vĐồng tin tức tài chính 365

Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi

2022-10-11 08:09

12 năm trước, ngày 24-11-2010, tại Hôtel Drouot (Paris), nhà đấu giá nghệ thuật Millon & Associes đã đưa bức tranh sơn dầu Chiều tà của vua Hàm Nghi ra đấu giá.

Cuộc đấu giá để lại nhiều nuối tiếc khi những người đại diện cho tỉnh Thừa Thiên Huế không thể mua được bức tranh bởi có một người đã trả giá thành công qua điện thoại để sở hữu bức tranh với giá 8.800 euro.

Người đấu giá thành công bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi là ai? 12 năm sau, chúng tôi đã tìm và kết nối được với ông.

Ông là bác sĩ Gérard Chapuis - một người Pháp gốc Việt hiện sống tại Marseille (Pháp), người đang sở hữu khá nhiều tài sản văn hóa Huế mà đặc biệt là nhiều bức tranh quý của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng...

Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi  - Ảnh 1.

Vua Hàm Nghi (1935) và các tác phẩm điêu khắc tại biệt thự Gia Long El Biar. Ảnh tư liệu của hậu duệ do Nguyễn Ngọc Giao công bố.

* Ông chuẩn bị ra một cuốn sách về vua Hàm Nghi? Ông đã nghiên cứu, chuẩn bị tư liệu như thế nào?

- Ngày 26-8-2022, tại Bảo tàng Nghệ thuật Á Châu tỉnh Nice, tôi đã ký hợp đồng in sách và bàn giao bản thảo sách có tựa đề Hàm Nghi, Hồi ức con đường El-Biar cho ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, khi cuộc triển lãm "Nghệ thuật Lưu đày - Hàm Nghi, Hoàng tử xứ Trung Kỳ (1871-1944)" ở Pháp chuẩn bị bế mạc.

Tôi quyết tâm viết sách này bằng tiếng Việt, vì lịch sử Việt phải thuộc quyền sở hữu trước nhất cho người Việt.

Vua Hàm Nghi không chỉ là một nhân vật đứng lẻ loi giữa trời và đất, tôi đi tìm và mong giải mã không gian sống của Hàm Nghi ở thời đại đó qua các thông tin rải rác trong các tư liệu, sách, báo xưa để thấy bao toan tính của nước Pháp thời đó và sự cách biệt giai cấp và trình độ giữa hai nước - một nước Pháp thực dân xa hoa và mảnh đất Đông Dương bấp bênh trong biển lửa.

Tôi đã đến viếng mộ phần của vua Hàm Nghi ở lâu đài Losse, tìm sự động viên để hoàn thành cuốn sách. Tôi sẽ đi đến Nimes và Vichy (Pháp), sẽ tới Alger...

Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi  - Ảnh 2.

* Điều gì khiến ông quan tâm tới vua Hàm Nghi nhiều như vậy?

- Tôi qua Pháp định cư năm 16 tuổi theo diện hồi hương. Như những người Việt trẻ khác, tôi mong sống hòa nhập với đất nước Pháp và bắt đầu sưu tập nghiêm túc về đồ cổ bưu phẩm, như các thư từ được vận chuyển bằng balloons montés (một dạng khinh khí cầu) hay quả bóng đựng thư (Boules de Moulins).

Tôi đã luôn phải đối đầu với các đại gia hàng đầu tại Pháp có truyền thống sưu tập văn hóa Pháp một cách bài bản. Vì thế, "miệng còn hôi sữa", không tiền cũng chẳng có tài, bất đắc dĩ, "chỉ số thông minh trong nghịch cảnh" đẩy đưa tôi trở thành một nhà sưu tập bưu phẩm cổ Việt Nam, sau này có thâm niên cao trong giới, như một thời nào đó chưa xa, trong chiến tranh, dân ta phải đánh du kích chống lại các cường quốc để trường tồn.

Qua thời gian, tôi mới nắm bắt được từ "Văn hóa Việt", hiểu sâu xa và biết trân quý từ ngữ đó. Nói điều này là bởi tôi từng mua được sáu tấm bưu ảnh về đám cưới vua Hàm Nghi tại Alger nhưng vẫn không hiểu thời đó vì sao và tại sao lại có đám cưới của một vị vua ngoài lãnh thổ đất Việt.

Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi  - Ảnh 3.
Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi  - Ảnh 4.

* Vậy ông biết cuộc đấu giá có tác phẩm Chiều tà là từ đâu?

- Millon & Associés là nhà đấu giá ở Pháp. Ngày 24-11-2010, họ đưa tác phẩm Chiều tà của vua Hàm Nghi ra trong cuộc đấu giá có tên "Nghệ thuật hiện đại và đương đại".

Lúc đó, tôi mới ở Việt Nam sau khi dự lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long tại Hà Nội trở về Marseille, đọc được tin từ Đặng Tiến - nhà phê bình văn học Việt Nam - cho biết có cuộc đấu giá tranh của vua Hàm Nghi lần đầu tiên trên thị trường mỹ thuật Pháp.

