Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng ở quận 3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tỉ giá giao dịch trên thị trường lập tức có thay đổi. Nguồn cung USD được nhận định sẽ bớt căng thẳng hơn.
Sẵn sàng bán ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước cho biết để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương trên thế giới, cơ quan này ban hành quyết định số 1747 quy định về tỉ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với USD từ ±3% lên ±5%, áp dụng từ 17-10.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2022 đến nay, FED và nhiều ngân hàng trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành.
Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn. Giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát... gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt áp dụng đồng bộ các công cụ, giải pháp, can thiệp để duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường tiền tệ, ngoại hối, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Nguồn cung USD sẽ bớt căng
Đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ biến động tỉ giá từ 3% lên 5% (tăng thêm 2% so với trước) và nâng tỉ giá trung tâm lên 23.586 đồng/USD, nâng giá trần có thể giao dịch lên mức 24.765 đồng/USD, chuyên gia kinh tế Trần Duy Phương cho rằng đó là động thái cần thiết vào lúc này vì suốt một tuần qua tỉ giá giao dịch giữa các ngân hàng trên liên ngân hàng nhiều lúc gần chạm trần và nguồn USD khá căng thẳng. Nhất là ở thời điểm cuối năm nhu cầu mua USD để thanh toán hàng hóa của doanh nghiệp khá lớn.
Do vậy với việc nâng giá trần có thể giao dịch lên mức 24.765 đồng/USD tạo điều kiện cho ngân hàng có "không gian" rộng hơn trong việc ấn định giá mua bán USD. Các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn USD có thể mạnh dạn bán ra, giúp nguồn cung USD dồi dào hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Trương Văn Phước - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - nhận định Ngân hàng Nhà nước mong muốn thị trường sẽ giao dịch với tỉ giá hợp lý.
Người mua sẵn sàng mua và người bán cũng sẵn sàng bán. Sau khi nới biên độ, ngày 17-10, tỉ giá cũng chưa tăng hết biên độ.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng hoàn toàn ủng hộ quyết định nới biên độ tỉ giá đồng USD/VND của Ngân hàng Nhà nước vì sẽ giúp ổn định hơn thị trường ngoại hối.
Thực tế, tại thị trường tự do trong một tuần qua, giá USD tăng lên trên 24.400 đồng nên Ngân hàng Nhà nước không thể không nới biên độ tỉ giá của các ngân hàng.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Xuất khẩu có lợi nhưng vẫn khó
Ông Trương Văn Phước thông tin ở nhiều nước, đồng USD tăng giá rất mạnh, như tăng 31% so với yen Nhật Bản, 22% so với đồng won của Hàn Quốc, euro mất giá đến 14%... Còn đồng Việt Nam mất giá gần 7% là mức thấp nhất so với trên thế giới.
Cũng phải nói thêm, USD là đồng tiền mạnh vì vừa là đồng tiền thanh toán, lại vừa là đồng tiền dự trữ. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, phía Mỹ muốn cho đồng USD thật mạnh để hàng nhập khẩu vào nước này rẻ đi để giúp họ chống lạm phát.
Do vậy, buộc lòng chúng ta phải có cơ chế tỉ giá linh hoạt. Linh hoạt không có nghĩa là chúng ta bảo vệ đồng nội tệ đừng bị mất giá quá nhiều, nhưng cũng không thể không mất giá. Chúng ta vẫn cố gắng duy trì nhiều giải pháp để cho đồng Việt Nam ít mất giá để không nhập khẩu lạm phát.
"Suy cho cùng, dù biên độ tỉ giá là bao nhiêu, tỉ giá trung tâm thế nào thì vùng mục tiêu tỉ giá phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nền kinh tế, lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu, nhà nhập khẩu và nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng đưa vốn vào Việt Nam để đầu tư...", ông Phước nói.
Theo TS Hiếu, quyết định này sẽ có lợi cho xuất khẩu vì khi nhận được USD với tỉ giá tăng. Nhưng ở chiều ngược lại sẽ bất lợi cho nhà nhập khẩu bởi tỉ giá tăng sẽ khiến giá cả hàng nhập về tăng thêm.
Là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước, cho biết việc nới lỏng biên độ tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD thêm ±2% là hoàn toàn đúng đắn để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Nếu vẫn giữ đồng Việt Nam cao giá quá thì doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là những ngành xuất khẩu mà nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ sản xuất trong nước sẽ bị thua lỗ dẫn đến phá sản. Hệ lụy là khiến cả người nông dân, ngư dân làm ra sản phẩm thủy sản cũng bị thiệt thòi.
Ông Lĩnh nêu có một nghịch lý là các nước có đồng tiền mạnh thì lãi suất ngân hàng rất thấp, chỉ 1%. Nhưng chúng ta vừa giữ đồng Việt Nam mạnh nhưng lại tăng lãi suất ngân hàng.
Không chỉ lãi suất đồng Việt Nam bật tăng trong một tháng qua mà hiện lãi suất đồng USD tăng từ 1% cuối năm ngoái lên 3,5% hiện nay. Cả hai yếu tố này khiến chi phí trên đồng vốn của doanh nghiệp xuất khẩu cực kỳ lớn.
Giá USD tăng mạnh
Ghi nhận thị trường chốt phiên giao dịch 17-10 tại các ngân hàng, giá đồng USD bật tăng mạnh mẽ 220 - 230 đồng/USD ở cả hai chiều so với niêm yết ngày 16-10.
Như cuối ngày 17-10, Vietcombank niêm yết giá USD mua vào - bán ra 24.160 đồng - 24.440 đồng, Eximbank: 24.190 đồng - 24.450 đồng...
Còn tại thị trường tự do, giá USD cũng nhích lên, có thời điểm ở Hà Nội mua vào 24.550 đồng, bán ra 24.830 đồng.
TTO - Sau nhiều ngày liên tục tăng, giá bán USD tại ngân hàng cuối ngày hôm nay (30-9) đã đồng loạt vượt mức 24.000 đồng/USD.
Xem thêm: mth.305703271012202-dsu-gnuc-nougn-gnat-puig-od-neib-ion/nv.ertiout