Xây dựng, phát triển đô thị thông minh, bền vững một cách bài bản theo quy hoạch và quản lý phát triển đô thị thông minh theo lộ trình đang mở ra cho các địa phương những cơ hội cùng với khó khăn, thách thức khi triển khai. Xung quanh câu chuyện phát triển đô thị thông minh, xanh, bền vững, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
Xu thế phát triển bền vững với đô thị
PV: Đô thị thông minh đang được kỳ vọng là một giải pháp để phát triển đô thị nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững ở nhiều địa phương. Ông nhận định như thế nào về xu thế này?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Phát triển bền vững để hướng tới đô thị bền vững, thông minh là một xu thế của thế giới và ở Việt Nam cũng đã được khẳng định xu thế này.
Đô thị ảnh hưởng đặc biệt tới con người, đến môi trường sống, đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, người ta đặt ra xu thế phát triển bền vững với đô thị. Theo đó, con người sống trong các đô thị qua quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phải tính đến lợi ích cho các thế hệ mai sau.
Tại Việt Nam, một loạt vấn đề cụ thể hóa của phát triển bền vững cũng đã được đặt ra như: đô thị bền vững, đô thị sinh thái, đô thị xanh và tiếp đó là đô thị thông minh. Và đô thị thông minh thực chất là một bước đi của phát triển đô thị bền vững. Với cách đặt vấn đề như thế, Việt Nam đang theo lộ trình.
Năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã xác định Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững và phải nhắc lại rằng đây là Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững chứ không phải thuần túy là đô thị thông minh.
Thực tế hiện nay, Việt Nam đang rất sôi động với việc xây dựng đô thị thông minh, đặc biệt là từ khi gợi mở ra cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều thành phố của Việt Nam đang xây dựng kế hoạch thực hiện như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ…
PV: Xin ông cho biết cụ thể về tiêu chí đô thị thông minh?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về đô thị thông minh, đặc biệt là một số nơi chỉ tiếp cận một cách cục bộ nên chưa hiểu rõ hết về khái niệm này. Nội hàm đô thị thông minh phải được xem xét đồng bộ các yếu tố sau:
Duy trì và tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên, xây dựng không gian đô thị bền vững, chú trọng giữa phát triển và cải tạo, nâng cấp các khu hiện hữu...
Phát triển đô thị phải gắn kết hạ tầng với cảnh quan. Đặc biệt, các khu phát triển mới của đô thị phải là các khu đô thị hoàn chỉnh chứ không phải các khu đô thị đơn chức năng.
Hạ tầng kỹ thuật luôn luôn là áp lực lớn cho việc phát triển đô thị thông minh. Do vậy, muốn xây dựng thành một đô thị thông minh không phải chuyện một sớm một chiều khi dân số đông, hạ tầng yếu kém. Ngay việc chúng ta hoàn thiện phần mềm để biết là đoạn đường nào đang bị tắc và khu vực nào đang bị ô nhiễm môi trường cũng còn là một bài toán. Chúng ta buộc phải xây dựng tốt cơ sở hạ tầng rồi mới tính tới phát triển đô thị thông minh.
Ứng dụng hạ tầng thông minh, bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hạ tầng thông minh này phải kết nối được các đô thị (sử dụng công nghệ thông tin, quản lý điều hành thông qua các thiết bị thông minh...).
Đề cao năng lực quản lý đô thị thông minh
PV: Nói như vậy, chuyển hướng xây dựng đô thị thông minh là một xu hướng tất yếu. Theo ông, các địa phương cần lưu ý gì trong công tác quy hoạch đô thị nói chung và phát triển đô thị thông minh nói riêng?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Để xác định được đô thị thông minh bền vững thì phải xem xét đến nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là cơ sở hạ tầng và cơ sở hạ tầng ở đây tức là có vai trò của công tác quy hoạch, có công tác xây dựng.
Muốn trở thành đô thị thông minh, phải có những không gian thông minh, kết nối các trang thiết bị hiện đại… Theo tôi, với những khu đô thị xây dựng mới phải tạo ra được không gian thông minh và không gian thông minh phải thân thiện với con người, thích ứng với biến đổi môi trường…
Hiện nay, trong kết cấu hạ tầng, yếu tố quan trọng là vấn đề giao thông kết nối với nhau như thế nào. Trong đó bao gồm giao thông công cộng và giao thông cá nhân. Với một đô thị thông minh phải đạt được ít nhất 60 - 70% người dân đi lại qua các phương tiện giao thông công cộng. Nhưng hiện nay, đa số người dân vẫn sử dụng phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, cần phải đề cập đến quy hoạch giao thông tĩnh để có bãi đỗ cho các phương tiện tham gia. Tiếp đó là vấn đề môi trường và không khí thì một số địa điểm đã có thiết bị đo kiểm để xác định nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ ô nhiễm… Có thể nói, ô nhiễm vẫn đang là vấn đề nan giải.
Về quản lý đô thị, đây là một vấn đề phức tạp không chỉ có mục tiêu thông minh mà còn phụ thuộc vào năng lực quản lý đô thị thông minh. Năng lực này không chỉ thể hiện ở cơ cấu tổ chức mà nó nằm ở trí tuệ của đội ngũ quản lý và phương thức quản lý (ứng dụng dữ liệu số, ứng dụng công nghệ).