Lòng tôi lúc ấy buồn nhiều hơn vui vì tiền đã cạn túi. Đặng Tiến không chỉ gửi thông tin cho tôi mà còn cho nhiều người Việt sống tại Pháp. Tôi đã phải tìm đồng minh nơi người bạn đồng nghiệp - bác sĩ đa khoa Robert Serradimigni.

Ông ấy hứa chung phân nửa tiền nếu mua được lô 41 Hàm Nghi. Lời hứa ấy đã trút bớt gánh nặng trên hai bả vai gầy của tôi.

Người chủ trì phiên bán đấu giá buột miệng thốt lên "Giá đạt khá đỉnh". Giới người Việt không chuyên đồn thổi rằng người mua qua điện thoại chắc phải là một đại gia nào đó... Thực tế không đẹp như mơ, tôi vất vả mới tìm được kinh phí. Chị gái tôi đã chung nửa số tiền mua bức tranh này.

Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi  - Ảnh 5.

Bác sĩ đa khoa Robert Serradimigni sau khi được tôi cho biết gia đình đã có đủ khả năng trả phí mua đã tự nguyện rút lui và nói rằng "đó là văn hóa Việt, tôi xin bạn nhận nơi đây lòng tri ân thành kính và chân thành".

* Đã có rất nhiều nuối tiếc khi đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế không đấu giá thành công bức Chiều tà. Tại sao ông nghĩ mình phải đấu giá bằng được tác phẩm đó?

- Tôi đã biết vua Hàm Nghi có đám cưới tại Alger qua bưu ảnh. Từ những năm 1990, tôi đã mạnh tay mua, kiểu "mua mão" (mua hết) bưu phẩm về Đông Dương, bưu phẩm bưu thiếp Bắc - Nam/Nam - Bắc, thư từ Công binh Đông Dương trên đất Pháp, bưu phẩm tù binh Côn Đảo, về Việt Nam và Quốc trưởng Bảo Đại, về chế độ Việt Nam Cộng hòa, thư từ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, về Việt Nam thống nhất sau năm 1975, thư từ trại học tập cải tạo, thư từ các trại tị nạn người Việt tại châu Á và về chiến tranh biên giới Việt - Trung... Nói chung là tất cả những gì có liên quan đến lịch sử Việt Nam.

Tôi bắt đầu gắn bó với mỹ thuật Việt vào những năm 2000, khi không còn gì để khai thác trên mảnh đất màu mỡ bưu hoa của quá khứ. Từng ấy chủ đề sưu tập đã hình thành cho tôi bản năng của người chuyên đi săn không ngại va chạm.

Khi bức Chiều tà của vua Hàm Nghi được công bố bán lần đầu tiên trên thị trường đấu giá Pháp nhân dịp 140 năm ngày sinh của nhà vua, với tôi là một sự tình cờ thiên định, lò xo dồn nén sẵn sàng đá tổ kiến, đập tổ ong.

Bức tranh không chỉ trở thành một chiến lợi phẩm như trong bao cuộc đấu giá khác mà có lực hút tiềm năng cho một truyền thuyết hay huyền thoại tương lai.


Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi  - Ảnh 6.

* Ông có thể kể chi tiết về cuộc đấu giá đó?

- Vào năm 2010, tôi không có đối thủ vì chỉ có vài nhà sưu tập có tên tuổi đến từ miền Bắc Việt Nam vốn chưa có tư duy mua bán đấu giá nhiều. Mua bán tác phẩm nghệ thuật vẫn chỉ nằm trong ranh giới Việt Nam và vài nước lân cận.

Tôi dám khẳng định rằng thời đó chưa hình thành một bộ phận các nhà sưu tập có tư duy, khả năng thao tác tốt và cả tiền bạc trên thương trường ngoại lai để mang nghệ phẩm từ nước ngoài trở về Việt Nam.

May thay cho bản thân tôi, vì đồng hương người Việt hải ngoại lúc ấy chưa phải là những người sưu tập thực thụ nên thiếu kinh nghiệm "tác chiến" khi đấu giá. Hiện tại, các nhà sưu tập Việt đã trưởng thành hơn, đa số họ còn trẻ. Bức tranh Déclin du jour/Chiều tà được bán ở mức 8.800 euro (giá gõ búa), giá có phí là hơn 11.000 euro - một số tiền khá lớn vào thời đó.

Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi  - Ảnh 7.

Phong cảnh El Biar-Algeria 1891

* Cảm xúc khi sở hữu bức tranh đó của ông?

- Tôi thấy tiếc vì nhiều đại gia không muốn bỏ tiền mua những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, có cột mốc lịch sử mỹ thuật Việt Nam mà lại sẵn sàng dành tiền để mua giày cao gót hay túi LV (tương đương giá của những tác phẩm hội họa) cho sugar baby.

* Điều đặc biệt mà ông muốn nhấn mạnh qua những gì đã nghiên cứu về nhà vua Hàm Nghi là gì?

- Mảnh áo dài và chiếc khăn đóng của vua Hàm Nghi nói lên tình yêu đặc biệt của ông dành cho đất Việt.

