Theo báo Tin Tức, hãng Bloomberg đưa tin đôi vợ chồng nhà nghiên cứu người Đức Ugur Sahin và Ozlem Tureci cho biết họ không dám khẳng định chắc chắn tìm ra phương pháp chữa trị bệnh ung thư, song đã đạt được những đột phá nhất định.
Nhiều thập kỷ qua, ông Sahin và bà Tureci - đồng sáng lập BioNTech ở Mainz, Đức, năm 2008 – đã tiên phong phát triển các liệu pháp miễn dịch ung thư phù hợp với từng bệnh nhân. Việc sử dụng vaccine công nghệ mRNA của họ đã chứng minh được hiệu quả trong đại dịch.
Trong khi vaccine thông thường sử dụng các dạng virus bất hoạt, mRNA chỉ sử dụng mã di truyền của virus.
Khi vaccine mRNA được tiêm vào cơ thể, nó sẽ xâm nhập vào các tế bào và kích thích chúng sản xuất chất kháng nguyên để hệ thống miễn dịch ghi nhớ chống lại bệnh tật.
Khi được hỏi về thời điểm mọi người trên thế giới có thể tiếp cận vaccine ung thư, Giáo sư Sahin cho biết điều đó có thể xảy ra muộn nhất là năm 2030.
Theo Lao Động, theo các nhà khoa học, một trong những hậu quả của đại dịch là nó có thể đã thúc đẩy việc phát minh ra vaccine ung thư. Bà Tureci lưu ý, trong khi những thành tựu của BioNTech trong lĩnh vực phát triển vaccine ung thư là “ngọn gió để phát triển vaccine Covid-19”, thì giờ đây nó lại hoạt động theo chiều ngược lại.
“Và bây giờ vaccine Covid-19 và kinh nghiệm của chúng tôi trong việc phát triển vaccine này đã giúp ích cho công việc điều trị ung thư của chúng tôi”, bà nói thêm.
Đào Vũ (T/h)