giữa chi phí và giá của mỗi bậc thang…).
Bộ Công Thương cần công khai tỉ trọng tiêu thụ điện của các bậc thang qua các năm của cả hai phương án trên. Đặc biệt phải làm rõ mục tiêu cải tiến biểu giá điện là không làm tăng giá bán điện bình quân hiện hành.
Chủ tịch Hội Thẩm đinh giá Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát thêm để sắp xếp các bước nhảy về giá của các bậc hợp lý hơn theo hướng người dùng càng nhiều thì bước nhảy phải lớn hơn người dùng ít, người dùng ở mức trung bình. Đặc biệt, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án để góp ý nhưng bộ phải khẳng định chọn phương án nào, vì sao?•
Bộ Công Thương nhận xét về phương án một bậc thang
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn và của Bộ Công Thương thì phương án đồng giá (một bậc thang) không áp dụng được trên thực tế nhìn từ các mục tiêu định giá như chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Điện lực, chính sách giá điện là “Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và có hiệu quả”, việc áp dụng phương án giá sinh hoạt đồng giá cũng không phù hợp với thực tiễn cũng như với quy định nêu trên của Luật Điện lực.
Do đó, Bộ Công Thương thống nhất với kiến nghị của tư vấn là không xem xét phương án giá sinh hoạt đồng giá trong các phân tích lựa chọn biểu giá bán lẻ điện.