* Theo ông, các tác phẩm của vua Hàm Nghi trên các sàn đấu giá quốc tế có nhiều không, các tác phẩm đó thường có nguồn gốc từ đâu?

- Từ 2010 đến 2022 chỉ có năm bức tranh của vua Hàm Nghi được bán ra thị trường, nghĩa là cứ 30 tháng mới có một bức tranh của vua Hàm Nghi được tổ chức đấu giá, như vậy là hiếm.

Tranh đến từ nhiều nguồn: từ những người Pháp đã được nhận như một tặng phẩm, từ gia đình công chứng viên mà công chúa Như Lý đã thân tặng.

* Ông sẽ tiếp tục mua tác phẩm của vua Hàm Nghi nếu còn đấu giá?

- Tôi có được bức tranh thứ hai trong bộ sưu tập cá nhân, mua từ nhà đấu giá Kâ-Mondo vào ngày 26-11-2021, giá ước lượng từ 1.500 - 2.000 euro, giá gõ búa 30.000 euro (chưa tính phí và lãi mượn nóng tương đương 50.000 euro)...

Có khả năng đây không phải là bức tranh đầu tiên nhà vua vẽ, dẫu có sự trân quý tác phẩm này được thể hiện qua cách họa sĩ trau chuốt, ghi ngày vẽ xong "9 11 91" ở góc trái bên dưới tranh. Có lẽ tranh được hoàn thành sau hai năm nhà vua học vẽ.

Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi  - Ảnh 8.

Ta biết chính xác ngày vua Hàm Nghi bắt đầu học vẽ qua báo cáo của người thông ngôn Trần Bình Thanh viết từ ngày 10-12-1889 đến ngày 15-10-1891 đệ lên cho ông Louis Tirman, tổng thống đốc của Algérie.

Nguyên văn lời báo cáo như sau: "Đại úy de Vialar nhận thấy rằng Hoàng thân có khiếu vẽ gần như bẩm sinh (Mùa đông năm nay khi thời tiết xấu, Hoàng tử đã vẽ để giải sầu và những bức vẽ của ngài dù không biết luật phối cảnh vẫn không thiếu sự khéo léo hoặc kỹ năng).

Hôm nay đến gặp ngài, đại úy có dẫn theo một người bạn ông Reynaud, họa sĩ, để giới thiệu với ngài và cũng nói rằng nếu ngài muốn ông Reynaud sẽ vui lòng chấp nhận trở thành họa sư.

Hoàng tử nhận lời đề nghị tuyệt vời tức khắc không đắn đo và quyết định được đưa ra là ông Reynaud sẽ dạy hai buổi học mỗi tuần vào ngày thứ ba và thứ sáu. Khi đến, họa sư có mang theo hộp màu, giá vẽ và tất cả các phụ kiện cần thiết cho bộ môn học và Hoàng tử tiến bộ rất nhanh thấy rõ từng ngày".

Ông Marius Gustave Reynaud chính thức trở thành ngự họa sư vào tháng 11 - 1889 và những ngày đầu vua Hàm Nghi tập vẽ phong cảnh xung quanh biệt thự Tùng Hiên.

Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi  - Ảnh 9.

* Một sự cảm mến đặc biệt của ông với vua Hàm Nghi mà ông có thể chia sẻ?

- Vì thời cuộc, nhà vua chưa có trình độ trí thức uyên thâm khi rời khỏi đất Đại Việt, nhưng với thời gian, ý chí bất khuất và sự tôi luyện trong nghịch cảnh, ông trở thành uyên bác trong các lĩnh vực mà ông hướng đến. Đó là điều tôi ngưỡng mộ ông.

* Khi nào ông sẽ đưa tranh về Việt Nam để người Việt có thể thưởng lãm sự tài hoa đầy tâm sự của vua Hàm Nghi?

- Thường thì tôi sẽ trả lời là khi nào sách in xong, trong buổi ra mắt sách, tôi sẽ đưa tranh từ Pháp về. Nhưng cũng có thể như này:

Thân tranh như tấm lụa đào/ Phất phơ trước gió biết vào tay ai/Chuyện buồn tôi kể người nghe/Chuyện vui chia sẻ có người hiểu chăng? Rằng là tranh của ông vua/Vua kia đày ải xa xôi nước nhà/Cuộc đời như thể Nam Kha/Buồn vui san sẻ với màu và tranh/Tranh kia giao lại gian trần/Thế gian không hiểu tranh vào tay ai/Châu về hợp phố hay không?/ Đặt chi câu hỏi không câu trả lời/Tranh này số phận lưu vong?/Long đong như chủ chôn thân xứ người/Nhớ rằng văn hóa phải lường/Đo cho đúng thước, tranh về quê hương!

Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi  - Ảnh 10.
CODET HANOI
NGỌC THÀNH

Xem thêm: mth.57624650203902202-ihgn-mah-auv-auc-at-ueihc-hnart-cub-uuh-os-iougn-nav-gnohp/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phỏng vấn người sở hữu bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools