Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý đối với 7/12 doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại - Ảnh: VGP
Theo nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương nỗ lực để hoàn thành kế hoạch 2022, đồng thời xử lý các vấn đề còn vướng mắc. Cụ thể:
Hoàn thiện phương án xử lý ngân hàng thương mại yếu kém còn lại
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại tệ, mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tạo niềm tin công chúng, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định sản xuất, kinh doanh, tránh thông tin tạo tâm lý kỳ vọng lạm phát, tỉ giá.
Khẩn trương triển khai các kết luận của Bộ Chính trị về phương án xử lý đối với các ngân hàng yếu kém; hoàn thiện phương án xử lý ngân hàng thương mại yếu kém còn lại.
Thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ mở rộng sản xuất, kinh doanh; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên.
Tập trung triển khai, hướng dẫn thực hiện nghị định 65 ngày 16-9 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tổ chức thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta từ thị trường cận biên lên mới nổi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để có phản ứng chính sách thống nhất, kịp thời, đáp ứng với điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.
Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền cắt giảm các thủ tục, quy định hành chính không cần thiết để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối hiệu quả doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Giám sát kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp, chương trình cụ thể để hỗ trợ thông tin, kết nối thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.
Đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở bán lẻ xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định, thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ.
Cùng Bộ Tài chính, các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường quản lý, theo dõi, dự báo tình hình sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn cung, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong và ngoài nước để có giải pháp điều tiết sản xuất trong nước phù hợp; phối hợp với các bộ Quốc phòng, Công Thương, lực lượng kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, biên giới để tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình xuất nhập khẩu thịt lợn, tránh phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả.
Rà soát dự án bất động sản vướng mắc để sớm tháo gỡ
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát dự án bất động sản đang gặp vướng mắc, chủ động phối hợp với cơ quan, địa phương để xử lý, tháo gỡ; hoàn thành đề án về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trình Thủ tướng Chính phủ; cải thiện nguồn cung nhà ở thương mại và xã hội, bảo đảm cân đối cung cầu và các phân khúc của thị trường bất động sản.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Khẩn trương xử lý đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng liên quan đến dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hoàn thiện dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội quyết định, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo đúng quy định của Luật quy hoạch, chương trình làm việc của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường kết nối cung cầu, thúc đẩy phát triển thị trường lao động; tập trung giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường phát triển hướng nghiệp, nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Rà soát, tổng hợp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
TTO - Phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tránh mọi tư duy cát cứ về thông tin, dữ liệu, sợ mất lợi ích...