Hành khách đi miền Trung tại bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) - Ảnh: T.T.D.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng việc đón xe đến và đi từ bến xe vẫn còn khó khăn.
Khách tăng nhưng không đông
Kể từ 0h ngày 11-10, người dân đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc (trừ hướng quốc lộ 14 đi Tây Nguyên) chính thức mua vé và đi lại ở bến xe Miền Đông mới. Theo ghi nhận, lượng khách ra vào bến xe nhiều nhưng không quá đông. Khách đều có thể dễ dàng mua vé tại bến mới hoặc mua online trước.
Phần lớn hành khách đã được hãng xe thông báo trước về việc di dời về bến mới nên không xảy ra tình trạng bỡ ngỡ hay lộn xộn.
Hiện người dân có nhiều cách để đi từ bến cũ sang bến mới và ngược lại.
Cụ thể, các hãng xe có tổ chức xe trung chuyển khách. Tại ngay cửa ra vào bến xe cũ, các hãng bố trí xe trung chuyển và nhân viên hãng xe hướng dẫn, đưa khách lên tận xe trung chuyển.
Một số nhà xe lớn như Phương Trang có hệ thống xe trung chuyển khách từ bến xe cũ hoặc ở các trạm trung chuyển được TP cho phép. Ngoài ra, người dân có thể đi xe buýt hoặc taxi.
Đang chờ lên xe ở bến xe Miền Đông mới, chú Võ Văn Hoàn (ngụ TP Thủ Đức) cho rằng việc di dời các tuyến xe về bến xe mới là phù hợp. Bởi hiện giao thông quanh bến cũ đã quá tải, thường xuyên kẹt xe.
Bến mới rộng rãi nên giải quyết được vấn đề giao thông về lâu dài, đáp ứng được nhu cầu hành khách.
Chú Hoàn nhận xét bến mới khang trang, hiện đại hơn. Dù vậy, người dân phải di chuyển khá xa để vào bến. Lượng xe trung chuyển và xe buýt có hạn, thực tế chưa có tuyến xe buýt nào đi trực tiếp từ bến cũ đến bến mới. Do đó, TP nên tăng thêm tuyến buýt và xe trung chuyển để người dân được phục vụ tốt nhất.
"Có như vậy, chúng ta mới hút khách về bến mới được, góp phần giảm ùn tắc khu vực trung tâm TP. Cùng với đó, bến mới cần được khai thác hợp lý, quy hoạch điểm đón xe buýt và xe công nghệ", ông Hoàn nói.
Đồ họa: T.ĐẠT
Thêm buýt trung chuyển
Theo ông Nguyễn Lâm Hải - phó ban bến xe Miền Đông mới, hơn 100 tuyến xe chính thức đưa đón khách ở bến mới nên đơn vị nỗ lực hết sức. Bến xe đã huy động lực lượng nhân viên bảo vệ, nhân viên quầy vé để hỗ trợ tối đa cho người dân, đảm bảo bến xe hoạt động ổn định, người dân không bỡ ngỡ.
Dự báo trong ngày đầu di dời đợt 2, có hơn 100 xe xuất bến chở hơn 450 lượt khách. Khách tập trung đi tuyến từ TP.HCM về tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Những ngày tới, bến xe yêu cầu các hãng xe tiếp tục thông tin đến người dân nắm rõ, đồng thời đảm bảo duy trì tổ chức xe trung chuyển từ bến cũ ra bến mới (và ngược lại).
Trước ý kiến cho rằng hiện các tuyến xe buýt kết nối từ bến xe mới về các quận huyện còn thiếu, ông Hải cho biết đơn vị đang rà soát và nghiên cứu tình hình thực tế để làm cơ sở đề xuất thêm với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO), chủ đầu tư bến xe Miền Đông mới - cũng chia sẻ đang đề xuất có 2 - 4 chiếc xe buýt chuyên trung chuyển khách giữa bến cũ và bến mới nhằm tăng kết nối để hành khách đỡ vất vả hơn trong quá trình đi lại.
Về thực trạng "xe dù, bến cóc", ông Võ Khánh Hưng - giám đốc Sở GTVT TP - khẳng định đây là vấn đề cần nhanh chóng giải quyết thì bến xe mới mới có thể hoạt động tốt được.
Lực lượng thanh tra Sở Giao thông vận tải, Công an TP chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, Công an TP Thủ Đức và các quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý "xe dù, bến cóc" và xe dừng đỗ không đúng quy định.
Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức giám sát hoạt động tại các bến bãi, điểm đón, trả khách tự phát, kiên quyết chấm dứt hoạt động các vị trí và bến bãi hoạt động không đúng quy định.
Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP sớm nghiệm thu cầu vượt số 3, đường chui trước cổng bến xe mới để đưa vào sử dụng. Trước mắt, giao thông đi lại thuận tiện sẽ rút ngắn khoảng cách và việc đi lại nhanh chóng hơn.
Có hơn 1.700 xe hoạt động ở bến xe Miền Đông mới
Theo Tổng công ty Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco - chủ đầu tư bến xe mới), có hơn 100 tuyến xe khách liên tỉnh đưa đón khách ở bến xe mới tại địa chỉ số 501 Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, TP Thủ Đức.
Trước đó, 22 tuyến chạy cự ly từ Quảng Trị ra phía Bắc (từ 1.100km trở lên) đã dời về bến mới.
Các tuyến mới với gần 1.700 xe từ TP.HCM hướng ra miền Trung đi trên quốc lộ 1 ra Bắc. Hơn 60 tuyến còn lại ở bến cũ sẽ được dời qua khi bến mới hoạt động ổn định và kết nối đồng bộ giao thông xung quanh.
TTO - Kể từ 0h ngày 11-10, TP.HCM chính thức dời thêm 79 tuyến xe khách về bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức). Người dân đi các tuyến hướng ra miền Trung, miền Bắc (trừ hướng quốc lộ 14 đi Tây Nguyên) mua vé, đi lại ở bến mới.
Xem thêm: mth.39231748021012202-iom-gnod-neim-ex-neb-iov-nad-neuq-ex-neyut-97-meht/nv.ertiout