VFF xác nhận ông Park Hang Seo sẽ chia tay bóng đá Việt Nam sau khi hợp đồng giữa hai bên kết thúc ngày 31-1-2023 - Ảnh: MINH ĐỨC
Chia tay và cảm ơn thầy Park
Trưa 17-10, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chính thức đưa ra thông báo sẽ kết thúc hợp đồng với HLV Park Hang Seo sau 5 năm gắn bó. Ông Park sẽ rời Việt Nam sau ngày 31-1-2023.
Thông báo của VFF cho biết: "VFF và HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo đã đi đến thống nhất về việc chấm dứt hợp đồng giữa hai bên vào ngày 31-1-2023. Quyết định trên đồng nghĩa với việc giải đấu cuối cùng của HLV Park Hang Seo với cương vị HLV trưởng đội tuyển Việt Nam sẽ là giải đấu AFF Mitsubishi Electric Cup 2022 vào tháng 12 tới".
"Chúng tôi rất quý mến và trân trọng những đóng góp của ông cho nền bóng đá Việt Nam. Chúng tôi luôn nhớ về ông" - bạn đọc Trịnh Thanh Toản viết.
Trong khi đó, một số bạn đọc dù tỏ ra hụt hẫng, tiếc nuối... nhưng cho rằng có đến ắt hẳn có đi và đó cũng là quy luật của bóng đá chuyên nghiệp.
Về ý này, bạn đọc Gia Anh Dũng viết: "Cuộc chia tay nào cũng để lại những ấn tượng khó phai, ông đã để lại Việt Nam một ấn tượng tốt và mãnh liệt hơn hết thảy. Cám ơn ông".
Nhằm ghi nhận đóng góp của ông, bạn đọc Phạm Văn Út viết: "Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nên đúc tượng HLV Park để vinh danh những thành tích của ông cho bóng đá Việt Nam".
Ủng hộ ý này, bạn đọc Minh Chánh bổ sung: "Tôi đồng ý VFF dựng tượng cho HLV này. Mọi người ơi, bỏ thêm 1 phiếu".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (áo xanh) kiểm tra hồi ký, ghi chép của thương nhân tại chợ đầu mối Bình Điền - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mong các bộ trưởng "vi hành" nhiều hơn
Từ các ý trong những bài về vệ sinh an toàn thực phẩm mà báo Tuổi Trẻ nhắc đến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn vào cuộc với góc nhìn cơ quan quản lý về sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi để tìm phương cách, giải pháp.
Một trong những động thái mới nhất là lúc 3h sáng 17-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đi khảo sát thực tế chuỗi cung ứng nông sản tại TP.HCM.
Cho rằng từ những chuyến "vi hành" như thế này mới nắm bắt thực tế từ đó đưa ra những quyết sách hợp ý, một số bạn đọc của Tuổi Trẻ Online mong bộ trưởng có nhiều thêm những chuyến "vi hành".
"Bộ trưởng không phải đi kiểm tra, mà ông đi khảo sát thực tế về chuỗi giá trị nông sản để có giải pháp. Trước khi đi, ông đã nghiên cứu thông tin thực tế rồi mới đi lúc 3 giờ sáng, đi từ chợ đến doanh nghiệp phân phối, nhà chăn nuôi... Tầm bộ trưởng phải thế mới đúng" - bạn đọc Hoài Dung viết, đầy hứng khởi.
Kiến nghị thêm, bạn đọc Chóe bổ sung: "Bộ trưởng vi hành vậy là quá tốt, nhưng tốt hơn nữa nếu chỉ đi 1-2 người, không báo trước và trang phục như thường dân. Có như thế thì mới thấy hết những được và chưa được. Lúc đó, mọi người mới té ngửa là hồi hôm bộ trưởng đi kiểm tra mà mình không biết".
Không chỉ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tư lệnh ngành cần có nhiều thêm những chuyến "vi hành" là mong muốn của nhiều bạn đọc.
Bạn đọc nick name Taika viết: "Các tư lệnh ngành phải liên tục vi hành mới thấy nhiều mặt của thị trường, chất lượng sản phẩm...".
Không khó bắt gặp những bài rao mua bán dự đoán đề thi IELTS trên mạng với cam kết chắc nịch - Ảnh chụp màn hình
"Thần thánh hóa" IELTS, chạy đua học tiếng Anh theo kiểu "luyện gà"
Ngày càng nhiều bạn trẻ học IELTS theo kiểu "luyện gà", không cần biết có dùng được tiếng Anh hay không, miễn đạt được điểm số cần có. Thậm chí để có chứng chỉ "đẹp", một số người còn sẵn sàng chi tiền mua đề.
Nói về phong trào này, phó trưởng phòng đào tạo một trường đại học tại TP.HCM cho rằng việc các trường "thần thánh hóa" chứng chỉ IELTS cũng làm cho bài thi này trở thành... tác nhân của bệnh thành tích.
Nhiều trường đại học dành một số phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ IELTS, dù nhìn chung được đánh giá khá tích cực nhưng vẫn góp phần tạo ra mặt trái là việc học sinh "thi đua" lấy chứng chỉ này.
Nhìn nhận tổng quan về thực tế xảy ra, bạn đọc Văn Minh phân tích: "Gần đây, báo Tuổi Trẻ có nhiều bài về thực trạng, nạn lệ thuộc bằng cấp, nạn quỹ của hội phụ huynh… rất hay, rất đúng và trúng. Hy vọng các bài này các lãnh đạo có trách nhiệm đọc được và nắm được tình hình (chắc chờ báo cáo từ cấp dưới thì lâu lắm).
Theo bạn đọc này, có vấn đề các cơ quan quản lý giáo dục cần chú ý, đó là:
1. Phải bỏ được nạn bằng cấp, "học giả" để lấy chứng chỉ, bằng thật.
2. Xem xét lại công tác tuyển sinh đầu cấp, tuyển sinh đại học.
Chính từ công tác tuyển sinh không chú trọng chất lượng, chỉ chú trọng chứng chỉ, mới sinh ra nạn học thêm, nạn mua bán chứng chỉ. Ví dụ khi vào lớp 6, nhiều cháu có chứng chỉ phụ thì được học lớp tiếng Anh tăng cường, các cháu hoàn thành tốt chương trình tiểu học không được xếp vào lớp tiếng Anh tăng cường, nhưng qua lớp 7 chính số có các chứng chỉ Cambridge Starters, Movers và Flyers nhiều cháu lại không theo nổi kết quả tiếng Anh thấp...
Trong khi đó, cũng có không ít bạn đọc cho rằng trong xu hướng hội nhập ngày nay, việc lấy chứng chỉ quốc tế là tất yếu.
Về ý này, bạn đọc Nguyen Hoang viết: "Đây là chứng chỉ quốc tế, được rất nhiều trường đại học trên toàn thế giới áp dụng. Trong xã hội hiện đại hội nhập thì các chứng chỉ đó như một tấm vé phải có nếu muốn thực hiện ước mơ du học".
Đưa ra lời khuyên cho bạn trẻ, bạn đọc nick name Bong Su viết: "Hãy dồn tiền học kỹ năng nghề chuyên sâu, bạn có cơ hội kiếm tiền nhiều hơn. Tiếng Anh thì hoàn thiện dần trong giao tiếp".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ vấn đề gì? Theo bạn, có nên bằng mọi cách để có chứng chỉ IELTS?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi ý kiến ở KHUNG BÊN DƯỚI.
TTO - Đây là quy định trong Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.