Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Mường Lát nằm chênh vênh ở sườn núi, thượng nguồn dòng sông Mã. Nơi đây cách xa trung tâm của tỉnh Thanh Hóa 260 km về phía đông và giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào) khoảng hơn 10 km về phía tây.
Bỏ học gần hết vì không có chính sách hỗ trợ
Ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Mường Lát, cho biết cách đây bốn năm Mường Lát bị một cơn lũ lịch sử quét qua khiến nhiều bản làng bị xóa sổ. Dù đang từng ngày hồi sinh nhưng đời sống của khoảng 40.000 người dân Mường Lát còn gặp nhiều khó khăn, sinh sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, chăn nuôi.
Bữa cơm với nước mắm, hoa riềng của các em học sinh.. |
Theo ông Hòa, năm học 2019-2020 là năm đầu tiên trung tâm liên kết với Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn (Thanh Hóa) để đào tạo ba ngành nghề gồm: may thời trang, hàn, điện công nghiệp. Lúc đó, theo Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 29, học sinh học nghề hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ một tháng lương cơ bản.
Trong lúc chờ chế độ theo chương trình học nghề, cuộc sống của nhiều HS rất khó khăn, không đủ ăn nên nhiều thầy cô trong trường đã góp tiền mua gạo, mua thức ăn, thiết bị học tập và cho các em ứng tạm để chi trả sinh hoạt ăn ở tại trường.
Tuy nhiên, sau đó Nhà nước chỉ hỗ trợ cho HS theo trường trung cấp nghề, còn HS học nghề theo chương trình liên kết với các trường nghề tại trường thì không được hưởng. Không có hỗ trợ, hơn một nửa số HS vào học khối 10 đã bỏ học, từ 88 em qua nửa năm chỉ còn 35 HS.
“Các thầy cô ứng tạm chi phí sinh hoạt biết các em không nhận được hỗ trợ nên cũng không lấy lại tiền, vì thương hoàn cảnh các em quá nghèo” - thầy Hòa xót xa kể lại.
Nhiều bàn còn trống trong lớp học tám học sinh lớp 10. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Thầy Hòa chia sẻ hằng năm cứ vào dịp tháng 8 là thầy cô lại xuống tận bản, đến nhà gia đình có HS trượt THPT để vận động các em vào trung tâm theo học. “Chúng tôi là những giáo viên, thấy rất buồn, thương, hụt hẫng và xót xa khi HS mình từng đi vận động bỏ học gần hết vì không có chế độ hỗ trợ học tập và điều kiện quá khó khăn” - thầy Hòa ngậm ngùi.
Nhiều bữa ăn chỉ có hoa riềng và nước mắm
Theo thầy Hòa, đa số HS theo học tại trường đều có nhà ở xa nên có khi phải nửa tháng các em mới về nhà một lần để lấy rau, gạo, nước mắm, mì tôm và một ít thịt mang xuống trường.
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát hiện chỉ có bảy thầy cô giáo giảng dạy, quản lý nhưng cố gắng đóng góp mỗi người một ít để hỗ trợ, động viên HS nghèo vươn lên trong học tập, không bỏ học giữa chừng vì thiếu ăn.
Thầy Hòa kiến nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ thêm cho các em về chi phí học tập, trang thiết bị dạy nghề ở huyện biên giới Mường Lát.
Kể về cuộc sống sinh hoạt học tập tại trường, em Đinh Thị Nhung đang học lớp 12 và học nghề may thời trang chia sẻ: “Thường thì một tuần, em chỉ được ăn thịt heo 1-2 lần, còn lại là ăn rau cải, măng rừng nhưng so với nhiều bạn khác vẫn còn nhỉnh hơn. Vì có hôm em thấy các bạn ăn cơm chỉ có nước mắm với rau thôi”.
Ngồi kế bên Nhung, Thao Minh Pó, ngụ bản Nhi Sơn cách trung tâm 30 km, cho biết: “Ba năm nay theo học tại trường, có bữa đói bữa no, bữa cơm rau, bữa cá khô. Nhiều lúc em cũng muốn nghỉ học về đỡ đần cho bố mẹ nuôi các em còn nhỏ rồi đi lấy vợ. Nhưng em cố gắng theo học nghề hàn để sau này xuống TP xin vào làm công nhân nếu không đậu đại học”.
Đôi mắt ngấn lệ, thầy Hòa chia sẻ: “Hai em còn có bữa cá khô hay thỉnh thoảng có miếng thịt ăn để cải thiện chứ nhiều học sinh lớp 10, lớp 11 chỉ có cơm với nước mắm, hoa riềng, bí, rau cải và ăn liên tục nhiều ngày”.
Thầy Hòa vừa dẫn chúng tôi xuống dãy nhà ký túc vừa nói: “Đâu cứ phải vào tận sâu trong bản mới thấy cảnh khốn khó của các em, chỉ ngay ở đây thôi, khổ lắm, thương lắm”.
Không có một sự sắp đặt nào, chúng tôi đi qua mỗi phòng ký túc xá và tận mắt chứng kiến bữa ăn quá đạm bạc của các em. Có nhóm HS ăn thịt băm kèm canh củ riềng, vớt riềng ra chấm mắm. Theo các em, sở dĩ hôm nay có thịt băm vì một bạn mới về nhà mang lên, còn bình thường thì chỉ có ăn cơm với củ riềng, nước mắm và rau thôi.
Ở một góc khác, bốn HS lớp 10 đang chia nhau ngon lành bát cơm nguội và ở chính giữa là nồi canh hoa riềng, một bát nước mắm. Chứng kiến cảnh HS vất vả, người thầy lén quay đi gạt những giọt nước mắt lăn dài trên gò má rám nắng ở vùng biên này.
“Chỉ có vậy thôi, ngày nào cũng vậy, chủ yếu hoa riềng, rau bí, có lẽ các em cũng đã quên thịt lợn từ rất lâu rồi. Mà bữa ăn có miếng thịt với các em ở đây là rất hiếm và cũng ít khi thấy” - thầy Hòa xót xa.
Học sinh vào trường giảm dần
Do Nhà nước hiện chưa có chính sách hỗ trợ HS nghèo, cận nghèo học nghề theo chương trình liên kết với các trường nghề tại trường nên trung tâm dù được xây dựng rất khang trang, kiên cố vẫn đìu hiu lặng lẽ. Số HS vào trường hằng năm cứ giảm dần. Theo đó, khối 12 chỉ có 35 em, 22 em khối 11 và chỉ có 10 em khối lớp 10 nhưng có một em đang xin nghỉ học vì quá nghèo.