Học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa tại một trường quốc tế ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Theo ông này, lý do của việc không lập ban đại diện là vì "ban này không có bất kỳ ý nghĩa gì trong thực tế".
"Không có ý nghĩa gì"
Nguyên phó hiệu trưởng một trường quốc tế đặt tại quận 7 (TP.HCM) nhận định dường như có một sự khác biệt rất lớn trong suy nghĩ và cách tiếp cận giữa các thành viên nước ngoài và Việt Nam trong cùng một ban đại diện. Phụ huynh nước ngoài thường nhìn vấn đề khá rộng và thường đóng góp ý kiến theo hướng xây dựng để trường có những giải pháp tốt hơn cho số đông học sinh.
Ngược lại, phụ huynh Việt Nam nghiêng về những vấn đề liên quan tới chính con cái họ. "Tại trường tôi lúc đó, những cha mẹ Việt Nam muốn tham gia hội phụ huynh đều vì mục đích họ có thể "gần" lãnh đạo trường hơn, họ sẽ dễ phản ánh những chuyện liên quan tới mình, và nhà trường cũng sẽ quan tâm hơn đến những vấn đề của con cái họ" - vị này nói.
Sự khác biệt trong lối suy nghĩ giữa hai nhóm phụ huynh trở nên gay gắt khi dịch COVID-19 đến. Lúc này, nhóm phụ huynh nước ngoài ủng hộ cách học online vì là tình thế bắt buộc, đồng thời muốn góp ý đến trường để làm sao giảng dạy online hiệu quả nhất. Trong khi đó, nhóm phụ huynh Việt Nam lại vận động kiện cáo trường dạy online không hiệu quả, đòi giảm tiền học phí. Vì vậy chỉ sau một năm thành lập, ban đại diện của trường quốc tế này tan rã.
Giám đốc tuyển sinh của một hệ thống trường quốc tế giảng dạy đồng thời chương trình Việt Nam lẫn chương trình nước ngoài tại TP.HCM khẳng định tất cả các cơ sở của trường hiện không có ban đại diện cha mẹ học sinh. Nguyên nhân là vì ban đại diện này không có ý nghĩa gì. Thứ nhất, trường không cần thu thêm khoản tiền nào ngoài năm mục: học phí, tiền ăn, tiền xe đưa rước, tiền giáo trình và tiền đồng phục - luôn được công khai ba tháng trước năm học mới.
Thứ hai, nếu nói ban đại diện là nơi để phụ huynh kết nối với trường thì cũng không cần thiết. Bởi nhà trường luôn có các giáo viên chịu trách nhiệm giữ liên lạc và cập nhật thông tin cho phụ huynh gần như mỗi ngày. Phụ huynh dễ dàng gặp được trực tiếp giáo viên này trong giờ đưa đón con, nếu muốn phản ảnh hay góp ý gì có thể trình bày lập tức.
Góp ý cho các hoạt động của nhà trường
TS Mai Viết Thủy - hiệu trưởng Trường University Preparation College (Úc) - cho biết ở phần lớn trường công và tư tại Úc, hội phụ huynh (parent association) thường giữ một vai trò khá quan trọng trong phát triển trường. Sự hiện diện của hội phụ huynh rất thực tế, thường tham gia cố vấn hoặc góp ý nhiều hoạt động của trường, đặc biệt trong khâu vận hành. Chẳng hạn nếu nhận thấy một thầy cô nào không chuẩn mực khi giảng dạy, một số phụ huynh trong hội có thể đại diện các phụ huynh đến làm việc trực tiếp với trường.
Một số quyết sách lớn của nhà trường cũng sẽ có mặt của đại diện hội phụ huynh. Điển hình như việc chọn hiệu trưởng mới. Có con gái đang là thành viên chủ chốt của hội phụ huynh nơi cháu ông đang theo học tại Úc, TS Mai Viết Thủy kể vừa qua, đại diện hội phụ huynh ở trường này đã có một người góp mặt trong thành phần phỏng vấn những ứng viên hiệu trưởng mới cho trường. Vị này sẽ ngồi cùng đại diện nhà trường, đại diện cơ quan quản lý giáo dục... để đưa ra quyết định cuối cùng sau khi nghe những phần trình bày của các ứng viên hiệu trưởng.
Theo ông Thủy, những ban đại diện này rất ít khi đứng ra thu các khoản tiền từ phía những phụ huynh khác. Phần lớn các chi phí cho giáo dục ở các trường công đều được nhà nước chi trả. Ngược lại, ban đại diện có thể kêu gọi sự góp sức hoặc tham gia của các cha mẹ trong những hoạt động ngoại khóa của học sinh như đến ủng hộ các con trong một buổi diễn văn nghệ, tham gia cùng con trong một hội chợ hay một buổi thi đấu thể thao...