Theo quan điểm của tôi, để có được đô thị thông minh là phải có một thể chế hoàn thiện lấy con người làm trung tâm và vấn đề ở đây chính là năng lực của con người. Điều đó có nghĩa là phải có những con người biết dùng công cụ thông minh.
PV: Thời gian qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở các địa phương rất quan tâm - tạo bước đệm để phát triển đô thị thông minh. Ông nhận định thế nào về những điểm nổi bật đã đạt được trong lĩnh vực này?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Nhiều địa phương đã chú trọng đến công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trong quá trình phát triển. Ví dụ như Bắc Giang, là tỉnh nhỏ nhưng đã tiên phong thực hiện quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch 2017.
Trong các kết quả đạt được trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, theo tôi có 4 điểm nổi bật. Đó là, từng bước hoàn thiện, đồng bộ về thể chế cơ chế chính sách. Thứ hai, tốc độ đô thị hóa rất cao, mạng lưới các đô thị được phân bố đều trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của từng vùng và cả nước. Thứ ba, trong quy hoạch, phát triển, quản lý đô thị đã có tiếp cận, học hỏi, chọn lọc kinh nghiệm của các nước về xu thế phát triển đô thị hiện đại, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh, đô thị bền vững, đô thị xanh. Thứ tư, trong phát triển đô thị đã chú trọng đến phát triển xây dựng nông thôn mới trong vùng và trong từng đô thị góp phần tạo bản sắc cho đô thị và giảm khoảng cách giàu nghèo.
Bước đi đầu tiên của mỗi địa phương là xây dựng quy hoạch
PV: Vậy theo ông, các địa phương có thể lựa chọn trước tiên những vấn đề gì cho phát triển đô thị thông minh?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Bước đi đầu tiên của mỗi địa phương là xây dựng quy hoạch thông minh. Sau đó kết nối hạ tầng thông minh song hành với phát triển nguồn lực thông minh.
Căn cứ vào thực tế, theo tôi, các địa phương trước hết cần xây dựng được đề án tổng thể phát triển đô thị thông minh cho riêng mình và nên lựa chọn vấn đề ưu tiên để xây dựng, ví dụ như Phú Quốc đã chọn lĩnh vực du lịch thông minh.
Để đô thị trở thành thông minh, chúng ta cần lựa chọn để biết được tính chất của từng đô thị để có giải pháp thích hợp. Đương nhiên, nói đến đô thị thông minh, chúng ta phải đề cập đến cả vấn đề môi trường, giao thông.
Trở lại thực tế về đô thị thông minh mà chúng ta đang nói đến, tôi vẫn muốn nhắc lại tính tổng thể của nó. Chính phủ đã có đề án chung và từng địa phương phải có đề án riêng của mình. Vì thế, trước mắt phải tập trung vào nhận thức với đô thị thông minh bền vững. Cùng với việc đó, phải xây dựng được bức tranh toàn cảnh về đô thị thông minh bền vững để từ đó chọn ra các dự án ưu tiên.
Các đô thị của chúng ta đương nhiên có phần xây mới nhưng phần lớn là được cải tạo từ các điểm dân cư nhỏ lẻ. Cho nên phải có một bức tranh toàn cảnh để phân loại các công việc cần làm và chọn ra các dự án ưu tiên cùng những bước đi thích hợp. Đáng mừng là các nước cũng ủng hộ chúng ta với cách làm này.
Bắc Giang và lợi thế liên kết vùng
PV: Ví dụ câu chuyện của tỉnh Bắc Giang, xin ông cho biết một số chia sẻ về phát triển đô thị thông minh, những điểm thuận lợi của địa phương này?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Vừa rồi, rất nhiều tỉnh như Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình... đã mời tôi góp ý, phản biện quy hoạch của địa phương. Các tỉnh này đều có mục tiêu phát triển đô thị thông minh như đề án Chính phủ đưa ra nhưng lộ trình, bước đi còn nhiều tồn tại.
Bắc Giang có lợi thế về vị thế, giáp với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên phát triển khá mạnh kinh tế, các khu công nghiệp tập trung nhiều. Điều cần thiết lúc này đối với Bắc Giang chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Địa phương này cũng có lợi thế về đất đai, có nguồn đất dự trữ để phát triển nhưng hạ tầng kỹ thuật thì chưa đồng bộ. Thêm vào đó, địa phương cần có cơ chế, chính sách, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí về đô thị thông minh để thu hút nhà đầu tư.
Theo quan điểm của tôi, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị thông minh, bền vững, bản thân nội tại mỗi địa phương phải phấn đấu đạt đủ các tiêu chí của đô thị thông minh. Đặc biệt đối với các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh là địa phương gần với Thủ đô, liên kết vùng là yếu tố vô cùng quan trọng. Hà Nội có nhiệm vụ dẫn dắt các tỉnh trong vùng, còn các tỉnh cần có mối liên hệ, hỗ trợ Thủ đô.
PV: Xin cảm ơn ông!
Trung Nguyễn - Hương Anh
(Thực hiện)