Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Ảnh: PHẠM THẮNG
Ủng hộ mỗi ô tô nên có mã số định danh riêng và số dư tài khoản
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị nên xem xét quy định mỗi ô tô phải có một thẻ định danh và số dư trong tài khoản. Khi đó sẽ làm được nhiều việc, kể cả thu phí thời gian cao điểm vào nội đô.
Theo đó, tại buổi họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến vào báo cáo sơ kết ba năm thực hiện nghị quyết số 115 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, ông Thanh đề nghị có thể xem xét ở cấp độ nào đó, quy định trong luật hay nghị định rằng mỗi ô tô nên có định danh riêng.
Và như vậy, theo ông Thanh nên quy định bắt buộc mỗi xe phải có một thẻ và có số dư trong tài khoản.
Ủng hộ cách làm này, bạn đọc Linh viết: "Ý tưởng tuyệt vời, rất đổi mới, rất sáng tạo, đúng là chuyển đổi số với bốn chấm không".
Trong khi đó, một số bạn đọc cho rằng lẽ ra việc này nên làm từ lâu rồi mới đúng.
Về ý này, bạn đọc Lê Văn Thuận viết: "Tôi thấy ở châu Âu (khối Schengen) người dân chỉ cần cái thẻ ATM của ngân hàng, có số dư, thậm chí không cần có số dư (thấu chi thẻ tín dụng) là sử dụng được mọi hoạt động thanh toán, từ thanh toán tiền đậu xe trong bãi, BOT trên đường, các chi tiêu mua sắm...".
Góp ý thêm, bạn đọc Lê Văn Thuận viết: "Tóm lại mỗi cá nhân cần có một tài khoản ngân hàng và thẻ ATM, mọi dịch vụ có thu còn lại, bên thụ hưởng phải lắp đặt thiết bị để người sử dụng dịch vụ "quẹt thẻ" là xong. Không bắt người dân phải có "số dư" tối thiểu trong các tài khoản riêng biệt cho từng dịch vụ".
Trong lúc chờ kết luận từ hội đồng thẩm định, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung (giữa) chụp ảnh cùng hai người hướng dẫn là PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Chúc mừng tân tiến sĩ và mong đề tài sớm đi vào thực tế
Xung quanh đề tài tiến sĩ áo ngực gây tò mò dư luận, sáng 12-10, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình.
Theo đó, tại lễ bảo vệ luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã có 30 phút để trình bày, và đã phản biện hơn 20 câu hỏi từ hội đồng thẩm định.
Ba bài nhận xét và phản biện của hội đồng thẩm định đều kết luận luận án cơ bản phù hợp với cách đặt vấn đề và đủ sức thuyết phục, phù hợp với vấn đề nghiên cứu.
Hội đồng nhận định luận án đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bố cục, nội dung, hình thức của một luận án tiến sĩ.
"Hội đồng thẩm định đề nghị Trường đại học Bách khoa Hà Nội công nhận và cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung", PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn - chủ tịch hội đồng thẩm định - kết luận.
"Xin chúc mừng! Rất mong từ nay về sau cần có những luận án tiến sĩ mang tính khoa học thiết thực, áp dụng rộng rãi nhu cầu lợi ích cho cuộc sống hiện tại và tương lai lâu dài tựa như luận án này" - bạn đọc Dân viết.
Trong khi đó, như tên gọi của đề tài, một số bạn đọc khá tò mò và đề nghị muốn được xem đầy đủ công trình nghiên cứu này và hy vọng sẽ áp dụng vào thực tế.
Về ý này, bạn đọc Kha viết: "Biết đâu các nhà sản xuất sẽ lấy kết quả nghiên cứu này để sản xuất ra những chiếc áo ngực làm tăng độ hấp dẫn của người mang nó. Marketing cũng lấy kết quả nghiên cứu đó để thiết kế hình ảnh... Theo tôi, đây là công trình nghiên cứu thiết thực"!
Tranh: V. THỌ
Mong bớt những cuộc gọi "telesale" quấy rầy
Thường xuyên phải nhận cuộc gọi từ những telesale đủ mọi lĩnh vực, từ nhà đất, quảng cáo khóa học, hướng dẫn đầu tư, cho đến những tin nhắn quảng bá từ nha khoa, công ty luật, cho vay tài chính, cá cược... theo bạn đọc Mây Trắng, đây là chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi".
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng và các nhà mạng cũng đã có các biện pháp dẹp cuộc gọi kiểu này, nhưng xem ra không ăn thua.
Theo bạn đọc này: "Trước đây, khi nghe bạn bè than phiền về những cuộc gọi tiếp thị, tôi cũng khuyên cứ trả lời là không có nhu cầu, đừng bực bội làm gì. Nhưng nay khi bản thân cũng chịu đựng ngày qua ngày, tôi mới thấy việc này tuy nhỏ nhặt nhưng cũng ảnh hưởng tâm trạng và công việc của mình".
Xã hội văn minh phải hạn chế những cuộc gọi làm phiền người khác mọi lúc mọi nơi, bạn đọc Võ Phú Niêm viết: "Làm nghề môi giới nhà đất trên 20 năm, hiện giờ tôi thấy cách môi giới của bọn trẻ bây giờ tôi còn sợ, huống hồ chi người không trong nghề..., cái cách tiếp thị mang tính lường gạt rất rõ ràng".
Theo bạn đọc Võ Phú Niêm: "Hiện giờ quảng cáo kiểu này là loại hình môi giới không trung thực, kiểu này rất phổ biến tại TP.HCM. Qua đây, tôi cũng kính mong các cơ quan chức năng nên vào cuộc một cách quyết liệt để diệt trừ tận gốc loại hình môi giới nhà đất kiểu "treo đầu dê bán thịt chó" vì đó là nguy cơ tiềm ẩn, tiếp tay cho những kẻ lường gạt, làm xấu đi hình ảnh những người làm ăn lương thiện".
Trong khi đó, tỏ ra thông cảm, một số ít bạn đọc cho rằng trong thời buổi khó khăn, việc tiếp thị điện thoại vẫn hiệu quả với doanh nghiệp mới và nhỏ.
Về ý này, bạn đọc Thanh Hiếu viết: "Chỉ khi doanh nghiệp sống được mới tạo ra được nhiều việc làm và giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp. Nếu cấm tuyệt đối telesale sẽ có hàng chục nghìn người thất nghiệp, đa phần là phụ nữ".
Bổ sung, bạn đọc Thanh viết: "Gọi điện thoại để giới thiệu sản phẩm cũng là vạn bất đắc dĩ thôi, họ cũng hiểu cả chứ. Thôi cứ tôn trọng họ, biết đâu đó lại là người quen, người thân của bạn. Đừng tỏ ra khó chịu, mất gì câu nói chối từ lịch sự. Tôi cũng trong hoàn cảnh của bạn, nhưng tôi không để ý đến sự khó chịu, rồi nó cũng qua đi".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ vấn đề gì? Bạn có đồng ý với quy định mỗi ô tô nên có mã số định danh riêng và số dư tài khoản? Gặp những trường hợp gọi điện thoại tiếp thị không đúng lúc, bạn tỏ thái độ hay từ chối lịch sự?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi ý kiến ở KHUNG BÊN DƯỚI.
TTO - Theo bạn đọc Mây Trắng, "telesale" (tạm dịch: tiếp thị qua điện thoại) là nghề nhọc nhằn và dễ bị "ăn chửi". Nhưng, không hiểu sao với một loại tiếp thị làm phiền người khác như vậy, vẫn duy trì, tồn tại, thậm chí ngày càng lan rộng?