Chiều 11/10, Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã được tổ chức tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tại Nghị quyết 52, Bộ Chính trị đã xác định ngành Ngân hàng là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao, được ưu tiên trong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
Ông Tuấn Anh nhận định, trong thời gian qua, lãnh đạo NHNN và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực.
“Ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên công bố ngày chuyển đổi số của ngành (ngày 11/5); đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Việt Nam được Công ty tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực. Kinh nghiệm chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững của ngành Ngân hàng sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế”, ông nói.
Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả bước đầu được đáng khích lệ, từ công tác kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn và được đánh giá là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia”.
Theo đó, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm,... Nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số.
Ngoài ra, các công nghệ phổ biến của CMCN 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Dữ liệu lớn… đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý.
Hơn những thế, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng các hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn.
Để đạt được những kết quả trên, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) cho rằng, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với NHNN, đơn vị đã đổi mới toàn diện hoạt động quản lý NHNN theo hướng hiện đại, ứng dụng và khai thác hiệu quả thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ.
Theo đó, NHNN đã tập trung đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò của người đứng đầu trong chuyển đổi số đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ưu tiên và có chính sách hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank nhấn mạnh việc thay đổi tư duy con người là “chìa khóa” của chuyển đổi số thành công. Việc định hướng chuyển đổi số - sáng tạo số đến từ cấp lãnh đạo cao nhất và lan tỏa, thấm nhuần đến toàn bộ nhân viên.
Từng cá nhân trong ngân hàng đều là mắt xích quan trọng vì họ là chuyên gia và người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Các ngân hàng cần có đội ngũ quản lý công tác chuyển đổi số chung và lực lượng chuyên trách đến từng khối nghiệp vụ, triển khai theo Chiến lược tổng thể, đồng bộ, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tiếp cận cơ hội công việc mới trong thời đại mới.