vĐồng tin tức tài chính 365

Vượt biển đưa điện ra Phú Quốc

2022-10-15 06:37

Sáng 14-10, tại phường An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) đã tổ chức lễ đóng điện vận hành cấp điện áp 110 KV giai đoạn 1 - công trình đường dây 220 KV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc. Đây là công trình đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220 KV dài nhất khu vực Đông Nam Á, được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam, có tổng mức đầu tư trên 2.221 tỉ đồng.

Hơn 1.000 ngày thi công giữa biển

Trước khi có đường điện trên không kéo từ đất liền ra đảo, Phú Quốc chỉ có duy nhất nguồn điện lưới quốc gia được dẫn bằng cáp ngầm xuyên biển 110 KV Hà Tiên - Phú Quốc vào tháng 2-2014.

Từ khi có đường cáp ngầm cấp nguồn điện lưới quốc gia, thay thế hoàn toàn nguồn điện diesel tại chỗ, Phú Quốc đã thu hút mạnh đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế biển. Tuy nhiên, nhu cầu phụ tải sử dụng điện trên đảo liên tục tăng nhanh với mức tăng trưởng bình quân trên 35%/năm. Nguồn cấp điện cho "đảo ngọc" qua đường cáp ngầm chỉ đáp ứng tối đa 131 MW, không đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thực tế của TP Phú Quốc.

Vượt biển đưa điện ra Phú Quốc - Ảnh 1.

Đường điện vượt biển từ đất liền ra Phú Quốc giữ kỷ lục dài nhất Đông Nam Á, do 100% kỹ sư, công nhân người Việt Nam thiết kế và thi công. Ảnh: EVNSPC

Nhận thấy rõ nguy cơ và tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ đầu năm 2016, EVNSPC đã báo cáo và được phê duyệt nghiên cứu khả thi công trình đường dây 220 KV Kiên Bình - Phú Quốc. Tháng 3-2019, công trình đường điện trên không vượt biển dài nhất Đông Nam Á từ xã Kiên Bình (huyện Kiên Lương) ra TP Phú Quốc chính thức được khởi công.

Khác với việc thi công đường cáp ngầm đưa điện từ Hà Tiên ra Phú Quốc, việc thi công đường dây vượt biển khó khăn hơn nhiều nhưng chi phí rẻ hơn, dễ bảo trì, sửa chữa, nâng cấp… Anh Nguyễn Trọng Đức, Đội thi công số 2, cho biết phần lớn thời gian thi công các công nhân phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt giữa biển khơi, mù mưa và sóng gió. "Có những ngày biển động cấp 5-6, sà lan chở trụ và thiết bị thi công phải dời vào bờ, mỗi lần như vậy đều rất vất vả, tốn kém. Trong quá trình thi công có những đội khi ra tới vị trí không chịu được sóng gió, công nhân liên tục say sóng, buộc cả đội phải quay lại đất liền, cử đội khác ra. Ban đêm gió thổi mạnh hơn ban ngày nhưng để bảo đảm tiến độ và bù những ngày mưa bão, chúng tôi phải thi công cả ban đêm. Những trụ càng xa bờ thì điều kiện thi công càng khó khăn do đáy biển sâu, sóng lớn" - anh Đức kể.

Không giấu được niềm tự hào, ông Nguyễn Phước Đức, Tổng Giám đốc EVNSPC, cho hay toàn bộ công trình đều do đội ngũ kỹ sư, công nhân người Việt Nam thiết kế và thi công. "Do thi công trên môi trường biển, thường xuyên mưa, bão, cùng với đại dịch COVID-19 kéo dài, việc điều động máy móc, nhân lực thi công, vận chuyển vật tư, thiết bị gặp nhiều trở ngại; giá nguyên nhiên liệu, xây dựng biến động; địa hình, địa chất, thổ nhưỡng đảo Phú Quốc phức tạp và công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của công trình. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các ngành, các cấp lãnh đạo, cùng sự quyết tâm, nỗ lực không mệt mỏi của các tập thể, cá nhân thuộc EVNSPC và các nhà thầu thi công, đơn vị giám sát… nên công trình đã hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành an toàn, bảo đảm chất lượng" - ông Nguyễn Phước Đức cho biết.

Tiếp đà phát triển cho Phú Quốc

Việc hoàn thành công trình đóng điện vận hành cấp điện áp 110 KV đã kịp thời sang tải cho đường cáp ngầm 110 KV đang vận hành, góp phần bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục với chất lượng và độ tin cậy cao cho thành phố đảo. Bà Nguyễn Thị Phương Đài, chủ resort ở phường Dương Đông (TP Phú Quốc), cho biết từ khi có đường cáp ngầm cung cấp điện lưới quốc gia vào năm 2014, tốc độ phát triển của Phú Quốc tăng chóng mặt. Hàng chục ngàn căn hộ thi nhau mọc lên, người dân từ đất liền nhập cư ra đảo tìm cơ hội đầu tư, du khách trong và ngoài nước không ngừng tăng nên nhu cầu sử dụng điện rất lớn. "Có những thời điểm mất điện liên tục do đường dây không đủ tải phải điều tiết, có thể do cáp ngầm cần duy tu, bảo dưỡng. Mỗi ngày mất điện, chúng tôi tốn rất nhiều chi phí phát sinh. Vì vậy, ai cũng mừng khi Phú Quốc có thêm đường điện thứ hai để bổ sung kịp thời" - bà Đài nói.

Tại lễ đóng điện, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, vui mừng cho biết Chính phủ đã định hướng Phú Quốc là trung tâm nghỉ dưỡng tầm quốc gia, khu vực và thế giới cho nên đã đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng vào hệ thống hạ tầng như cảng biển, sân bay quốc tế. Nếu không có điện lưới với công suất mạnh, giá thành rẻ thì sân bay quốc tế, các resort cao cấp, cáp treo, công viên giải trí tầm cỡ sẽ không thể nào hoạt động được.

"Những năm gần đây, đường cáp ngầm trong tình trạng quá tải, không theo kịp tốc độ phát triển của TP Phú Quốc. Vì vậy, công trình đường điện trên không vượt biển ra Phú Quốc đóng điện vận hành giai đoạn 1 là tin cực vui. Tôi tin rằng tất cả người dân Phú Quốc đều mong chờ sự kiện này. Đây cũng là tin tốt cho nhiều nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư vào Phú Quốc, góp phần thúc đẩy, tạo đà cho Phú Quốc phát triển mạnh hơn trong thời gian tới" - ông Hưng kỳ vọng. 

Giai đoạn tiếp theo, EVNSPC sẽ triển khai các công trình đồng bộ cấp điện áp 22 KV - 110 KV - 220 KV gồm: Dự án tái cấu trúc lưới điện Phú Quốc vay vốn KfW (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Đức); hoàn thành phần còn lại của đường dây 110 KV Phú Quốc - Nam Phú Quốc; trạm ngắt 110 KV Phú Quốc, đường dây 110 KV Phú Quốc - Bắc Phú Quốc; trạm biến áp 110 KV Bắc Phú Quốc theo đúng quy hoạch điện lực đã được phê duyệt.

Xem thêm: mth.84634730241012202-couq-uhp-ar-neid-aud-neib-touv/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vượt biển đưa điện ra Phú Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools