Chiều tháng 10, trời mưa như trút nước. Phải khó khăn lắm anh tài xế xe ôm công nghệ tên Quân mới đón được chúng tôi đi công việc. Trên đường đi, anh ghé vài chỗ để đưa những hộp cơm trên xe cho những người bán vé số, nhặt ve chai lớn tuổi.
Dành dụm nhiều hơn nhờ quán cơm
Anh Quân cho biết vào lúc rảnh rỗi, anh thường phụ giúp anh Dương ở quán cơm 0 đồng trên đường vành đai của TP Đắk Lắk. Dần dà anh trở thành “mối ruột” giao cơm miễn phí cho quán cơm 0 đồng.
Chúng tôi đến quán cơm đã hơn 11 giờ trưa, anh Dương đang tất bật nấu nướng đa dạng món ăn nào là thịt gà, chả trứng, đậu khuôn và một số món khác.
“Tôi quen nấu một mình rồi. Nhiều người cũng muốn vào bếp phụ mình lắm nhưng do mình nắm nhiều thứ nên tự làm sẽ tốt hơn” - Đại úy Dương nói. Anh Dương tên đầy đủ là Lê Hùng Dương (32 tuổi, công tác tại Đội CSGT TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Đại úy Lê Hùng Dương tất bật chuẩn bị món ăn. Ảnh: Q.NAM |
Hai chị công nhân vừa dựng xe bước vào quán, anh Dương ra mời ngồi và rót nước mời, vừa nói đợi một chút sẽ có cơm. Khoảng 5 phút sau, hai suất cơm ngon, chén canh nóng hổi được mang ra cho khách. Hai cô công nhân cám ơn chủ quán rồi ăn ngon lành. Khi được hỏi chuyện, hai người chia sẻ với đồng lương ít ỏi, nhờ những suất ăn miễn phí thế này, họ mới dành dụm được một ít tiền để lo thêm cho gia đình.
Phục vụ 50-70 suất cơm mỗi ngày
Từ thứ Năm đến Chủ nhật hằng tuần, mỗi ngày anh Dương và bạn bè phải chuẩn bị 50-70 suất cơm. Ngoài ăn tại chỗ, thực khách còn được chuẩn bị mang về ăn bữa tối. Do số lượng khách ngày càng nhiều nên nhóm của anh cố gắng tăng thêm để phục vụ cô bác.
Tiếp đó, cặp vợ chồng bán vé số bước vào. Người chồng bị mù nên chị vợ phải dìu ngồi vào bàn. Anh là Y Mít ở Cư M’gar lên đây đi bán vé số. “Mỗi ngày hai vợ chồng chỉ bán được hơn 100.000 đồng, rất khó khăn. Có những ngày không dám ăn cơm vì không bán được vé số. Từ ngày biết đến quán cơm 0 đồng này, vợ chồng tôi thường ghé đến ăn. Nhờ vậy mà dành dụm được chút tiền” - anh Y Mít bộc bạch.
Lúc ra về, anh Y Mít còn được chuẩn bị hai hộp cơm nóng hổi để mang về ăn bữa tối. Anh Dương còn mua cho anh Y Mít 10 tờ vé số.
Đến đầu giờ chiều, khi đang loay hoay phục vụ khách, anh Dương mới “sửng người” khi hết thức ăn nhưng vẫn còn người đang đợi. Và anh lại xuống bếp, nhanh tay chiên thêm vài quả trứng, cắt vài trái dưa leo để chuẩn bị suất ăn cho những người đến muộn.
Động lòng bữa cơm chan xì dầu
Những thực khách đến quán còn được mang quần áo miễn phí về nhà. Tủ quần áo này do anh Dương bỏ tiền ra mua tủ và những người bạn của anh ở nhiều nơi gửi tặng. Khi các cô chú đến ăn cơm xong, anh Dương không quên “nhắc” có quần áo miễn phí, rất “xịn, mịn”.
“Mình cũng khó khăn nhưng dù sao mình có sức khỏe, còn công việc. Nhưng muốn giúp đỡ cũng phải biết ý, mình nói sao cho vừa vui vẻ vừa thân tình để cô chú họ thoải mái, không ngại” - Đại úy Dương tâm tình.
Ngoài bán cơm 0 đồng, anh Dương và bạn còn tổ chức những tủ quần áo từ thiện. Ảnh: Q.NAM |
Nói về cơ duyên mở quán cơm, anh Dương chia sẻ trong lúc đi làm nhiệm vụ, rất nhiều lần anh thấy các cô chú lớn tuổi, có người bị khuyết tật bươn chải mưu sinh nên quyết tâm làm một điều gì đó giúp đỡ họ. “Mình muốn mời cô chú ăn cơm để vơi bớt gánh nặng trong cuộc sống. Có những hôm gặp nhiều cô chú đi nắng đi mưa rất khổ, rồi thấy họ ăn cơm với xì dầu, nước mắm mà rơi nước mắt. Xuất phát từ tấm lòng, mình muốn cô chú có bữa ăn có chất dinh dưỡng hơn, vậy là mình vui rồi” - Đại úy Dương tâm sự.
Đang làm thì cạn tiền
Theo anh Dương, điều anh trăn trở nhất khi mở quán cơm là kinh phí thực hiện. Để tiết kiệm chi phí, anh chọn một khu đất trống ở ngoại thành, diện tích hơn 60 m2. Lúc đầu, người chủ cho thuê với giá 5 triệu đồng/tháng. Sau khi biết mục đích của anh Dương, chủ đất đã bớt cho anh chỉ còn 2 triệu đồng/tháng.
Kinh phí ít ỏi, anh Dương và bạn bè mỗi người một tay tự trộn hồ tráng nền, tự bắn tôn, hàn sắt… để dựng quán. Thế nhưng càng làm càng phát sinh kinh phí, sau một thời gian bắt tay vào làm, nhóm của anh phải tạm dừng vì… cạn tiền. Do đó, anh và bạn bè phải xoay xở bằng nhiều cách. “Có khi mình đi bốc vác, nhà nào cần dọn dẹp thì mình đi dọn dẹp, nói chung làm được gì để kiếm tiền thì mình làm hết, không ngại” - anh Dương nhớ lại.
Sau thời gian kiếm tiền và mở quán, đến ngày 19-8-2021, quán cơm 0 đồng của các anh chính thức khai trương và mở cửa đón khách từ thứ Năm đến Chủ nhật hằng tuần.
Xoay xở nhiều cách để duy trì quán cơm
Theo anh Dương, kinh phí bỏ ra cho quán cơm đến nay đã ngoài 200 triệu đồng. Mỗi tháng anh phải chi khoảng 20 triệu đồng để duy trì hoạt động của quán. Thời gian qua, anh được bạn bè và nhiều người đến giúp đỡ việc đi chợ, nấu cơm. Nhiều người trong vùng khi hay tin anh mở quán cơm miễn phí cũng thường xuyên mang rau củ, gạo đến ủng hộ quán. Ngoài ra, anh mới dọn dẹp một bãi rác đối diện với quán bên kia đường mở một quán nước mía nhỏ để có thêm kinh phí. Sắp tới, anh còn dự định sẽ mở một quán ăn nhỏ vào buổi tối. “Vấn đề kinh phí để duy trì quán là một việc nan giải. Nhưng các anh em sẽ cố gắng hết mức đến khi nào còn có thể” - anh Dương chia sẻ.