Kết thúc phiên giao dịch hôm 17/10, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 550,99 điểm (1,86%), đóng cửa ở mức 30.185,82. Chỉ số S&P 500 tăng 2,65% lên 3.677,95. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,43%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 7, đóng cửa ở mức 10.675,80.
Gần như tất cả các cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 đều tăng, trong đó các công ty công nghệ và truyền thông có cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất. Cổ phiếu Apple tăng 2,9% và công ty mẹ của Google tăng 3,7%.
Lợi suất trái phiếu giảm xuống từ mức cao nhất trong nhiều năm, làm giảm bớt áp lực đối với cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm ổn định ở mức 4,02%. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm giảm từ 4,50% xuống 4,46%.
Thị trường chứng khoán vừa kết thúc một tuần đầy biến động khi hầu hết các chỉ số ngập trong sắc đỏ. Tính cả hôm 17/10, chỉ số S&P 500 đã tăng, giảm ở mức 2% trở lên 6 lần trong tháng này.
Sự phục hồi phiên đầu tuần không đáng kể so với sự sụt giảm của các chỉ số trong năm nay. Chỉ số Nasdaq đã giảm hơn 31%, S&P 500 giảm hơn 22%, và Dow Jones giảm gần 17% từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, mùa báo cáo thu nhập quý III đang diễn ra sôi nổi. Các nhà đầu tư đang theo dõi xem liệu các công ty Mỹ có điều chỉnh triển vọng tăng trưởng khi đối mặt với lạm phát cao và suy thoái kinh tế hay không.
Ngân hàng Bank of America hôm 17/10 báo cáo kết quả tốt hơn mong đợi, khiến cổ phiếu ngân hàng này tăng 6%.
“Lạm phát cao và những lo lắng về suy thoái không làm giảm chi tiêu của một bộ phận khách hàng”, ông Brian Moynihan, Giám đốc điều hành Bank of America nhận định. Ông cho biết, chi tiêu trong 9 tháng đầu năm đã tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021.
Cổ phiếu ngân hàng New York Mellon cũng tăng 5% sau khi ngân hàng này công bố kết quả cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.
Nhiều tên tuổi công nghệ lớn như Netflix, Tesla và IBM cũng sẽ đưa ra báo cáo trong tuần này.
Các nhà đầu tư vẫn đặc biệt quan tâm đến chính sách tăng lãi suất tích cực của Fed nhằm hạ nhiệt lạm phát. Họ lo ngại Fed có thể đi quá xa và làm nền kinh tế chậm lại đến mức rơi vào suy thoái.
Tuần này, Phố Wall chuyển trọng tâm sang vòng báo cáo kết quả tài chính doanh nghiệp mới nhất. Các báo cáo thu nhập và cập nhật tài chính có thể giúp các nhà đầu tư có bức tranh rõ ràng hơn về cách các công ty và người tiêu dùng đối phó với lạm phát.
Một yếu tố khác trong các động thái hôm 17/10 là những diễn biến chính trị ở châu Âu. Bộ trưởng Tài chính mới của Vương quốc Anh Jeremy Hunt thông báo rằng hầu hết các kế hoạch cắt giảm thuế sẽ bị loại bỏ. Đồng bảng Anh giao dịch cao hơn 1% ở mức 1 bảng đổi 1,135 USD, và nợ chính phủ Vương quốc Anh tăng mạnh.
Giá dầu giảm bất chấp việc OPEC + cắt giảm sản lượng. Thị trường năng lượng đang căng thẳng vì lo ngại Tổng thống Mỹ Biden có thể giải phóng thêm 100 triệu thùng dầu thô từ SPR, điều này sẽ làm giảm giá dầu mặc dù “đó không phải là mục đích sử dụng (kho dự trữ)”, theo bà Amrita Sen, trưởng nhóm phân tích của công ty Energy Aspects.
Giá dầu thô Mỹ giao tháng 11 giảm 15 cent xuống 85,46 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 12 giảm 1 cent xuống 91,62 USD/thùng.
Giá xăng bán buôn giao tháng 11 giảm 4 cent xuống 2,59 USD/gallon. Giá dầu sưởi giao tháng 11 tăng 11 cent lên 4,09 USD/gallon. Giá khí đốt giao tháng 11 giảm 45 cent xuống còn 6 USD/ 1.000 feet khối.
Giá vàng giao tháng 12 tăng 15,10 USD lên 1.664 USD/ounce. Giá bạc giao tháng 12 tăng 65 cent lên 18,72 USD/ounce và giá đồng giao tháng 12 không đổi ở mức 3,42 USD/pound.
Đồng USD tăng từ 148,68 Yên/USD lên 148,91 Yên/USD. Đồng Euro tăng từ 97,25 cent lên 98,45 cent.
Nguyễn Tuyết (Theo CNBC, AP, Business Insider)