Việc nhiều cửa hàng đóng cửa, tạm ngưng bán hàng gây khó khăn cho người dân. Trong ảnh: người dân đi đổ xăng tại TP.HCM - Ảnh: N.HIỂN
Trong bối cảnh hàng trăm hệ thống bán lẻ xăng dầu, cửa hàng phía Nam tạm ngưng bán, "khát xăng" khiến người dân khổ sở, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn khi phải đi quãng đường dài, xếp hàng chờ đợi rất lâu mới tìm được chỗ đổ xăng, Bộ Công Thương đã thông tin 100 cửa hàng đóng cửa (là) không phổ biến trong tổng số 17.000 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
Đúng là nếu chia bình quân trong tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước tại 63 tỉnh thành mà chỉ có 100 cửa hàng đóng cửa thì con số này "không đại diện" như Bộ Công Thương đã khẳng định. Song có một thực tế con số này đã không phản ánh đầy đủ bức tranh khát xăng của nhiều cây xăng tại miền Nam đang khiến người dân khổ sở.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một vị có thẩm quyền cho hay thống kê con số này là các cửa hàng đóng cửa. Tức những cây xăng kinh doanh thua lỗ xin đóng cửa hoặc đã bị Sở Công Thương tước giấy phép, nên phải đóng hẳn.
Như vậy có thể hiểu, các cây xăng đóng cửa không đồng nghĩa với các cây xăng tạm ngưng bán hàng đang diễn ra phổ biến tại các tỉnh và vì nhiều lý do nên tạm ngừng cung cấp xăng dầu ở một số thời điểm nhất định, chứ không phải đóng cửa hoàn toàn.
Theo cơ quan chức năng, trong quá trình thống kê, thực tế cũng có cách hiểu khác nhau của các sở công thương, cục quản lý thị trường địa phương về hai khái niệm "đóng cửa" và "tạm ngưng bán hàng" nên sẽ có các số liệu thống kê khác nhau, không trùng khớp.
Bên cạnh đó, các số liệu về việc các cửa hàng tạm ngưng bán hàng cũng thay đổi liên tục, do chỉ diễn ra trong thời điểm nhất định, chứ không phải đóng cửa hoàn toàn. Khi các cửa hàng được tiếp thêm nguồn sẽ mở cửa trở lại vì "cực chẳng đã" do thua lỗ, kinh doanh khó khăn mới xin tạm ngưng bán hàng.
Trong khi đó, báo cáo cập nhật từ các đơn vị quản lý được Bộ Công Thương công bố tối 10-10 cho hay số lượng cửa hàng tạm ngưng bán hàng lên tới vài trăm cửa hàng.
Đơn cử tại TP.HCM, đến chiều 10-10, báo cáo từ Sở Công Thương cho hay chỉ có 3 cửa hàng đóng cửa nhưng có tới 121 cửa hàng tạm hết xăng (chiếm 20%).
Tại Bình Phước, thống kê cho hay có 27/415 cửa hàng chủ yếu ở vùng sâu vùng xa dừng hoạt động; 23 cửa hàng hết xăng còn dầu và 2 cửa hàng hết dầu còn xăng.
Còn theo báo cáo của Sở Công Thương An Giang, có 24/559 thông báo tạm dừng kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng sở này chỉ chấp thuận cho 2 cửa hàng tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có 30 cửa hàng dù mở cửa nhưng không còn xăng để bán (chiếm 5%).
Tại Hậu Giang, có 21/211 cửa hàng bán lẻ hết xăng dầu; có 7 cửa hàng bán lẻ hết xăng còn dầu và một số thương nhân gặp khó khăn do không mua được hàng từ đầu mối.
Tỉnh Ninh Thuận lại thống kê có 5/128 cửa hàng xăng dầu đóng cửa do không mua được đủ hàng, chiết khấu thấp. Sở cũng nhận được đề nghị của 8 đơn vị xin ngừng bán hàng, nhưng chưa có văn bản chấp thuận nên các cửa hàng vẫn đang hoạt động cầm chừng.
Thống kê tại Đắk Lắk có 9/475 cửa hàng tạm dừng do hết xăng dầu; 15 cửa hàng vẫn đang hoạt động nhưng hết xăng hoặc dầu.
Tỉnh Bình Dương thì báo cáo có 16/445 cửa hàng bán lẻ đóng cửa do giấy xác nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu do Sở Công Thương cấp đã hết hạn và các cửa hàng xin nghỉ để cải tạo, sửa chữa, đã được cơ quan chức năng thống nhất.
TTO - Với việc hơn 100 cửa hàng đóng cửa là không phổ biến, Bộ Công Thương cho biết đã có giải pháp phối hợp với các tỉnh, thành có phương án đảm bảo nguồn cung, nhiều thương nhân đầu mối lớn có tổng nguồn dự trữ đáp ứng đủ nguồn hàng.