vĐồng tin tức tài chính 365

Hợp sức giải quyết nguồn cung xăng dầu

2022-10-11 09:03

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết TP HCM có 15 doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tính đến chiều 10-10, có 121/550 cửa hàng không còn xăng, tập trung ở các quận, huyện như Bình Chánh (8 cửa hàng), Bình Tân (15 cửa hàng), TP Thủ Đức (21 cửa hàng)…

Vẫn bán nhỏ giọt

Các cửa hàng này có đăng ký mua xăng nhưng đơn vị cung cấp thiếu hoặc không còn xăng để giao. Những cửa hàng còn xăng vẫn hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu của người dân, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết.

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết đã yêu cầu các đội quản lý thị trường tiếp tục tăng cường giám sát, nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Trường hợp phát hiện các dấu hiệu vi phạm như ngưng kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt thì phải kịp thời làm việc ngay để xác định rõ nguyên nhân. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì làm rõ và xử lý theo quy định.

Trao đổi với báo chí chiều 10-10, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay hiện trên địa bàn thành phố có 3 cửa hàng đăng ký tạm dừng kinh doanh với lý do sửa chữa, thanh lý hợp đồng. Các cửa hàng còn lại không đóng cửa nhưng bán nhỏ giọt, thiếu xăng. Nguyên nhân chính là do cửa hàng đặt hàng nhưng nhà cung cấp thiếu hoặc vào giờ cao điểm nhu cầu tăng cao trong khi các xe vận chuyển cung ứng xăng không kịp, các cửa hàng hết xăng tạm thời là hoàn toàn khách quan.

Hợp sức giải quyết nguồn cung xăng dầu - Ảnh 1.

Người dân chờ đổ xăng tại một cây xăng ở quận 3, TP HCM chiều tối 10-10. Ảnh: DUY PHÚ

Ông Nguyễn Nguyên Phương cũng cho biết trên địa bàn thành phố hiện có 58 cửa hàng tạm đóng cửa, ngưng hoạt động nhưng chủ yếu là những DN nhỏ lẻ. Các DN lớn có chuỗi cửa hàng, có hệ thống trữ hàng tốt thì vẫn bảo đảm nguồn cung.

Cũng theo ông Phương, vấn đề hiện nay là cơ quan quản lý phải hỗ trợ cung ứng xăng dầu kịp thời trước tình trạng một số cửa hàng nhỏ lẻ tạm ngưng bán, người dân đổ xô đến cây xăng gần đó mua hàng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP HCM ngày 10-10 vẫn còn căng thẳng. 80 xe bồn chở xăng cung ứng cho thị trường TP HCM vào đêm 9-10 vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân. Lượng người tập trung đổ xăng dầu ở các cửa hàng nhiên liệu vẫn đông nghịt từ sáng đến chiều; đời sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng sâu sắc. Tại một số địa phương lân cận TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Tăng chi phí định mức cho doanh nghiệp

Để giảm bớt tình hình căng thẳng xăng dầu trên địa bàn, chiều 10-10, Sở Công Thương TP HCM có văn bản đề xuất Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố xem xét phương án tạm thời hỗ trợ phân luồng và tạo điều kiện để phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông vào giờ cao điểm, tức khung giờ 9-16 giờ và 18-22 giờ, trong giai đoạn từ ngày 11-10 đến 1-11.

Cùng ngày, UBND TP HCM có báo cáo và kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Theo đó, kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.

UBND TP HCM cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, đơn vị liên quan quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của DN kinh doanh xăng dầu; cần xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các DN kinh doanh xăng dầu.

Trả lời báo chí về tình trạng khan hiếm xăng dầu đang diễn ra ở một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo nghị định của Chính phủ giao thì cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương. Công tác quản lý DN đầu mối, DN phân phối và DN bán lẻ cũng thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương, do đó việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu, bảo đảm các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị DN xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các DN. Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế, phí đối với xăng dầu.

Liên quan trách nhiệm của Bộ Tài chính, thứ nhất, về thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu từ 20% còn 10%, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao thì tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt (với xăng) và giảm 50% thuế GTGT.

Thứ hai, về chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu, hiện nay quy định đối với 1 lít xăng, chẳng hạn như RON 92 là 970 đồng; sau khi có đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, DN và thống nhất tăng thêm 350 đồng. Như vậy, 1 lít xăng RON 92 chi phí định mức hiện là 1.320 đồng.

"Bộ Tài chính luôn ủng hộ làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, đặc biệt là DN phân phối và bán lẻ để bảo đảm nguồn xăng dầu phục vụ người dân, bảo đảm giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân" - ông Hồ Đức Phớc khẳng định. 

Bộ Công Thương khẳng định: "Cơ bản đáp ứng đủ..."

Tối 10-10, Bộ Công Thương đã thông tin về thị trường xăng dầu và một số giải pháp bảo đảm nguồn cung mặt hàng này.

Theo Bộ Công Thương, những ngày gần đây có hiện tượng một số DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành như TP HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng phổ biến bởi chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của DN mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của đại lý bán lẻ, dẫn đến đơn vị bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các DN, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các DN tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của DN; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Bộ Công Thương khẳng định đã phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung - cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các DN duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ, găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu sang các nước lân cận. Cùng với đó, đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.

Hiện nay, mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối bị gián đoạn hoạt động kinh doanh thời gian vừa qua nhưng tồn kho xăng dầu của các DN vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, đồng thời nguồn cung xăng dầu của các DN vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước. "Qua trao đổi, các DN cam kết đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình" - Bộ Công Thương cho hay.

Xem thêm: mth.64714112201012202-uad-gnax-gnuc-nougn-teyuq-iaig-cus-poh/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hợp sức giải quyết nguồn cung xăng dầu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools