vĐồng tin tức tài chính 365

Người trẻ xài tiền - Kỳ cuối: Người trẻ nên tiêu dùng thông minh, đầu tư vừa sức

2022-10-11 10:35
"Xã hội xung quanh các bạn là xã hội tiêu dùng. Cái gì cũng được mời gọi, đặc biệt trong các mối quan hệ xã hội khiến cho nhiều bạn trẻ có nhu cầu mua sắm, tiêu dùng để tồn tại, lấp đầy khoảng trống, hoặc chứng tỏ bản thân với người khác.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc

Mong manh cán cân chi tiêu

Nhiều bạn trẻ mong muốn có nhiều tiền trong khi năng lực kiếm tiền còn hạn chế lại chi tiêu quá đà đã khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn. Khi đó, nếu không biết cách quản lý tài chính, chuyện rỗng túi là điều khó tránh khỏi.

"Một bộ phận lao động trẻ hiện nay làm việc trong các doanh nghiệp được trả lương theo chuẩn khu vực, cộng thêm nhiều chi phí khác thì chỉ có số ít người làm việc lương cao. Điều này dẫn đến nhiều người luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau", PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life), nhận định.

Lương thấp trong khi các loại chi phí đè nặng thường trực khiến người trẻ luôn đặt mình trong tình trạng làm việc nhiều hơn mới có được thu nhập tạm gọi là đầy đủ, có an sinh, phúc lợi, tiện ích. "Nó là vòng xoáy liên tục, khiến người ta cảm thấy mệt nhoài khi phải chạy theo để thỏa mãn các điều kiện tiêu dùng", ông Lộc chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Lộc, việc cố gắng trụ lại đô thị với chi phí đắt đỏ gây rất nhiều khó khăn cho người trẻ. Các bạn trẻ hoặc người mới ra trường chưa có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn thì thường nhận lương ít bởi không tạo ra năng suất cao cho doanh nghiệp. Đó là bài toán khó cho người trẻ.

Cán cân giữa thu và chi luôn ở mức mong manh, dẫn đến các bạn trẻ dễ rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn. "Một yếu tố nữa, xã hội xung quanh các bạn là xã hội tiêu dùng. Cái gì cũng được mời gọi, đặc biệt trong các mối quan hệ xã hội khiến cho nhiều bạn trẻ có nhu cầu mua sắm, tiêu dùng để tồn tại, lấp đầy khoảng trống, hoặc chứng tỏ bản thân với người khác", ông Lộc cho hay.

Ông cũng nhận định chính bởi vòng xoáy tiêu dùng khiến các bạn trẻ không có khả năng quản lý chi tiêu. Ông ví dụ có những trường hợp nghịch lý, một số bạn có thu nhập khá thấp nhưng vì các mối quan hệ, đám tiệc nên phải vay mượn tiền để đi tiệc hay sắm sửa đồ mới...

Nên quản lý chặt thu - chi

Để có cuộc sống tốt hơn, việc người trẻ biết cách quản lý, sử dụng tài chính một cách khoa học, hợp lý là yếu tố quan trọng.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nói đến tài chính, bạn trẻ có thể hiểu đơn giản ở hai khía cạnh thu và chi, tích sản và tiêu sản. Bạn trẻ cần xem xét nguồn thu và chi, tìm cách tạo nguồn thu chính đáng và đặc biệt nên có nguyên tắc trong thu chi cá nhân. 

Hiện nay có nhiều cách lập kế hoạch thu chi như phân bổ vào sáu chiếc hũ, hoặc các ứng dụng trên điện thoại... nhưng cũng không nên quá máy móc khi áp dụng.

"Để dễ dàng hơn, bạn trẻ chỉ cần nhớ nguyên tắc thu phải lớn hơn chi, luôn luôn phải có tích lũy, có tiền dư. Không được để nguồn thu âm vì sẽ dẫn đến mất cân đối tài chính", ông Long nói. 

Theo ông, người trẻ cần kiểm kê số tiền của mình trong từng tháng, quý, năm, nếu bội chi phải tìm cách khắc phục. Không phải những lúc hữu sự mới tính toán vấn đề tài chính của bản thân, mà người trẻ nên xem đây là hoạt động quan trọng gắn liền cuộc sống của mình.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng muốn quản lý chi tiêu, đầu tiên người trẻ phải thay đổi nhận thức, có quan điểm tích lũy kinh tế vừa đủ. Tức là phải biết đủ trong nhu cầu của bản thân, nếu bị kéo vào vòng xoáy văn hóa tiêu dùng thì hầu như không thoát ra được, cho dù có thu nhập cao.

Thứ hai là phải có kỹ năng quản lý chi tiêu. Chẳng hạn, các bạn trẻ sẽ phân tầng khoản thu nhập của bản thân cho các nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao. Đầu tiên phải đảm bảo được nhu cầu cơ bản, dần dần mới lên tháp nhu cầu cao hơn. Tùy theo khả năng tài chính mà bạn trẻ sẽ có cách phân bổ sao cho phù hợp.

Bên cạnh đó, theo ông Long, bạn trẻ nên tận dụng nguồn thu bằng sức lao động của mình để "trăm dòng sông đều chảy về một mối". Điều đó không đồng nghĩa với việc chi tiêu bủn xỉn, ky bo, mà tiêu xài trong khả năng để làm tăng nguồn thu, giảm bớt những chi tiêu lãng phí.

