Mùa khô đỏ mắt trông rừng
Mùa khô là nỗi ám ảnh cho những người làm nhiệm vụ canh giữ rừng. Còn nhớ năm 2019, từ một vụ đốt vườn tạp của nông dân Hà Tĩnh đã dẫn đến vụ cháy rừng thiêu rụi hơn 30ha rừng thông, keo, bạch đàn. Bởi vậy, tuần tra nhắc nhở người dân phòng chống cháy rừng luôn được các hạt kiểm lâm chú trọng.
Thời điểm mùa khô, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có văn bản gửi hàng loạt các địa phương về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, Đông và Tây Nam bộ. Theo hệ thống cảnh báo nguy cơ cháy rừng của Cục Kiểm lâm, nhiều diện tích rừng ở các địa phương khu vực này đang có nguy cơ cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).
Ông Từ Văn Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, trong số 121 xã thuộc vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, có 37 xã thuộc vùng rất xung yếu. "Chúng tôi chủ động xây dựng các phương án, giải pháp phòng chống cháy rừng vào mùa khô tại các điểm có nguy cơ cao về cháy rừng. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng, cũng như tình trạng người dân sử dụng lửa để xử lý thực bì sau khai thác không tuân thủ quy định nên đã xảy ra liên tiếp các vụ cháy rừng, gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên", ông Khánh nói.
Thực tế, nhiều địa phương để phòng chống cháy rừng đã duy trì lực lượng trực 24/24h tại chòi canh lửa, bố trí người thường xuyên truy cập, theo dõi trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm nhằm kịp thời phát hiện, đưa ra cảnh báo sớm đến chính quyền địa phương, chủ rừng và nhân dân để nâng cao cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp phù hợp về phòng cháy và chữa cháy rừng.
Trên thế giới, giải pháp cảnh báo cháy rừng phổ biến là các hạ tầng máy chủ, phần mềm và internet để lưu trữ, phân tích và cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Các dữ liệu được thu thập qua vệ tinh. Còn ở Việt Nam, hoạt động phòng chống cháy rừng chủ yếu dựa vào lực lượng kiểm lâm tuần tra giám sát, mọi phương pháp cảnh báo còn rất thủ công, phạm vi theo dõi bị giới hạn do yếu tố địa hình, nên khả năng dự báo cháy kém, dẫn đến nhiều vụ cháy rừng với hậu quả rất nặng nề.
Mặc dù các địa phương đều nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng, nhưng chỉ một sơ suất nhỏ thì hậu quả lớn sẽ xảy ra. Vì vậy, cảnh báo sớm cháy rừng bằng biển báo tự động 5 cấp đã được những nhà khoa học nghiên cứu. Với mong muốn, làm sao cảnh báo được sớm các dấu hiệu cháy rừng để bảo vệ tốt hơn nữa lá phổi xanh của nhân loại.
Cuộc bắt tay của nhà khoa học và doanh nghiệp
Nhận thấy sự cần thiết của việc cảnh báo cháy rừng, nhất là việc thu thập những yếu tố xuất phát từ nguy cơ tiềm ẩn để đưa ra các mức độ cảnh báo nhằm giảm áp lực cho lực lượng kiểm lâm là “bài toán” mà các nhà khoa học của Viện Vật lý muốn tìm cách giải. Từ năm 2015, đón nhận xu thế ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực sản xuất, Công ty TNHHMTV Đầu tư và phát triển VNS Việt Nam đã đặt hàng với các nhà khoa học và có cuộc chuyển giao công nghệ về “Quy trình thiết kế, chế tạo Bộ biển báo hiệu cấp độ dự báo cháy rừng tự động”. Đây là sự kết hợp của “hai nhà” nhằm đưa ra sản phẩm có tính ứng dụng cao, phục vụ nhu cầu cấp thiết của xã hội.
Bà Bùi Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty TNHHMTV Đầu tư và phát triển VNS Việt Nam khẳng định: “Sự kết hợp này đã tạo ra một công nghệ cảnh báo sớm phát hiện cháy rừng. Công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước. Việc phát hiện tốt cháy rừng tự đồng nhằm sớm có biện pháp bảo vệ và chủ động phòng ngừa, khắc phục cháy rừng”.
Với mong muốn ấy, bà đã tiên phong trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và đi vào sản xuất biển báo cháy rừng tự động nhằm khắc phục các nhược điểm của biển báo hiệu thủ công như tốn thời gian, công sức, không kịp thời thông tin cấp dự báo cháy rừng để hỗ trợ lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng. Biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động trên nền công nghệ IoT đa cảm biến được thiết kể thể hiện được 5 cấp dự báo cháy rừng theo Mẫu số 04, phụ lục III và khoản 1, điều 46 Nghị định 156/2018/ NĐ-CP ngày 16/11/2018 Quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp, đồng thời, tự động thu nhận các yếu tố khí tượng để tính toán cấp dự báo.
Biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động được thiết kể thể hiện được 5 cấp dự báo cháy rừng, đồng thời, tự động thu nhận các yếu tố khí tượng để tính toán cấp dự báo cháy rừng và điều khiển kim quay. Người quản lý có thể điều khiển biển thông qua ứng dụng trên điện thoại di động thông minh (Smart phone).
Biển có chế độ hoạt động tự động, tích hợp cảm biến, cứ một khoảng thời gian nhất định được cài đặt biển tự động lấy các yếu tố về khí tượng từ cảm biến ở thời điểm hiện tại theo thời gian thực, để tính cấp dự báo cháy rừng. Sau khi tính cấp dự báo cháy rừng, biển sẽ tự động điều khiển động cơ quay kim đến vị trí cấp tương ứng trên biển. Chế độ tự động mỗi khi kim quay thì có tin nhắn trả về cho số điện thoại của người quản lý biển.
Với thiết kế của các nhà khoa học, bộ điều khiển trung tâm thu thập thông tin nhiệt độ và độ ẩm không khí để tính toán và điều khiển vị trí kim chỉ thị cấp dự báo cháy rừng trên biển báo, đồng thời thông báo trực tiếp cho cán bộ quản lý của Hạt kiểm lâm về tình hình cấp dự báo cháy rừng qua mạng điện thoại di động bằng hình thức tin nhắn SMS.
Người quản lý biển có thể nhắn tin đến biển để điều khiển quay kim đến cấp mong muốn, tùy thuộc vào tùy thuộc vào tình hình thực tế. Khi kim quay đến vị trị cấp mong, muốn sẽ có tin nhắn trả về báo cho người điều khiển biển.
Đến nay, biển báo cháy rừng tự động của Công ty TNHHMTV Đầu tư và phát triển VNS Việt Nam đã có mặt ở nhiều cánh rừng trên khắp mảnh đất hình chữ S. Nhiều Chi cục Kiểm Lâm đã lắp đặt biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động do Công ty cung cấp đã hỗ trợ rất tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đáp ứng được yêu cầu của ngành Kiểm lâm trong việc nâng cao chất lượng của hệ thống dự báo cháy rừng.
MAI HÀ