VINASME kiến nghị hàng loạt giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xăng dầu để khắc phục tình trạng gián đoạn nguồn cung - Ảnh: Minh An |
Cụ thể, hiệp hội kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo DN đầu mối, các thương nhân phân phối chia sẻ chi phí kinh doanh bán lẻ theo đúng tỷ lệ trong công thức tính giá cơ sở hiện hành. Hiện theo quy định, các chi phí bán lẻ được tính chung trong tổng chi phí lưu thông. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét tính đủ chi phí kinh doanh định mức cho chuỗi cung ứng xăng dầu, từ khâu tạo nguồn của DN đầu mối đến khâu bán lẻ của các đại lý. Riêng chi phí cho khâu bán lẻ xăng dầu đề nghị tách riêng, xác định tỷ trọng chi phí bán lẻ trên tổng số chi phí để dễ áp dụng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
VINASME cho rằng, mức chi phí bán lẻ xăng dầu (chưa tính đến lợi nhuận) từ 700 - 800 đồng/lít, dao động phụ thuộc vào sản lượng, vị trí địa lý vùng sâu, vùng xa. Hiệp hội đề nghị, chi phí bán lẻ tối thiểu tại đại lý bán lẻ xăng dầu phải ở mức 1.200 - 1.400 đồng/lít trong công thức tính giá cơ sở hiện nay (với điều kiện đầu mối giao hàng tại cửa hàng).
Hiệp hội cũng kiến nghị liên bộ thực hiện thời gian điều hành giá đúng quy định các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng, tạm thời không áp dụng lùi sang ngày làm việc tiếp theo đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ để tránh tạo độ trễ, gây ảnh hưởng tới thị trường và hiệu quả điều hành. Việc quy định tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn không còn phù hợp bởi xăng dầu được sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều phải tuân theo các tiêu chuẩn quy định, được kiểm soát với quy trình rất chặt chẽ.
Cần rà soát, cắt giảm một số thủ tục hành chính, các giấy phép con không phù hợp gây ra quá nhiều khâu trung gian trong chuỗi phân phối xăng dầu, dẫn tới nhiều thủ tục hành chính gây khó cho DN, làm tăng chi phí.
Châu Sa