Trong khi đó, ThS Đinh Hoàng Hà - hiện công tác tại Trường SSTC Singapore - cho biết các trường tại Singapore không có một tổ chức như hội phụ huynh. Thậm chí các phụ huynh trong một lớp nhiều lúc... không biết mặt nhau. Bởi không chỉ không có ban đại diện, Singapore còn không có những buổi họp phụ huynh "tập thể" như ở Việt Nam.
"Mỗi học sinh, phụ huynh sẽ đăng ký một khung giờ họp phụ huynh để gặp riêng giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. Giáo viên và phụ huynh khi đó sẽ thẳng thắn trao đổi những vấn đề của học sinh và tất nhiên chỉ họ biết với nhau, phụ huynh này không thể biết chuyện của học sinh khác" - ông Hà nói.
Chưa dám lập hội phụ huynh
Hiệu trưởng một trường tư thục song ngữ tại TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết trường mình hiện chưa có một hội phụ huynh chính thức, chỉ có một số phụ huynh thường xuyên được "mời" để nhà trường tham khảo ý kiến hoặc nhằm có thêm góc nhìn về một vấn đề cụ thể nào đó.
"Vì trường chúng tôi cũng còn mới nên tôi chưa dám mở một hội phụ huynh chính thức, có quy mô lớn bởi sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp mà nếu làm không khéo rất ảnh hưởng đến trường", hiệu trưởng này nói.
Không có khoản chi "chăm cô"
Theo ông Đinh Hoàng Hà, ở Singapore, vì không có hội phụ huynh nên sẽ không có những khoản thu nhân danh hội này. Các mục chi cho giáo dục gần như đã được nhà nước đảm bảo. Thêm nữa, bản thân thầy cô cũng rất ngại khi nhận được "gì đó" từ phía phụ huynh nên càng không có những mục như tiền "chăm cô", "quà cáp", "quà sinh nhật"...
Ông Hà kể hồi mới sang Singapore, ông mang theo một hộp cà phê nhỏ để gửi tặng giáo viên của con như một lời cảm ơn, nhưng vị giáo viên này không nhận.
Muốn thu tiền cũng không dễ
Ở trường con tôi theo học, một trường công lập tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, không những nhà trường không nhờ ban đại diện cha mẹ học sinh thu mà việc ban muốn thu cũng không dễ.
Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi - Ảnh: L.TR.
Ai cũng hiểu rằng Trung thu, Tết thiếu nhi, liên hoan lớp cuối năm... là các hoạt động mang tính tập thể cần thiết. Nhà trường không thể chi cho các con những hoạt động này. Muốn con cái vui thì cha mẹ góp vào. Nhưng cô giáo phụ trách lớp nói rằng tuyệt đối không lập quỹ, không thu hộ bởi đó là tinh thần chỉ đạo chung.
Cô kể rằng cách đây mấy năm cũng vì muốn con vui trên trường mà có một lớp đã tổ chức lập quỹ phụ huynh học sinh, mỗi gia đình đóng 100.000 đồng/năm. Khoản thu được triển khai với sự đồng thuận của tất cả phụ huynh nhưng sau đó lại có một phụ huynh trong lớp dù đã đồng thuận rồi vẫn gửi đơn kiện xuống tận thanh tra sở, thanh tra quận khiến nhà trường phải đi giải trình.
"Quan điểm là không thu bất cứ khoản nào thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh" - cô giáo chủ nhiệm phổ biến tinh thần chỉ đạo chung. Nhưng ý kiến này không được đồng tình, các phụ huynh lần lượt ý kiến qua lại, một bên thì cô giáo không cho thu, bên kia thì phụ huynh đề nghị tự thu và tự chịu trách nhiệm, không liên quan gì đến nhà trường. Cuộc "tranh luận" chỉ đi đến hồi kết khi một phụ huynh đề nghị cô giáo chủ nhiệm... không can thiệp vào chuyện riêng của ban đại diện, việc vận động thu cũng tự nguyện để làm quỹ tổ chức các sự kiện cho con em mình chứ không liên quan gì đến nhà trường, phụ huynh sẽ tự quản lý quỹ này. Trước sự kiên quyết của lớp, cô giáo buộc phải im lặng.
Là phụ huynh, tôi cho rằng vai trò của ban đại diện rất quan trọng. Nhưng ban đại diện chỉ thật sự làm tốt vai nếu tách biệt chuyện tiền nong, "nhờ vả" với nhà trường. Ban đại diện không nên làm "cánh tay nối dài" của ban giám hiệu trong việc thu tiền để rồi cụ thể hóa các khoản thu dưới danh nghĩa "tự nguyện, xã hội hóa"...
Điều quan trọng nhất để triệt bỏ lạm thu đó là sự minh bạch, tính kỷ luật của ban giám hiệu. Nhà trường, thầy cô đứng đầu sẽ đánh mất hình ảnh, thậm chí sẽ gánh hậu quả nặng nề nếu tự ý đẻ ra đủ khoản dù phụ huynh có thể không lên tiếng.
LINH TRANG
TTO - Cần làm gì để ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả, đúng tinh thần của Bộ Giáo dục - đào tạo và không bị nghĩ là "ban thu tiền"?