Khi trời vừa tối, trên sông Tiền đoạn qua huyện Tân Phú Đông xuất hiện hàng loạt ghe, sà lan hút trộm cát sông - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Chúng tôi gặp ông Th. - một người dân có nhà nằm cạnh sông Cửa Đại (một nhánh của sông Tiền) - vào một ngày đầu tháng 10-2022. Mọi hoạt động, giờ giấc của những chiếc ghe, sà lan khai thác cát trái phép trên đoạn sông này ông rất rành rẽ.
"Mọi việc vẫn tiếp diễn"
Ông Th. cho biết từ trước Tết Nguyên đán 2022 bắt đầu xuất hiện lác đác vài chiếc sà lan, ghe gỗ quy tụ về đây khai thác cát trái phép.
Tình trạng trở nên rầm rộ trong năm 2022 khi mỗi đêm có khoảng 10 chiếc sà lan lớn, loại cả ngàn tấn đậu cặp bờ và xung quanh là hàng chục chiếc ghe gỗ có nhiệm vụ hút cát và bơm lên sà lan sắt.
Trong lúc đứng nói chuyện với ông Th., những chiếc sà lan sắt và ghe gỗ vẫn hoạt động rầm rộ cách bờ sông khoảng vài chục mét. Chỉ cần pha đèn là có thể thấy rõ từng chiếc ghe. Ông Th. cho biết ông đã điện báo cho các cơ quan chức năng từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh về chuyện cát tặc lộng hành.
"Sau khi tiếp nhận thông tin, họ cũng có cho người xuống để khảo sát tình hình. Thậm chí họ còn ngủ lại nhà tôi để chứng kiến đầy đủ sự việc và hứa sẽ giải quyết dứt điểm. Nhưng rồi mọi việc vẫn tiếp diễn" - ông Th. nói.
Chúng tôi cùng ông Th. nhờ một người chuyên chạy ghe trên khúc sông này chở đi thực tế. Đúng như lời người dân phản ảnh, chỉ cần khoảng 15 phút chạy trên sông giữa đêm khuya, chúng tôi đã bắt gặp hơn 10 chiếc ghe gỗ hút cát sông.
Sau khi hút đầy, những chiếc ghe gỗ này lại cặp mạn các tàu sắt để bơm cát lên đó. Quy trình cứ lặp đi lặp lại từ đầu hôm đến sáng. Khi khoảng 10 chiếc sà lan sắt được bơm đầy cát thì cũng là lúc những chiếc ghe gỗ xong nhiệm vụ và rút lui vào những con rạch nhỏ xung quanh sông Tiền.
Liên tiếp nhiều ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10-2022 chúng tôi được người dân nhiều lần dẫn ra khu vực khai thác cát lậu trên sông Tiền để ghi hình.
Các tàu hút cát trái phép hoạt động rầm rộ trên sông Tiền, đoạn chảy qua huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đêm 30-9 - Ảnh: TIẾN TRINH
Chính quyền nói gì?
Ông Lê Trần Ngọc Lâm - chủ tịch UBND xã Phú Thạnh - cho biết chính quyền xã đã nhận được phản ảnh của người dân về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông, đoạn qua xã. "Chúng tôi cũng đã làm theo quy trình, cho kiểm tra đồng thời mời những người dân trên địa bàn xã làm cam kết không khai thác cát trái phép", ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, hiện xã gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý cát tặc trên sông vì thiếu phương tiện và lực lượng mỏng. Bên cạnh đó, dù biết rõ những ghe hút trộm cát hoạt động trên sông nhưng rất khó xử lý vì không đủ chứng cứ.
Hầu hết những sà lan hoạt động như sà lan trung chuyển cát chứ không phải khai thác. Tương tự, ghe gỗ vận chuyển đến sà lan sắt rồi bơm lên chứ không trực tiếp hoạt động.
Và điều khó xử lý nữa là khi kiểm tra những sà lan đó thì họ đều xuất trình được hóa đơn cát được lấy từ các mỏ ở tỉnh khác như Đồng Tháp, An Giang.
Vậy tại sao không xử lý những ghe gỗ nhỏ trực tiếp hút cát trên khúc sông thuộc địa bàn xã? Ông Lâm cho biết để xử lý được những chiếc ghe này cần phải biết chính xác tọa độ cụ thể. "Hiện nay các ghe gỗ có kiểu hút chạy, tức là sau khi buông vòi xuống sông thì vừa chạy vừa hút nên không thể biết rõ tọa độ để xử lý", ông Lâm nói.
Ông Bùi Thái Sơn - chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông - cho biết dù biết rõ người dân rất bức xúc nhưng khu vực xảy ra tình trạng hút trộm cát nằm giáp ranh nhiều địa bàn, trong đó có giáp ranh giữa tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre nên rất khó xử lý.
Nguồn cát "chính thống" của tỉnh Tiền Giang được khai thác từ các mỏ đã không còn, do từ năm 2013 đến nay tỉnh này không còn cấp phép mở mỏ mới.
Tuy nhiên trước tình trạng khan hiếm cát lấp để phục vụ cho các công trình, dự án và nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân, mới đây UBND tỉnh đã có chủ trương mở lại để đáp ứng nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Dư - phó chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang - cho biết hiện sở đang trình UBND tỉnh cho chủ trương thăm dò, đánh giá trữ lượng cát lòng sông chính xác, cụ thể để có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt tổ chức đấu thầu khai thác các mỏ cát.
Mua bán trái phép hóa đơn gần 2 triệu m3 cát
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết vừa phối hợp cùng lực lượng chức năng bắt và di lý Nguyễn Hữu Phước (54 tuổi, ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) từ TP.HCM về tới địa phương về tội "mua bán trái phép hóa đơn".
Theo kết quả điều tra, từ tháng 10-2018 đến tháng 5-2020, Nguyễn Hữu Phước thành lập Công ty TNHH một thành viên Tiền Sở Thượng, có trụ sở tại xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và điều hành hoạt động năm công ty do người khác đứng tên giám đốc.
Phước xuất bán 997 tờ hóa đơn (ghi khống gần 2 triệu m3 cát trên hóa đơn) cho Công ty Thanh Vân Tân Châu do Lê Thanh Vân (41 tuổi, ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đứng tên và Công ty Giang Sơn Tân Châu do Vân điều hành hoạt động, không có hàng hóa kèm theo.
Tổng số tiền ghi khống trên 997 tờ hóa đơn là trên 102 tỉ đồng. Phước thu lợi từ việc bán hóa đơn trên 3 tỉ đồng, còn Vân đem bán số hóa đơn trên đã thu lợi trên 1,9 tỉ đồng.
BỬU ĐẤU
TTO - Bị tổ công tác áp sát tiếp cận, "cát tặc" rút lù đánh chìm hai tàu bơm hút cát xuống sông Đồng Nai rồi nhảy xuống nước bơi vào bờ tẩu thoát.
Xem thêm: mth.76755338081012202-neit-gnos-o-or-mar-cat-tac/nv.ertiout