Đồng thời, người trẻ không nên có nhiêu "bung" ra bấy nhiêu mà nên tích lũy một phần để tái đầu tư. Và dù nguồn thu ổn định, bạn trẻ không nên có tư tưởng lao động ít mà hưởng thụ nhiều.

Người trẻ xài tiền - Kỳ cuối: Người trẻ nên tiêu dùng thông minh, đầu tư vừa sức - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - Ảnh: LÊ THANH

Đừng chạy theo đám đông

Theo ông Long, có hai loại vốn mà người trẻ cần có, đó là vốn chất xám - trí tuệ và vốn hữu hình - những thứ đang có hoặc đang vay mượn. Nếu năng lực và vốn hữu hình không đủ, người trẻ muốn đầu tư có thể cân nhắc vấn đề liên doanh, liên kết, thu hút nguồn vốn để có nguồn tiền bền vững.

Điều quan trọng, ông Long cho rằng tùy cá nhân mỗi người và tùy ngành nghề mà có cách vận dụng đầu tư phù hợp, không nên rập khuôn. 

Chẳng hạn, thanh niên nông thôn, người trẻ thành thị, người tốt nghiệp đại học... sẽ có những hướng đầu tư, sử dụng tiền khác nhau phù hợp trình độ bản thân và môi trường xung quanh.

Ông Long nhận định việc đầu tư khi còn trẻ là một mong muốn khá phổ biến, là một phần tạo nên tài chính vững vàng, giúp cuộc sống thoải mái hơn. 

"Nhưng bạn trẻ muốn đầu tư phải có khả năng dự báo. Chẳng hạn, nếu đầu tư vàng thì phải am hiểu thị trường, dự báo được xu hướng của nó, đừng chạy theo số đông. Đặc biệt, việc đi vay mượn cần phải tính toán, nhất là trong trường hợp bản thân không làm ra số tiền đó", ông nói.

Hơn nữa, trong bối cảnh biến động hiện nay, bạn trẻ khi đầu tư càng cần nhiều chất xám và sự am hiểu để có thể thành công. Nếu không am hiểu mà chỉ chạy theo số đông, thấy người ta làm mình cũng làm theo, không kiểm chứng thì rất nguy hiểm. 

Lúc này, bạn trẻ cần bồi bổ kiến thức để xem xét mức độ an toàn, nguy cơ, khả năng sinh lời... của lĩnh vực mình đầu tư. Mỗi người khi đầu tư nên cân nhắc không nên bỏ tiền vào một giỏ, tránh "sập tiệm" mất trắng.

Ông Long lấy ví dụ, nếu một tháng thu nhập khoảng 20 triệu đồng và còn độc thân, bạn trẻ thường sẽ có nguồn thu lớn hơn chi. Nếu chưa am hiểu việc đầu tư, ban đầu bạn trẻ có thể gửi ngân hàng uy tín với lãi suất hợp lý và không rút bất chợt. 

Sau đó, khi đã có thời gian quan sát, tìm hiểu thị trường và có nguồn vốn ban đầu, bạn trẻ có thể đầu tư đất đai, mua vàng tích lũy, hoặc tập tành chơi chứng khoán...

Nhưng dù làm gì, bạn trẻ cũng cần thận trọng, tìm hiểu kỹ và có khả năng dự báo thị trường. Ví dụ đối với chứng khoán, người chơi cần tham khảo những mã doanh nghiệp làm ăn ổn định, có thông tin chính xác. 

Và bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải học hỏi, nếu còn mù mờ người trẻ có thể nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn.

Tạo nguồn thu tối đa

Theo các chuyên gia, người trẻ cần xác định nhu cầu chi tiêu phù hợp năng lực kiếm tiền của mình. "Nếu chúng ta thấy năng lực của mình chỉ tới đó thì xây dựng khung chi tiêu trong chừng mực đó, rồi từ từ mở rộng ra.

Nếu bước vội sang nhu cầu cao hơn trong khi nhu cầu sống còn bị thách thức thì rất khó khăn cho bản thân mình", PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nói.

Chuyên gia Ngô Trí Long gợi ý, để phát triển bản thân cũng như tăng thu nhập, bạn trẻ cần tự quan sát mình có những khả năng nào về chuyên môn cũng như nghề tay trái, có thể làm gì để tạo nguồn thu tối đa.

Những điều này cần phù hợp năng lực và sở trường của mình, phải đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu thiếu hụt kiến thức, các bạn có thể trau dồi thêm.

Người trẻ xài tiền - Kỳ 5: Tiền bạc Người trẻ xài tiền - Kỳ 5: Tiền bạc 'rơi rớt' hết vào ly bia

TTO - "Một tuần anh ấy đi nhậu chia tiền với bạn bè 3 lần đã hết gần nửa tiền lương công nhân làm cả tháng, chưa kể còn thường xuyên í ới nhau mua bia, góp mồi về phòng trọ nhậu. Thế thì còn gì tiền đưa về cho vợ nuôi con".

Xem thêm: mth.78385613201012202-cus-auv-ut-uad-hnim-gnoht-gnud-ueit-nen-ert-iougn-iouc-yk-neit-iax-ert-iougn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags: vay

“Người trẻ xài tiền - Kỳ cuối: Người trẻ nên tiêu dùng thông minh, đầu tư vừa sức”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools